Hai tiếng đồng bào ...

 

Hai tiếng đồng bào ... - ảnh 1
                Nhà báo Huy Dung, ngoài cùng bên trái và một số phóng viên phòng Việt Kiều
Năm 1981, mấy anh em chúng tôi gồm: Anh Trang, Thu Nga, Sơn Ngọc và tôi được lãnh đạo Đài TNVN giao cho xây dựng một chương trình phát thanh mới dành cho người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Từ năm 1973, nhằm phục vụ có thông tin sớm nhất cho đoàn cán bộ ta đang dự Hội nghị Paris về Việt Nam, Đài TNVN đã phát lại toàn bộ bản tin thời sự 21h30 sang bên đó. Công việc cứ kéo dài như thế cho tới năm 1979-1980, anh em thời sự khi đó gọi là “bản tin 0h”! Nhiều đồng chí tham dự Hội nghị bốn bên ở Paris trở về, nhiều cán bộ ngoại giao, cán bộ của ta đi công tác ở nước ngoài trở về cho biết: Trong bối cảnh hiện tại nếu chỉ phát sóng lại một chương trình thời sự trong nước cho cán bộ ngoại giao ở nước ngoài, thì chưa đủ và chúng ta đã bỏ quan một lực lượng thính giả đông đảo là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Công tác tư tưởng của thời kỳ mới đặt ra những yêu cầu mới, cách thức làm mới, và chúng tôi được giao xây dựng chương trình phát thanh cho một đối tượng vừa lạ, vừa quen, vừa thân gần vừa xa cách.
Hai tiếng đồng bào ... - ảnh 2

Điều mấy anh em chúng tôi băn khoăn, trao đổi với nhau nhiều nhất trong những ngày đầu xây dựng chương trình này là tìm một tên gọi, một lời xướng cho chương trình. Đây là chương trình có một đối tượng đặc biệt là người Việt Nam xa xứ. Họ là người Việt Nam, có một tổ quốc thân yêu, dù sống xa nhưng tâm hồn họ vẫn rất gần gũi với non sông đất nước, trái tim họ vẫn thấm đẫm tình nhớ thương con đường, lối phố, mái đình, bến nước, họ vẫn rất thuộc những câu hát xẩm xoan, hay điệu chèo, điệu lí. Đó cũng lại là một cộng đồng rất đa dạng, và phức tạp với những thái độ chính trị khác nhau, vị trí xã hội khác nhau, cảnh ngộ ra đi khác nhau.

Cùng với cộng đồng người Việt xa xứ còn có một lực lượng đông đảo cán bộ, lưu học sinh và công nhân lao động của ta ở nước ngoài. Và cộng đồng thính giả ấy có đa dạng phức tạo thế nào thì đó vẫn là người Việt Nam, cùng tiếng nói với tiếng “đồng bào” rất ấm áp, rất thân yêu mà Bác Hồ dùng trong Tuyên ngôn độc lập và trong các bài chúc tết của Người.

Thế là tên của chương trình được xướng là: Chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc”. Nét nhạc hiệu của nó phải là nét đàn bầu trầm ấm, trang nghiêm và lay thức trái tim những người con xa quê bao mến thương nỗi nhớ về cội nguồn của dân tộc. Anh Sơn Ngọc được phân công đi chọn nhạc. Anh đã dành cả tuần ngồi lì bên Trung tâm âm thanh để chọn ra cả chục nét nhạc đàn bầu cho nhóm làm chương trình lựa chọn và làm thử 4-5 nhạc hiệu để nghe duyệt. Chúng tôi đã chọn ra được một nhạc hiệu, một lời xướng như hiện nay chương trình đang phát. Khi đưa những chương trình thể nghiệm đầu tiên nghe duyệt, nhiều đồng chí trong Ban biên tập, Bộ biên tập đã động viên và khen nhạc hiệu và lời xướng hay, hợp lý.

Nhưng cũng có một số đồng chí trong Bộ biên tập đã từng sống ở nước ngoài, đã từng làm việc ở các cơ quan ngoại giao thì cho rằng: Nhạc đàn bầu có nét chậm chạp và không thích hợp với nhịp sống của người Phương Tây, và đặc biệt không nên dùng câu xướng: Đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc mà nên nói ngắn gọn, khách quan: Chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhiều ý kiến được đưa ra bàn bạc, trao đổi: Nhóm làm chương trình chúng tôi thì vẫn giữ nguyên ý tưởng của mình. Lời xướng và nhạc hiệu đó sẽ là nền móng cho cách thức xây dựng một chương trình phát thanh với mục đích khơi gợi, thức dậy tình yêu quê hương xứ sở của người xa quê, làm sống lại những nét đẹp bản chất cốt lõi trong phẩm cách người Việt Nam, làm cho họ gần lại với quê nhà. Ai ở gần ta thì làm cho họ gần hơn, ai ở xa ta thì kéo họ lại gần, với ý nghĩa đại đoàn kết dân tộc - “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Và cuối cùng, ý tưởng ấy của chúng tôi đã có lý và được chấp nhận. Với lời xướng và nhạc hiệu ấy, chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc đã phát sóng hơn 20 năm, từ một chương trình mới, đến thân thuộc, và giờ đây đang trở thành một người bạn tinh thần của hàng triệu thính giả Việt Nam xa quê.

Hai tiếng đồng bào ... - ảnh 3
                    Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức gặp mặt kiều bào nhân dịp xuân mới
Hai tiếng đồng bào gợi ra và quy định cho nhóm biên tập một hướng làm nội dung tuyên truyền, kết cấu dàn dựng chương trình mới mẻ và năng động. Từ cách soạn tin tức chắt lọc và ngắn gọn đến viết bài bình luận về các sự kiện chính trị trong nước và quốc tế, cách tổ chức một bài phóng sự giới thiệu những đổi mới của đất nước.
Đặc biệt chúng tôi rất quan tâm đến xây dựng các tiết mục vừa gởi mở vừa trao đổi về dân tộc, về đất nước, về truyền thống lịch sử, văn hoá đất nước như: Du lịch trên quê hương, Tiếng Việt giàu và đẹp, Câu chuyện với người xa quê. Phần văn nghệ được chú ý giàn dựng công phu với tinh thần “văn nghệ dành cho Việt Kiều”.
Nhóm làm chương trình về sau được bổ sung thêm rất nhiều phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm và cầm bút chắc chắn, được chăm lo đầu tư nhiều hơn nên chương trình ngày càng phong phú và tôi đã tổ chức tường thuật đêm Noel tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, tường thuật đại hội Hồng nhất phật giáo toàn quốc, và nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác theo cách của “Việt Kiều”.
Nhiều chương trình văn nghệ như kể chuyện cổ tích Việt Nam, giới thiệu nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh... được thính giả rất yêu thích (khi đó nhiều đồng chí trong lãnh đạo Đài TNVN cho rằng chúng tôi đi chưa thật đúng hướng. Nhưng rồi càng ngày càng sáng tỏ hơn, và cách làm đó có vẻ hợp lý).
Hai tiếng đồng bào ... - ảnh 4

 Mùa xuân năm 1993 hội nghị của Chính phủ gặp gỡ bà con Việt Kiều bàn chuyện làm ăn được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất ở Tp.HCM, chúng tôi được tham dự. Tại đây được gặp gỡ nhiều hơn, nghe bà con nói nhiều hơn về tình cảm và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Lòng chúng tôi thấy mênh mang một niềm vui. Từ đây những chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài càng ngày càng thông thoáng và rộng dài hơn, công việc tuyên truyền, làm báo của chúng tôi cũng sang một hướng rõ ràng hơn.

Hai tiếng đồng bào ... - ảnh 5

Tết năm Giáp Tuất 1994, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức gặp gỡ hơn 100 bà con Việt Kiều về quê ăn Tết ngay tại phòng họp 58 Quán Sứ, Hà Nội. Cuộc gặp gỡ ấm cúng, thân thuộc như người cùng một nhà, xa lâu mới gặp, có hoa đào Nhật Tân, bánh chưng xanh, giò lụa và ca hát. Các nghệ sĩ của Đài TNVN đã ngâm thơ Tết, đã hát những điệu dân ca, điệu hò, điệu lí với lời cổ có, lời mới có. Dàn nhạc dân tộc tấu lên và tiếng đàn bầu khi ấy trầm lắng xúc động biết bao. Trong hương xuân ấm áp, bà con nói là rất thật lòng tâm trạng của mình, nỗi niềm của mình ngày xa quê. Những câu chuyện đó làm chúng tôi hiểu hơn những “người bạn nghe đài” của mình, và chương trình được cải tiến nhiều hơn về nội dung, hình thức thể hiện cho hợp lý hơn, để món ăn tinh thần hợp với khẩu vị của thực khách hơn.

Giờ đây mỗi mùa xuân về tết đến, bà con người Việt xa xứ về thăm quê đớn Tết ngày càng đông, và trong tâm trạng phấn chấn, thoải mái hơn. Những đóng góp của bà con với đất nước ngày càng lớn và có hiệu quả. Sống xa quê cộng đồng người Việt càng đoàn kết với nhau hơn, giúp nhau làm ăn và đóng góp cho đất nước quê nhà, tranh đấu với những nhóm người xấu và các phần tử chống đối một cách quyết liệt hơn. Rõ ràng ai ở gần thì đã gần hơn, ai ở xa thì đang hướng lại gần. Hai tiếng đồng bào vang lên sâu thẳm những ý nghĩa về tư tưởng và tình cảm.

Phản hồi

Các tin/bài khác