Mai Thúc Long : Ông “Hổ lửa”

(VOV5) - Phóng viên nhà Đài quý ông ở cái chân tình, chất phác, không hình thức màu mè, thẳng thắn và không ngại va chạm. Đối với ông, Đài TNVN là máu là thịt, là một phần cuộc sống.        
    

Bạn bè đồng nghiệp gọi ông là “Mai thúc Lửa”, ông “Hổ lửa”, ông “Long lửa” và còn nhiều biệt danh khác, chỉ để nói đến cái tính nóng của ông. Gọi như vậy bởi họ quý ông, quý ở cái chân tình, chất phác, không trọng hình thức màu mè, thẳng thắn, không ngại va chạm và cũng sẵn sàng lắng nghe người khác, đặc biệt là khi bàn đến nhân tình thế thái, đến nội dung tuyên truyền trên làn sóng Đài TNVN. Những lúc ấy, ông sôi nổi hẳn lên. Họ hiểu tình yêu của ông đối với phát thanh, với Đài TNVN, nó là máu là thịt, là một phần cuộc sống của ông. Đó là ông vì công việc mà mình đảm trách: Phụ trách nội dung tuyên truyền của Đài TNVN. Con người ông đậm chất ‘’ Quảng ’’ – nơi ông sinh ra. Cái gì đúng nói đúng, cái gì sai bảo sai. Mà cũng lắm lý sự. Nói về tính nóng của ông, có người kể rằng, một hôm, ông được mời đến dự một hội nghị về phát thanh và truyền hình, nhìn cái pa-nô trên sân khấu chỉ thấy dòng chữ Hội nghị truyền hình, ông gọi đại diện Ban tổ chức đến “đe”: Nếu ông không thêm hai chữ “phát thanh” vào đấy tôi về ngay. Ông chẳng “đe” đâu, ông làm thật đấy. Ban tổ chức cuống cả lên “năn nỉ” ông ở lại và sửa ngay pa-nô.   


Mai Thúc Long : Ông “Hổ lửa” - ảnh 1

Ông Mai Thúc Long ( bên trái) 

          

Còn nhớ đầu những năm 90, quan hệ Việt Nam-Pháp đã có nhiều cải thiện. Pháp cấp nhiều học bổng cho các cơ quan truyền thông Việt Nam, trong đó có Đài TNVN. Bà Thureau, đặc trách việc hợp tác giữa Bộ ngoại Pháp với các cơ quan truyền thông Việt Nam, sang Hà Nội làm việc. Đài TNVN tổ chức một bữa tiệc trên du thuyền ở Hồ Tây. Hồi ấy, tổ chức ở đó là sang lắm. Một biên tập viên-phát thanh viên phòng tiếng Pháp vào loại “cứng”, được cử dịch chính cho ông. Sau phát biểu của bà Thureau, đến lượt ông đáp từ, phiên dịch tóm lại ý. Ông quay sang nói luôn: Sao  tớ nói dài mà cậu dịch ngắn thế. Hóa ra ông cũng biết tiếng Tây. Ai đời giữa lúc quan khách tây tàu đủ cả mà cứ  thẳng như ruột ngựa như vậy. May mà bà Thureau không biết tiếng Việt. Chắc lúc ấy bà ta nghĩ ông “động viên” anh phiên dịch dịch rất khá nên chỉ cười, còn anh em thì được một phen hú vía. Lần sau, dịch cho ông, cấm có ai dịch tóm dịch tắt gì cả.


Về hưu rồi, ông hay qua lại Ban biên tập đối ngoại (Nay là Hệ phát thanh đối ngoại quốc gia-VOV5). Đến phòng tôi chơi, tranh thủ lúc tôi ra pha trà, ông ngồi vào ghế của tôi, lúc quay lại tôi ngồi ghế đối diện hầu chuyện. Ông cười khà khà nói “Tao ngồi thử lại ghế Phó Trưởng ban xem như thế nào !”. Chẳng phải mình tôi như thế. Xuống phòng chị Huệ, lúc đó là Trưởng ban biên tập đối ngoại, tôi cũng thấy ông ngồi như thế còn chị Huệ đang trả lời những câu hỏi có đôi chút “cật vấn’’ của ông.  Ông tham gia tất cả các cuộc gặp mặt của Ban biên tập đối ngoại, không làm Trưởng ban liên lạc nhưng hay được mời lên phát biểu. Ông là người kiệm lời khen, nhưng khi Ban biên tập đối ngoại được giải khuyến khích giải báo chí quốc gia, ông bảo làm thông tin đối ngoại mà được giải đó là quý lắm rồi.       

Nhớ lại dịp tròn lục tuần, hồi đó chưa nghỉ hưu đúng tuổi như bây giờ, ông mời một số anh em đã từng làm chuyên gia của Đoàn phát thanh-truyền hình Việt Nam ở Campuchia đến chia vui. Tôi và anh Đỗ Văn Loan có mua một bó hoa đến tặng. Khi nhận bó hoa, lần đầu tiên tôi thấy ông cười hiền lành đôi chút ngượng nghịu. Có lẽ ông không quen lắm mấy cái thứ hình thức này.

Nói đến Mai Thúc Long, người ta nhớ đến một bình luận viên sắc sảo của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài bình luận đầu tiên ông viết là bài bình luận phát trước ngày dự kiến tổng tuyển cử thống nhất đất nước năm 1956 - cuộc tổng tuyển cử bị Mỹ-Diệm phá hoại. Trước khi vào Đài TNVN, ông làm công tác Đảng ở Tam Kỳ, từng phụ trách tờ “Tin đoàn” của Quảng Đà. Tập kết ra Bắc, ông được chọn vào lớp đào tạo phóng viên đầu tiên của miền Bắc, tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám với các giảng viên là các nhà báo Hoàng Tùng, Đào Tùng, Trần Lâm...Tốt nghiệp khóa đào tạo nghiệp vụ báo chí 6 tháng, ông vào làm việc ở Chương trình phát thanh vào Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, ở đây ông chuyên viết “bình luận tác chiến”- một cách gọi các bài bình luận được viết nhanh, phản ứng tức thì các vấn đề xảy ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Mai Thúc Long : Ông “Hổ lửa” - ảnh 2

Ông Mai Thúc Long ( người đứng) tại cuộc gặp mặt nguyên Lãnh đạo Đài TNVN.


Mai Thúc Long sinh ra trong một gia đình nhà nho cách mạng. Ông nội ông là một tú tài, bác ông là Mai Dị-một cử nhân theo phong trào Cần Vương bị Pháp bắt bỏ tù ở Côn Đảo. Cha ông là Chủ tịch Hiệp hội nông dân tỉnh Quảng Đà, mẹ ông cũng tham gia cách mạng, bị giặc bắt giam ở khám Chí Hòa, Thủ Đức. Suốt trong 42 năm công tác ở Đài TNVN, nhà báo Mai Thúc Long trải qua nhiều cương vị, từ phụ trách phòng đến Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban, Phó Tổng biên tập, Phó Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Đài TNVN, Phó bí thư Đảng ủy khối các cơ quan trung ương về công tác tư tưởng. Ông cũng là Trưởng đoàn chuyên gia của Ủy ban phát thanh-truyền hình ở Campuchia với thời gian kỷ lục: 7 năm.      

Nhà ái quốc Đặng Dung (đời Hậu Trần cuối thế kỷ 15), trong bài “ Thuật hoài” có viết:

               Thế sự du du nại lão hà ?

               Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.

               Thời lai đồ điếu thành công dị,

               Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

      Lời dịch của thi sĩ Tản Đà : 

               Việc đời man mác, tuổi già thôi!

               Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.

               Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

               Tan tành sự thế luống cay ai!

Về già người ta hay hoài cổ, một chút tiếc nuối, bởi lúc đó con người đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa đã trở thành mây khói xa vời. Con người khi đó cần thảnh thơi và muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Mai Thúc Long cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Gặp bạn bè đồng nghiệp, ông hay kể về những người thân, người bạn, bâng khuâng nhắc lại những kỉ niệm thời công tác, cảm nhận những tình cảm chân thành. Âu đó cũng là một niềm an ủi, niềm vui lớn của tuổi già. 
               

 ... Xuân về, lại được cầm gói quà Tết của Đài đến biếu ông, lại được nghe câu hỏi quen thuộc của ông “ Quà Tết năm nay có hơn năm ngoái không”. Đã gần ở tuổi thượng thượng thọ, ăn được bao nhiêu, ông hỏi cho vui thôi. Quà có khá hơn chắc là Đài phát triển lắm lắm./.


Xuân Ất Mùi 2015                                                                   

Phản hồi

Các tin/bài khác