Một trong những phát thanh viên tiếng Pháp có giọng đẹp nhất của VOV

(VOV5) - 34 năm công tác tại Đài, chưa lần nào tôi thấy bà đòi hỏi một cái gì cho bản thân mình, suốt đời lo công việc cơ quan, chăm lo đào tạo lớp trẻ…


Tôi hẹn gặp bà vào một sáng cuối tháng 8 năm 2014. Trời Hà Nội đã vào thu, sáng se se lạnh. Ngồi tiếp tôi cùng bà là chị giúp việc, thỉnh thoảng nhắc bà những chi tiết mà bà quên. Chẳng ai chống chọi lại được với thời gian. Đã ngoài 80, trí nhớ của bà cũng sụt giảm, lúc quên lúc nhớ, âu cũng là chuyện thường tình đối với những người có tuổi như bà. Tuy nhiên, trông bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Chiều nào, bà cũng đi xe bus lên câu lạc bộ thể thao Quán Thánh để bơi. Căn nhà 14 Ngõ Trạm gắn bó nhiều kỉ niệm vui buồn của gia đình bà đã bán, chia cho các con, nay về sống cùng chị giúp việc ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Bà nói với tôi: “Sống như vậy thoải mái, tự do cháu ạ”.


Một trong những phát thanh viên tiếng Pháp có giọng đẹp nhất của VOV - ảnh 1

              Bà Phạm Thị Thi cùng với các biên tập viên, phát thanh viên tiếng Pháp (người ngồi thứ hai từ trái sang)

Bà là Phạm Thị Thi, sinh năm 1932. Cha bà - cụ Phạm Hữu Ninh, một nhà giáo có tên tuổi, người sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của trường tư thục Thăng  Long nổi tiếng đất Hà Thành ngày xưa. Rất nhiều nhà cách mạng, trí thức thời đó tham gia giảng dạy ở trường Thăng Long trong đó có Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Bùi Kỷ, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Cao Luyện, Lê Thị Xuyến, Phạm Huy Thông, Võ Tuấn Sán.... Cụ Phạm Hữu Ninh có 5 người con gái và đều được cụ đặt tên bắt đầu bằng chữ T - tên người vợ thân yêu - cụ bà Trần Thị Thuần, một hoa khôi của tỉnh Nam Định: Trâm, Trúc, Thục, Thược, Thi. Chị em  bà nhiều người tham gia kháng chiến. Bà cũng là một trong những nữ sinh hoạt động nội thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.


Bà đến với Đài Tiếng nói Việt Nam rất tình cờ. Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông Lê Quý, khi đó phụ trách đối ngoại và chương trình tiếng Pháp của Đài, được mời dự buổi chiếu phim do đoàn viên thanh niên cứu quốc hoạt động nội thành Hà Nội tổ chức. Gặp bà, ông hỏi thăm về việc học hành. Biết bà là cựu học sinh trường Albert Sarraut của Pháp, đã học xong năm thứ nhất Đại học Luật, ông Lê Quý mời bà về làm cho buổi phát thanh tiếng Pháp lúc đó đang thiếu người. Mấy ngày sau, bà quyết định thôi không tiếp tục học nữa, đến 58 Quán Sứ làm việc cho Đài TNVN. Và chỉ vài ngày sau, bà đã trở thành phát thanh viên chính thức của chương trình tiếng Pháp, chẳng cần phải đào tạo hoặc thử việc cầu kỳ như bây giờ. Ấy thế mà cho đến nay, bà vẫn được đánh giá là một trong những nữ phát thanh viên tiếng Pháp có giọng đẹp nhất.


Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ác liệt chống Mỹ cứu nước, bà luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm. Cuối năm 1972, khi giặc Mỹ leo thang dùng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội và những thành phố miền Bắc, mặc dù con còn nhỏ dại, bà là một trong những người ở lại trực chiến tại Thủ đô. Đêm đêm với chiếc băng đỏ trên tay, bà cùng đồng nghiệp đi thu chương trình phát thanh. Hết trực chiến ở Hà Nội, bà lại con bồng con bế  theo Đoàn 59 của Đài TNVN sang Côn Minh, Trung Quốc, đảm nhận nhiệm vụ mới: phát các chương trình phát thanh từ nước bạn Trung Quốc, trong khi đợi sửa chữa Đài phát sóng Mễ Trì và Bạch Mai bị bom Mỹ phá hoại.


Bà nhớ lại: Ngày 21/1/1973, từ tinh mơ, hơn 100 thành viên của Đoàn 59 đã có mặt tại 58 Quán Sứ. Trong đoàn còn có ngót chục đứa trẻ nhỏ, con của các nữ thành viên trong Đoàn. Tổng biên tập Trần Lâm đã có mặt bắt tay động viên từng người. Trừ Ban Lãnh đạo đoàn, tất cả anh chị em trong đoàn chưa biết mình sẽ đi đâu, họ chỉ được thông báo sẽ đến một địa điểm sơ tán mới làm việc, để bảo đảm làn sóng liên tục. Đúng 5h30 sáng, 3 xe ô-tô chở đoàn rời 58 Quán Sứ, ngược lên phía Bắc. Đường sá ghập ghềnh. Xẩm tối mới tới Lào Cai, một tỉnh biên giới phía Bắc. Cả đoàn ngủ tại đây. Sáng hôm sau, 22/1/1973, họp đoàn, mọi người mới biết địa điểm "sơ tán" không ở trong nước, mà là thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Côn Minh ở độ cao 1500m so với mặt biển là một nơi phát sóng thật lý tưởng để đưa Tiếng nói Việt Nam tới mọi miền của Tổ quốc cũng như với bạn bè khắp năm châu. Phát từ  Côn Minh, chất lượng phát thanh đối nội và nhất là đối ngoại của Đài TNVN bảo đảm mạnh, rõ, liên tục.


Tôi hỏi bà: “Vậy, khi đó mình lấy tin, tức như thế nào?”. Bà trả lời: “Phương thức làm việc của Đài như sau: Hàng tháng, trưởng đoàn Lê Quý đi đi về về giữa Côn Minh - Hà Nội để trực tiếp báo cáo công tác, nắm tình hình trong nước và truyền đạt ý kiến của Trung ương cho toàn đoàn, còn hai phó đoàn là Thái Bảo và Nguyễn Văn Thu (ông Thu râu) thì ở tại Côn Minh với đoàn để giải quyết công việc hàng ngày. Công việc được thực hiện rất  nghiêm túc giữa các bộ phận biên tập và kỹ thuật ở cả hai đầu: Hà Nội và Côn Minh. Tin tức, tài liệu để làm các buổi phát thanh được chuyển từ Hà Nội cho Đoàn 59 bằng nhiều cách: Tin tức thời sự thì được đọc chậm hàng ngày trên một làn sóng định hướng cho Đoàn 59. Một số tài liệu, chỉ thị thì chuyển bằng vô tuyến mật mã giữa Bộ biên tập Đài ở Hà Nội và Lãnh đạo Đoàn 59. Một số tài liệu khác như băng nhạc, các băng chuyên mục thì thu sẵn từ Hà Nội, nhân viên liên lạc chuyển đi  mỗi tuần một lần.


Văn kiện đầu tiên của Đài TNVN phát đi từ Côn Minh là Hiệp định Paris về Việt Nam. Khi đoàn 59 sang đến Côn Minh, hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký tắt vào ngày 23/1/1973, giữa đồng chí Lê Đức Thọ và  Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ. Ngày 27/1/1973 bản Hiệp định này được ký chính thức. Đêm 27/1/1973, vào lúc 22h Hà Nội, 23h Bắc Kinh, bản Hiệp định Paris đã được truyền đến mọi người trên đất nước Việt Nam và toàn thế giới và được phát đi phát lại nhiều lần. Lúc đầu, Đoàn 59 dự định ở lại Côn Minh trong 6 tháng chờ khôi phục hai đài phát sóng Bạch Mai và Mễ Trì. Nhưng thực tế, phải một năm sau mới khôi phục xong 2 đài”.


Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, phòng tiếng Pháp có đợt tuyển phóng viên, biên tập viên. Tôi cùng với mấy thanh niên khác được tuyển trong dịp đó. Hồi ấy, bà là Trưởng phòng, chịu trách nhiệm hiệu đính chính chương trình phát thanh. Hiệu đính là một công việc quan trọng. Cách bà hiệu đính dạy cho tôi nhiều điều bổ ích trong cuộc sống. Đó là sự tôn trọng người dịch và người viết. Chỉ chữa những cái đáng chữa, mà đã chữa là chữa cẩn thận, giúp người viết, người dịch học thêm được điều gì đó.


Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo và khá giả, những tưởng cuộc đời bà sẽ  trôi theo hướng nhàn hạ. Nhưng đâu có vậy. Cũng gian truân, vất vả lắm. Mà ở cái thời bao cấp thì ai chẳng vất vả, có chăng chỉ là đỡ vất vả hơn thôi. Chồng bà - nhà báo Chu Chử, nguyên Trưởng ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam, là một người rất giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, hết lòng thương yêu vợ con. Ông được cử đi làm Trưởng đoàn chuyên gia của Ủy ban Phát thanh-Truyền hình tại Lào. Ông sang được 6 tháng thì đổ bệnh phải về nước chạy chữa. Ông được đưa vào điều trị tại bệnh viện Việt Xô.  Nằm mãi ở đó chẳng tìm ra bệnh. Thế rồi, một buổi sáng, bà hớt hải gọi tôi đến đưa bà vào viện. Hóa ra ông đang hấp hối. Ông mất trong vòng tay bà, đến lúc đó cũng chưa biết mất vì bệnh gì. Ông được truy tặng Liệt sĩ. Đau buồn, bà chỉ biết lao vào công việc và cuộc sống thường nhật vất vả của thời bao cấp.


34 năm công tác tại Đài, chưa lần nào tôi thấy bà đòi hỏi một cái gì cho bản thân mình, suốt đời lo công việc cơ quan, chăm lo đào tạo lớp trẻ… Tôi nhớ, có lần thấy tôi than thở nhà có cái TV Bê-ring đen trắng bị cháy bóng hình, bà nói: “Để cô nói giúp ông Thản xem sao”. Thế là bà đưa tôi đến nhà ông Trịnh Lý Thản, hồi đó là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, phụ trách kỹ thuật. Nhà ông Thản ở ngay cạnh Trung tâm âm thanh, căn nhà một tầng đó nay đã phá đi rồi để xây tòa nhà 41-43 Bà Triệu hiện nay. Sau khi nghe bà trình bày, ông Thản nể tình đồng ý ký giấy giải quyết cho tôi. Hồi đó quý lắm, cái gì cũng phải có chế độ, có tiêu chuẩn. Loại phóng viên quèn mới vào nghề như tôi đâu có được đặc ân đó. Sướng rơn như bắt được của, tôi vội cầm cái giấy có chữ ký vàng của ông Thản, lao đến kho của Ủy ban phát thanh truyền hình, mua rẻ được cái bóng hình đen trắng cho cái Bê-ring xập xệ của gia đình. Cha mẹ tôi mừng lắm, tự hào mãi về thằng con mới về Đài TNVN đã  giải quyết được cái bóng hình TV.


… Cho đến một buổi sáng đầu năm 1988, tôi gặp bà ở đầu cầu thang, bà nói: “Cô về đây, cô đã làm quá 15 ngày rồi”. Hóa ra quyết định nghỉ hưu của bà về trễ nên bà không biết, vẫn cứ đến làm như một công chức mẫn cán. Hồi đó đâu có thông báo nghỉ hưu trước mấy tháng như bây giờ. Hình ảnh người phụ nữ đội nón, tay xách chiếc túi không, thập thững bước xuống cầu thang ám ảnh tôi mãi.../.


Phản hồi

Các tin/bài khác