Nhà báo Đào Đình Tuấn- “Sếp” Đối ngoại hào hoa

(VOV5)- Với nhà báo Đào Đình Tuấn, dù ở cương vị quản lý hay trong cuộc sống đời thường luôn ẩn hiện nét lạc quan yêu đời, nhưng cũng không kém phần khoa học chính xác trong từng công việc.


30 năm làm báo phát thanh gắn với sự  nghiệp của VOV, có hai nhà báo mà tôi nể trọng, tin yêu, đó là nhà báo, nhà thơ Trần Ngọc Thụ, Trưởng Ban Biên tập Chuyên đề và nhà báo, nhạc sĩ Đào Đình Tuấn, Trưởng Ban Biên tập Đối ngoại.
  

Nhà báo Đào Đình Tuấn- “Sếp” Đối ngoại hào hoa - ảnh 1
Nhà báo Đào Đình Tuấn (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp VOV5

 
Với cả 2 ông, dường như công việc nhàn tản như cuộc dạo chơi, trong gian khó, lúc căng thẳng nhất vẫn có thể tìm tứ cho ý thơ và nốt thanh nốt trầm cho bản nhạc. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên: dù công việc bộn bề đến mấy, đón chờ những tin thời sự chính trị “hót” thế nào trong mỗi ca trực, họ đều nói vui với tôi và các đồng nghiệp trẻ thời đó: “Tớ ký, cậu chịu trách nhiệm”. Chỉ bấy lời thôi cũng đủ động viên các phóng viên, biên tập viên trẻ ý thức được trách nhiệm của mình trong từng con chữ ở mỗi dòng tin, trong mỗi ca trực. Thời đó… là những năm bắt đầu thời kỳ đổi mới của đất nước 1986-1996. Thời đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tổ chức, bắt kịp xu thế phát thanh hiện đại.

Lan man với dòng hoài niệm người và nghề VOV, bởi khi đó, năm 1992 Chương trình Việt Kiều được lãnh đạo Đài TNVN chuyển từ đơn vị trực thuộc Ban Thời sự sang Ban biên tập Đối ngoại, có nghĩa là từ Đối nội sang Đối ngoại, nên tôi có vinh hạnh được làm việc cùng hai nhà báo, hai tính cách nghệ sĩ, nhưng cùng một niềm tin yêu lớp trẻ.

Với nhà báo Đào Đình Tuấn, biết ông cả chục năm nhưng được làm việc trực tiếp dưới sự điều hành của ông,  tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều thấy nhẹ nhõm, ngay cả những lúc “chiến sự” căng thẳng nhất như chờ tin nóng, tiên lượng tình hình để viết bình luận về quan hệ Việt-Mỹ qua bao vòng đàm phán. Lúc đó chưa có điện thoại vệ tinh, không Internet nối mạng, chỉ có bản telex chính thức hàng ngày từ Thông tấn xã Việt Nam. Hiệp định bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ được ký kết chính thức năm 1995, đây cũng là giai đoạn phát thanh Đối ngoại đã làm tròn vai trò của mình trong điều kiện tác nghiệp còn nhiều hạn chế.

Ở một cơ quan báo chí chính thống có tiếng là chuẩn mực, ngay ngắn với cường độ công việc hối hả từng giờ, theo dòng chảy thông tin nhanh nhất thời đó, vậy mà cuối giờ chiều, qua ô cửa sổ tầng 2 toà nhà 45 Bà Triệu cũ (chưa đập đi, xây lại như hiện nay) vẫn vang lên tiếng đàn ghi-ta , đôi khi là giọng hòa ca của các ca sĩ gạo cội của đoàn ca nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam. Tiếng đàn, lời ca đó xuất phát từ chính căn phòng làm việc của Trưởng ban Biên tập Đối ngoại Đào Đình Tuấn. Ông tìm khoảng lặng cuối ngày làm việc bằng tiếng đàn, lời ca. Nhiều khi là lời ca rộn ràng trong các sáng tác của ông và các nhạc sĩ Vũ Thiết, Thanh Tùng …lúc đó là các biên tập viên âm nhạc chưa già, nhưng cũng không còn trẻ thuộc phòng FM ban Âm nhạc từ tầng 1 lên góp vui. Ca sĩ thể hiện là chính họ với sự ủng hộ nhiệt tình kiểu: “hát hay không bằng hay hát” từ các giọng ca văn nghệ quần chúng vừa rời studio, vốn dĩ là các biên tập viên, phát thanh viên thuộc Ban Biên tập Đối ngoại. Thời đó còn nghèo, nhưng tình người dễ cộng cảm, họ chung vui có khi chỉ là can bia hơi nhỏ, vài lon bia 33, cùng đĩa lạc rang húng lìu gia truyền chính chủ mua dưới phố. Người có điều kiện nhất lại chính là chủ căn phòng, mọi người dường như mặc định lên phòng ông Tuấn là có rượu ngoại, không whisky thì cũng là cognac xịn. Tất nhiên lượng tửu chỉ đủ để làm sang cho cuộc vui có tính tượng trưng, uống cho thêm phần thăng hoa và thơm môi, dính râu mà thôi.

Từ căn phòng này, vào khoảng thời gian đó, nhạc sĩ Đào Đình Tuấn đã cho ra đời chùm ca khúc về danh thắng Hạ Long chủ yếu mang tính tự sự với những âm hưởng, giai điệu ngọt ngào. Cho đến lúc nghỉ hưu, ông vẫn thường tự hào về những đứa con tinh thần này của mình: “ Không biết có góp phần để UNESCO vinh danh vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất hay không” - như lời ông hóm hỉnh trong lúc cao hứng, nhàn đàm về cái tôi nghệ sĩ. Nhưng có điều chắc chắn là chùm ca khúc trữ tình này là một trong những điều kiện cần và đủ trong hồ sơ xét tuyển thành Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam của nhạc sĩ Đào Đình Tuấn.

Khúc vĩ thanh của chùm ca khúc viết về Hạ Long này đặc biệt ấn tượng. Hoàn cảnh sáng tác bài hát : “Hoàng hôn nỗi nhớ” được Tuấn Nhật (Biệt danh của nhà báo Lưu Anh Tuấn - hiện là Trưởng phòng Đông Bắc Á, Hệ Phát thanh Đối Ngoại Quốc gia), một biên tập viên trẻ thời đó cũng học đàn ca, sáo nhị, kể lại. Năm 1995, nhà báo Đào Đình Tuấn nhập viện Hữu nghị Việt-Xô, chẳng rõ bệnh gì, như lời ông trần tình sau này là bệnh Yêu, con tim dại khờ, chữ Yêu viết hoa. Các y, bác sĩ kiểm  tra sức khoẻ tổng thể để chẩn bệnh, cấm bệnh nhân làm việc, cả chân tay lẫn trí óc…tĩnh tâm để điều trị. Một sáng nọ, sau giờ khám bệnh, chờ các y bác sĩ ra ngoài, ông kéo Tuấn Nhật thầm thì ngay bên giường bệnh cùng chia sẻ cảm xúc ca khúc “Tớ mới viết”. Và ông đưa ra bản nhạc được viết lên mặt sau của tờ giấy điện tâm đồ của chính mình.

Với nhà báo Đào Đình Tuấn, dù ở cương vị quản lý hay trong cuộc sống đời thường luôn ẩn hiện nét lạc quan yêu đời, nhưng cũng không kém phần khoa học chính xác trong từng công việc. Ông chính là người đưa ra ý tưởng: “Cơm chấm cơm” và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Đài về công tác tuyển chọn và đào tạo đội ngũ biên tập viên một số thứ tiếng nước ngoài có đông lượng thính giả. Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, khi làn sóng đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp Nhật bản lớn đầu tư vào Việt Nam, theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, một số giọng đọc, biên tập viên cứng của chương trình tiếng Nhật rời khỏi Đài đi làm chuyên gia ăn ngoại tệ, một số đến tuổi nghỉ hưu. Mà làn sóng Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam thì không thể ngừng nghỉ, mang hình ảnh của đất nước Việt Nam đổi mới đến với bạn bè quốc tế. Khoa tiếng Nhật của trường Đại học ngoại ngữ Hà nội chưa có thành phẩm đào tạo. Ông quyết định tuyển các sinh viên ngoại ngữ tiếng Anh và các thứ ngữ khác về đào tạo theo mô thức cầm tay chỉ việc, lớp trước rước lớp sau…nhưng vẫn phải đạt chuẩn quốc tế, quốc gia trong các khâu biên tập, biên dịch và đọc. Bởi ông quan niệm muốn chính quy, hiện đại gì thì sản phẩm phát thanh cũng từ khâu tuyển chọn và đào tạo đội ngũ.

Không biết có phải do xuất thân thuộc lớp học sinh trường Albert Sarraut, thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp hay không mà nhà báo Đào Đình Tuấn rất tâm huyết với chủ trương của lãnh đạo Đài về quy trình làm báo phát thanh Đối ngoại hiện đại, trong xu thế hội nhập. Năm 1995, bản tin FM tiếng Pháp 10 phút với các phóng sự đời thường thời lượng 3 phút, các bản tin phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, các vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế được thể hiện trên sóng FM Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam gây tiếng vang lớn. Đây là một dấu ấn, thổi luồng sinh khí mới trong phương thức thể hiện của cả ê-kíp sản xuất chương trình, được thính giả là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam đón nhận với nhiều cung bậc cảm xúc.

Tôi còn nhớ mãi cái nheo mắt và nụ cười nhân ái của ông chú “Tuấn Móm” (cái tên mà mọi người nhà đài thân thương gọi ông thường ngày) khi nhận nhiệm vụ vào thành phố Hồ Chí Minh phản ánh không khí 30/4 năm 1997 của người dân thành phố mang tên Bác. Ông nói : “Ghi nhanh, cần đi nhanh, cho cậu vé máy bay  vào ngay thành phố”. Cho đến bây giờ, theo chế độ công tác của Bộ Tài chính, thì cán bộ cấp cục, vụ hay chuyên viên chính, phóng viên chính bậc 3 mới được tiêu chuẩn đi máy bay, thế mà lúc đó, phóng viên mèng như tôi cũng đã được sếp tạo điều kiện…mới thấy tính quyết đoán đượm chất nhân văn của nhà quản lý trong Ông.

70 năm phát thanh Đối ngoại, đồng hành cùng 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đài Tiếng nói Việt Nam, có biết bao nỗi niềm riêng - chung, cho - nhận… Trong ngôi nhà chung, chúng ta đã bao lần cất lên tiếng hát tự hào về Đài. Đối với những phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên Ban Biên tập Đối ngoại, Hệ Phát thanh Đối ngoại và bây giờ là Hệ phát thanh Đối ngoại quốc gia…còn có riêng một bản “Đối ngoại ca”, đó là bài hát: “Tiếng nói của chúng ta” của nhà báo, nhạc sĩ Đào Đình Tuấn mà mỗi khi cất cao giọng đồng ca, chúng tôi không khỏi trào dâng niềm tự hào “ Từ đây, đem tiếng nói ta đi mọi miền. Từ đây, tiếng nói ta truyền đi năm châu”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác