Những ký ức khó quên

(VOV5)- Tiếng gõ dồn dập như múa trên những chiếc máy chữ Remington, Olympia của các phóng viên ghi nhanh tường thuật bắn rơi máy bay “Con Ma” của Mỹ trên bầu trời tỉnh Sơn Tây.

Mùa đông 1970.

Những đợt gió lạnh buổi sớm đông thổi hun hút dọc đường Quán Sứ. Tiếng còi báo động từ nóc Nhà hát lớn rúc lên từng hồi.

Tôi được điều động về nhận công tác ủy viên Ban biên tập Đối ngoại Đài Tiếng Nói Việt Nam, trực tiếp phụ trách phòng Biên tập chung.

Cái dấu ấn còn ghi sâu trong tâm trí tôi lúc đó cho đến bây giờ vẫn còn như nguyên vẹn: tiếng gõ dồn dập như múa trên những chiếc máy chữ Remington, Olympia của các phóng viên ghi nhanh tường thuật bắn rơi máy bay “Con Ma” của Mỹ trên bầu trời tỉnh Sơn Tây. Không khí khẩn trương tranh thủ từng giây, từng phút để đưa ngay tin chiến thắng của quân dân ta lên sóng phát thanh qua các thứ tiếng nước ngoài.

Những ký ức khó quên - ảnh 1
Cán bộ, phóng viên VOV và phóng viên phòng Biên tập chung chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004

Làm sao quên được tinh thần tận tụy và nghiệp vụ thành thạo của các anh Đào Đình Tuấn, Nguyễn Ngọc Cương và nhiều anh chị em khác. Thính giả đánh giá cao tin viết ngắn gọn, súc tích, những bài bình luận sắc bén, kịp thời và hợp đối tượng mà các phóng viên, biên tập viên của phòng Biên tập chung cũng như của toàn thể anh chị em Ban biên tập Đối ngoại đã đưa lên sóng tỏa đi khắp năm châu bốn biển.

Và cũng không thể không nhắc tới sự nhanh nhẹn, nhạy cảm trong nghề nghiệp và tinh thần đồng đội cao của các anh chị Vũ, Khang, Lịch cũng như các anh em khác trong phòng Biên tập chung.

Có những lúc niềm vui trước kết quả công tác được anh chị em biểu hiện một cách “rất người” không chút kiêu kỳ nhưng cũng không tầm thường hóa: Sau lúc hoàn thành một công việc gì đó, ngẫu hứng một cách bất tử, thế là kéo nhau ra quán cóc gần đó uống tách cà phê, uống chén trà xanh, nhâm nhi thanh kẹo lạc, kẹo vừng, ăn miếng bánh đậu xanh mà “lòng phơi phới dậy tương lai”. Có lúc đang trò chuyện râm ran, tán dóc trên trời dưới biển thì còi báo động lại rú lên lanh lảnh, hối hả, thế là chân năm tay mười anh chị em lại lăn ngay vào “chiến trận” không phút chậm trễ.

Những ký ức khó quên - ảnh 2
Nhà báo Tô Tuấn (phải) - (thuộc Phòng Biên tập chung) tác nghiệp

Công việc phóng viên, biên tập thời chiến khá căng thẳng. Tác chiến hàng ngày phải thật kịp thời, nhưng anh chị em trong phòng Biên tập chung cũng không sao lãng rút kinh nghiệm nghề nghiệp. Chúng ta thường mắc cái bệnh viết dài, nói dai, chỉ sợ người ta không hiểu, nên người nghe rất khó chịu. Đối tượng tuyên truyền Đối ngoại là người nước ngoài, nói chung có trình độ hiểu biết phong phú, cho nên anh chị em cố gắng viết gọn, viết súc tích, chú ý lấy sự kiện, sự việc để chứng minh.

Trước kia, nhất là trong chiến tranh, ở nước ta mà xây dựng được ngôi nhà cao bốn, năm tầng kể ra cũng là sự kiện đáng ghi nhớ, là thành tích cần động viên. Nhưng nếu tuyên truyền ra nước ngoài mà cứ khoe thành tích xây dựng của mình kiểu như trên thì thật “khó tiêu hóa”. Tôi còn nhớ một lần, nhiều tốp máy bay địch lồng lộn trên bầu trời ngay sát thủ đô, phóng viên phòng Biên tập chung đã ghi được cảnh người dân khu Hoàn Kiếm, khu Hai Bà Trưng vẫn ra vào quỹ tiết kiệm chợ Hôm để gửi tiền, mặc cho các Con Ma, Thần Sấm hung hãn bắn phá ác liệt. Tin đó anh em viết rất gọn bằng sự kiện cụ thể mà không cần giải thích dài dòng. Người viết đó là ai? Là chàng phóng viên người thấp, chắc nịch, đôi khi mê chút “Lưu linh” không biết giận ai bao giờ mà chỉ cười hề hề khi người khác chọc mình. Có những lúc cần lấy ý kiến phát biểu của ai đó để đưa lên sóng đối ngoại. Ý kiến thì có nhiều, nào là của người lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, nào là của cán bộ cao cấp của ta, nào là của thượng nghị sĩ phương Tây. Có những lúc anh chị em ta coi nhẹ ý kiến của chính khách tiến bộ phương Tây vì quên là ý kiến của họ có tính thuyết phục cao trong xã hội tư bản.

Những ký ức khó quên - ảnh 3
Phóng viên hệ VOV5 phỏng vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Một buổi nọ, một phóng viên khá của chúng ta đã viết bài phóng sự ngắn, khá ngắn kể lại buổi lên lớp dưới hầm sâu vùng đất lửa Quảng Bình của học sinh phổ thông bình tĩnh giải bài toán đại số phương trình bậc hai có nhiều ẩn số mặc cho máy bay gầm rú trên bầu trời gần đó. Bài viết không cần nhiều danh từ đao to búa lớn, dài dòng để miêu tả lòng dũng cảm của thầy trò. Hoặc một ví dụ khác: Phóng viên đã ghi lại cảnh một em bé đang cố bò lên tìm vú mẹ để bú giòng sữa còn đang chảy dở của người mẹ đang hấp hối ở bãi Phúc Xá vì đạn máy bay Mỹ. Bài viết cũng ngắn gọn mà khắc sâu được lòng căm thù giặc trong tâm trí người nghe.

*

*      *

Cũng lại mùa đông.

Mùa đông 1976.

Tôi được phân công sang đài Truyền Hình Trung Ương. Và sau đó về công tác miền Trung. Rồi lại nhận công tác mới tại xứ sở Chùa Tháp. Suốt thời gian dài gần 15 năm đó, nhiều lần về họp ở Hà Nội, không lần nào tôi không về lại mái nhà xưa để hát bài “Trở về Soriento” cùng anh chị em Đối ngoại cũng như Phòng Biên tập chung ôn lại những kỷ niệm xưa, mà sao thấy gắn bó yêu thương làm vậy!

Những ký ức khó quên - ảnh 4
Các phóng viên, biên tập viên phòng Thư ký Biên tập - Hệ Đối ngoại (tên gọi cũ là Biên tập chung) hôm nay

Nhớ lại hình ảnh xưa, càng thêm BÂNG KHUÂNG, LƯU LUYẾN, NHỚ và YÊU./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác