Vĩnh biệt người lái xuồng trên hồ Ba Bể

"Công việc của chúng tôi là bảo vệ Đài. Giặc đến thì đánh giặc. Dù có chết cũng không để cho địch phát hiện chỗ ở của Đài”, ông già lái xuồng nói.

Ông Nguyễn Văn Viết sinh ngày 16/6/1929, tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Nguyên Trung đội trưởng dân quân xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, trực tiếp bảo vệ Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam trong thời gian Đài sơ tán tại khu vực hồ Ba Bể trong kháng chiến chống Pháp.

Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huân chương kháng chiến Hạng Nhì; Huy chương vì sự nghiệp phát thanh.

Ông từ trần hồi 5h17 ngày 17/5/2015 tức 29/3 Âm lịch tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn.

Ngay sau khi được tin ông Nguyễn Văn Viết từ trần, ngày 18/5, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử Đoàn đại biểu đến viếng và chia buồn với gia đình tại quê nhà.

VOV.VN xin giới thiệu bài viết về ông Nguyễn Văn Viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa đăng trên Tạp chí Truyền dẫn phát sóng năm 2005:

Ông già đã ở tuổi bảy nhăm. Ông bảo: “Tôi sinh năm ba mươi (1930) thuộc lớp cổ lai hy, nghĩa là người đã đặt một chân xuống nấm mồ rồi”. Vậy mà thoáng trông chẳng ai nghĩ ông đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Ánh mắt sắc. Da đỏ au. Mái tóc dày, cắt cao, chỉ loáng thoáng đôi ba sợi bạc. Ông ngồi phía sau xuồng, im lặng và bí ẩn như một ngọn núi.

Nhìn ông, không hiểu sao, tôi lại nhớ đến Hari Hâynơman, nhà văn nổi tiếng Mỹ. Có lần Hâynơman bảo tôi: “Việt Nam là đất nước lịch sử. Mỗi con người ta gặp hàng ngày đều có thể là những nhân chứng lịch sử. Chính họ là những pho sử sống. Nhưng chớ dại mà lân la hỏi họ, lập tức họ sẽ nghi ngay mình là một gián điệp, nhất là khi mình lại là một người ngoại bang. Kinh nghiệm từ những năm chiến tranh đau khổ đã cho họ một ý thức cảnh giác cao độ. Muốn biết chuyện họ thì cứ để họ tự nói. Và muốn nghe họ nói thì hãy mua một chiếc xe đạp. Xe đạp Việt Nam đẹp mắt nhưng rất hay hỏng. Nó có thể xịt lốp bất cứ lúc nào. Nhưng đừng ngại. Hãy tạt ngay vào vệ đường. Thế nào ở đó cũng có một ông già bơm xe hay vá xe ngồi chờ sẵn. Nhưng đấy không phải là người thường. Phần lớn họ là cựu chiến binh hoặc người là anh hùng vô danh trong chiến trận. Ta ngồi chờ vá xe, nghe họ rù rì kể chuyện. Nhiều câu chuyện thật là lạ lùng…”.

Câu nói bâng quơ của anh chàng nhà văn Mỹ tinh quái quả là một ứng nghiệm đối với ông già lái xuồng trên hồ Ba Bể. Nhưng lúc bấy giờ, ông cụ vẫn nguyên là một ông già lái xuồng. Bởi thế, chẳng ai để ý đến ông. Chính ông cũng tự quên mình. 

Vĩnh biệt người lái xuồng trên hồ Ba Bể - ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Viết


Chiếc xuồng nổ pành pành như súng thần công, nên không thể nói được chuyện gì. Chúng tôi đành ngồi lặng lẽ ngắm hồ. Sương sớm bay phiêu diêu trên mặt nước xanh thẳm và trong vắt. Những ngọn núi bỗng hóa tiểu thư yểu điệu trong tấm váy choàng xanh, xùm xòe lướt qua hai bên mạn xuồng. Thiên nhiên đang lặng lẽ trình diễn màn ba lê cuồng nhiệt.

  - Đẹp quá!

Nghệ sĩ Vũ Hà kêu lên. Chúng tôi quay lại. Vũ Hà đứng ưỡn mình như một nhạc trưởng. Hình như anh đang chỉ huy màn “trình diễn” ngoài kia. Thấy mọi người ngắm mình, gương mặt anh bỗng lặng phắc, vẻ nghiêm trọng.

  - Bình tĩnh! Xin hãy cứ bình tĩnh!

Vũ Hà giang tay ra, vẻ rất kịch. Mọi người cười ồ. Trong đoàn phóng viên chúng tôi, Vũ Hà là người “trẻ” nhất, dù tuổi anh đã cao, mái tóc xổ trắng xóa. Vũ Hà tự nhận mình là “gã đầu bạc”. Hình như anh đi ngược lại chu trình phát triển của loài người. Chả thế, có người bảo: Vũ Hà vừa đẻ ra, tóc đã bạc. Khi già tóc anh mới xanh là anh vẫn chưa già. Vũ Hà đi đến đâu là ở đó sôi động. Anh cũng là người luôn đưa ra những sáng kiến mới. Chuyến “về nguồn” này là “kịch bản” của anh. Công việc cụ thể của đám phóng viên chúng tôi là cuộc bàn tròn, giao lưu với các bạn đồng nghiệp Bắc Kạn, rồi thăm lại chiến khu xưa, trong đó có nơi từng là địa điểm đóng quân của Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt những năm kháng chiến gian khổ.

Tới Bắc Kạn, chúng tôi xuống ngay xã Khang Ninh-huyện Ba Bể. Đó là một trong những cái nôi của Đài Tiếng nói Việt Nam muốn biết chuyện Đài, phải tìm hỏi cán bộ xã. Nhưng đến nơi mới hay cán bộ cơ sở ở đây rất trẻ. Có người còn sinh ra sau ngày hòa bình. Họ chỉ biết mang máng Bắc Kạn là “Thủ đô gió ngàn” những năm kháng chiến chống Pháp. Bắc Kạn còn là “kinh đô” của Đài Tiếng nói Việt nam. Tất cả chỉ có thế.

   - Thôi, ta đi Ba Bể đã, rồi tìm các nhân chứng sau. Tới Bắc Kạn mà không đến hồ Ba Bể thì coi như chưa biết gì về Bắc Kạn cả!

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Hà khoát tay quả quyết. Chúng tôi lại “diễn” theo “kịch bản” mới của anh.

   - Bây giờ các bạn lên thăm Ao Vua nhé. Đi theo lối mòn này. Tất qua bãi đá kia. Đến đấy, các bạn sẽ gặp một đàn bướm trắng. Đó là các “cung nữ” của vua ra đón…

Vũ Hà tỏ ra rất thông thạo. Chúng tôi men theo vách đá, lần theo sự chỉ dẫn của anh. Quả đúng như Vũ Hà nói. Có đến hàng trăm con bướm rừng đậu trắng cả một triền đá. Thấy bóng người, chúng vụt bay tóa lên. Chỉ trong thoáng chống, tấm chăn hoa kỳ dị ấy đã bị gió xé tả tơi.

Ao Tiên là khoảng nước đục ngầu, nằm ứ đọng giữa một vũng núi đá. Vũ Hà bảo, ai muốn thành vua thì nhảy xuống tắm. Chúng tôi muốn giành “ngôi báu” ấy cho chính nghệ sĩ ưu tú Vũ Hà. Nhưng anh không tới Ao Vua. Anh bị đau chân nên ở lại xuồng mà anh hóa thành chàng Hari Hâynơman phát hiện ra một pho sử sống của Đài Tiếng nói Việt Nam. Pho sử ấy chính là ông già lái xuồng trên hồ Ba Bể.

Lại đây! Lại đây! Các bạn ơi! - Nghệ sĩ Vũ Hà kêu lên - Người chúng tôi cần tìm lại ở ngay trong chiếc xuồng này. Xin giới thiệu với các bạn, đây là bác Nguyễn Văn Viết, một nhân viên của Đài ta trong những năm kháng chiến…

    - Ồ không đâu, tôi không phải là người nhà Đài. Tôi chỉ là một nhân viên bảo vệ…

Ông già lái xuồng vội vã phân bua. Bây giờ trông ông thật sinh động. Ông như người đi xa đã lâu lắm rồi mới lại có dịp được trở về căn nhà xưa quen thuộc của mình. Cánh phóng viên trẻ vây quanh ông. Còn ông lại quay sang Vũ Hà. Ông hỏi thăm Giám đốc Trần Lãm, ông Cung, rồi ông Nhất, bà Thanh, rồi ông Bình và bao nhiêu người thân thiết.

    - Bác từ dưới xuôi lên hay ở trên này? – Tôi quay lại hỏi.

    - Tôi là người Tày. Sinh ở bản Pó Rù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể…

    - Khi được Đài cử làm bảo vệ, bác ở tuổi bao nhiêu?

   - Khi ấy tôi mới mười tám tuổi. Nhưng không phải người của Đài. Đài cũng chẳng cử tôi làm bảo vệ. Có lẽ anh Trần Lãm và các anh chị ở Đài cũng chẳng biết tôi đâu. Tôi chỉ là người dân bình thường, đội du kích bản cử tôi bảo vệ Đài và phục vụ Đài. Thế thôi…

    - Bác bảo vệ Đài thì có súng không? - Một phóng viên hỏi.

   - Có chứ! Súng của bọn Pháp; du kích mình cướp được. Tiểu đội tôi có tám người, chỉ mỗi tôi có súng. Công việc của chúng tôi là bảo vệ Đài. Giặc đến thì đánh giặc. Dù có chết cũng không để cho địch phát hiện chỗ ở của Đài. Ngoài công việc bảo vệ Đài, chúng tôi còn đi tuyên truyền trong dân, vận động dân thực hiện chính sách “ba không”. Không nói, không biết, không nghe. Nghĩa là phải bí mật tuyệt đối.

   - Bác còn nhớ kỷ niệm nào đối với Đài không?

   - Kỷ niệm thì nhiều lắm. Nhớ nhất là những lần chuyển địa điểm. Đài phải luôn rời chỗ ở để đảm bảo bí mật. Chúng tôi khiêng máy nổ đi. Tám người khiêng một cái máy nổ. Cứ bốn người một bên. Đường bé tí, nên chúng tôi toàn đi dưới ruộng. Đường bỏ không chẳng ai đi. Rồi có lần báo động, chúng tôi vùi máy nổ xuống ao. Khi lôi lên thì nó sặc nước, không nổ được. Chúng tôi thay nhau guồng xe đạp để lấy điện phát sóng…

   - Bác nói sao? Guồng xe đạp để lấy điện…

  - Đúng thế. Khi ấy xe đạp thành máy phát điện. Xe phải treo lên. Người đạp xe cũng phải treo mình lên. Mà phải đạp thật đều. Điện chập chờn thì không phát sóng được. Những năm ấy, các anh chị ở Đài vất vả lắm. Chuyển đến mấy lần địa điểm. Thoạt đầu ở bản Vài, rồi bản Tàu, rồi Tết ở ngay trên hồ Ba Bể, ở bãi Nà Tèn kia kìa…

   - Bãi Nà Tèn có xa đây không?

   - Không xa đâu. Chúng tôi có thể qua đó ngay bây giờ.

Ông già quay người xoay bánh lái. Chiếc xuồng lách qua mấy dãy núi um tùm cỏ gianh. Phải nửa tiếng sau, chúng tôi mới đến Nà Tèn, đó là một vạt đất không rộng lắm, ở ngay giữa lòng hồ. Xung quanh bạt ngàn những cây lau trắng xóa.

Ngày xưa, cây cối um tùm lắm. Đài đón Tết ở đây. Cũng phát sóng ở đây. Tết kháng chiến nên chỉ có sắn và măng rừng. Thêm mấy chai rượu ngô của đồng bào. Thế mà cũng vui lắm.

Tôi ngạc nhiên:

    - Bác bảo Đài đặt ở đây. Thế thì chắc cột ăng ten phải dựng trên đỉnh núi?

    - Đâu có - Ông già lái xuồng cười- Ăng ten vắt trên ngọn cây kia thôi. Lúc ấy cây nhiều lắm, nên chỗ nào cũng có thể đặt ăng ten được. Hành trang của Đài cũng gọn nhẹ. Có lần, được tin địch sẽ nhảy dù Bắc Kạn, một trong những mục tiêu săn lùng của chúng là Đài phát thanh. Nhận lệnh trong đêm, bốn giờ sáng, đồ đạc máy móc của Đài đã lên xe trâu của bà con dân bản, xuôi về phía chợ Đồn rồi. Nhiều lần địch ập đến bất ngờ, nhưng chẳng lần nào chúng “vồ” được Đài. Mà làm sao chúng “vồ” được Đài. Ngoài tiểu đội tôi, cả núi rừng này, cả chiến khu này, cùng bà con ở đây đều là đội quân bảo vệ Đài đấy./.

Trần Đăng Khoa/VOV

Phản hồi

Các tin/bài khác