Ba phong cách – đa phương tiện

(VOV5) - Nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2014), lần đầu tiên danh hiệu cây bút VOV được trao tặng cho 17 cá nhân tiêu biểu, trong đó có 12 nhà báo  nguyên là lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và 5 cây bút xuất sắc của Đài hiện nay là: Trần Đăng Khoa, Uông Ngọc Dậu, Trần Nhật Minh, Ngô Thiệu Phong, Phạm Trung Tuyến. Sự vinh danh này được đồng nghiệp và công chúng ghi nhận qua những đóng góp của họ bằng các tác phẩm báo chí trên các loại hình truyền thông đa phương tiện của Đài Tiếng nói Việt Nam. 


Ba phong cách – đa phương tiện - ảnh 1

Trao danh hiệu "Cây bút VOV" cho 5 nhà báo đang công tác (Từ trái qua phải là các nhà báo Trần Nhật Minh, Trần Đăng Khoa, Uông Ngọc Dậu, Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Tiến, Ngô Thiệu Phong, Phạm Trung Tuyến) 


Nghe nội dung chi tiết tại đây: 



Cách đây khoảng 15 năm, trong một lần nhàn đàm tôi có nói với nhà báo Nguyễn Chu Nhạc, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Đài TNVN, khi đó là Phó trưởng Ban Văn hoá xã hội : “Đài ta có 3 người trẻ viết tốt  thì ở bên anh cả”. Điều này dường như một sự mặc định, bởi khi đó cả Trần Nhật Minh, Ngô Thiệu Phong và Phạm Trung Tuyến đều là phóng viên đa năng có thể viết bài và thể hiện trực tiếp trên sóng phát thanh, được nhiều thính giả mến mộ. Mỗi người một thế mạnh, mỗi người một văn phong, một mảng đề tài thành danh và một bản lĩnh làm báo. Cứ thế, từng ngày, từng, tháng, từng năm… ba cây bút VOV này đem đến cho thính giả, độc giả và sau này là khán giả của Đài Tiếng nói Việt Nam những lượng thông tin mang hơi thở cuộc sống xã hội và cũng mang bản sắc riêng của mình ở các chuyên mục mà họ phụ trách. Trần Nhật Minh với những tản văn và tuỳ bút phản ánh mọi mặt cuộc sống ở:  “Diễn đàn các vấn đề xã hội”: Trong các bài viết của mình thì tôi luôn chú ý khai thác yếu tố các hình tượng về văn học, các chi tiết văn học mong muốn làm sao để bài viết của mình sâu hơn và nó cố gắng đạt được cách diễn đạt khúc chiết và tạo được yếu tố văn học ở trong mỗi tác phẩm báo chí vì một tác phẩm báo chí mà có nền văn thì bài viết sẽ sâu và sẽ được người nghe đón nhận với xúc cảm nhất định.


Ngô Thiệu Phong với các bài viết chuyên sâu ở lĩnh vực: “giáo dục đào tạo”: Cái gì tôi đã tìm hiểu là tôi tìm hiểu đến chân tơ kẽ tóc chứ không chỉ tìm hiểu một cách qua loa, hời hợt. Tôi có suy nghĩ đã làm phóng viên thì chúng ta nhìn nhận và soi xét vấn đề ở nhiều chiều, ở nhiều góc độ khác nhau chứ không thuần túy trên mặt của mấy trang báo cáo thuần túy ở những điều mà người ta nói cho mình nghe.


Phạm Trung Tuyến ấn tượng với chất giọng truyền cảm trong: “Bạn nói với chúng tôi”, qua các phóng sự đời thường ở mọi cung đường đất nước: Đối với tôi, nghề báo là một nghề thú vị. Khi nghĩ tại sao tôi làm nghề báo, tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi muốn kể lại những câu chuyện. Trong cuộc sống có rất nhiều câu chuyện, tôi mong muốn được là người chứng kiến những câu chuyện đó và kể lại nó làm sao để nó gây nhiều cảm hứng cho những người nghe nhiều nhất. Đấy là những ý nghĩ đầu tiên của tôi khi tôi định đi tìm hiểu và viết về một điều gì đó.

Ba người, ba phong cách làm báo, ba sắc màu khác nhau nhưng đều đã định danh trong lòng thính giả khi Đài Tiếng nói Việt Nam chưa phát triển đủ 4 loại hình báo chí (Phát thanh, truyền hình, báo viết và báo điện tử) như hiện nay.

Cùng với sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam theo hướng cơ quan truyền thông đa phương tiện, ba cây bút VOV mỗi người trưởng thành ở mỗi vị trí công tác: Trần Nhật Minh hiện là Phó Giám đốc Hệ Văn hoá-Đời sống-Khoa giáo, Ngô Thiệu Phong hiện là Phó Giám đốc Cơ quan thường trú khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Phạm Trung Tuyến hiện là Phó Giám đốc Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam thuộc VOV. Ở họ có điểm tương đồng là không ngừng sáng tạo đem đến cho thính giả, độc giả, khán giả của VOV những sản phẩm báo chí có sức lan toả xã hội rộng lớn. Đó cũng là tiêu chí mà Hội đồng bình chọn cây bút VOV vinh danh 3 nhà báo này, cùng với 2 tên tuổi thế hệ đàn anh : nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa, Phó Bí thư thường trực Đảng Uỷ Đài TNVN, nhà báo Uông Ngọc Dậu, Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp. Về ý nghĩa của danh hiệu Cây bút VOV, Nhà báo Nguyễn Chu Nhạc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết: Đài TNVN từ ngày thành lập đến nay có rất nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên và ở mỗi thời kỳ đều có đóng góp chung cho làng báo Việt Nam ở những cây bút làm báo trong lĩnh vực phát thanh. Xuất phát điểm từ nhu cầu tôn vinh các nhà báo trong các thế hệ làm báo của Đài TNVN và đặc biệt trong những năm gần đây, Liên chi hội Nhà báo của Đài TNVN đã đề xuất ra một giải thưởng hàng năm để trao cho những cây bút làm báo trong lĩnh vực biên tập nội dung. Từ ý tưởng đó, Liên chi hội đã thực hiện trao danh hiệu Nhà báo phát thanh giỏi, từ danh hiệu này được chuyển thành danh hiệu Nhà báo giỏi Đài TNVN nhằm tôn vinh những người làm báo của Đài trong tất cả các lĩnh vực làm báo.   

69 năm xây dựng và trưởng thành (7/9/1945-7/9/2014), Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang khẳng định thương hiệu là cơ quan truyền thông đa phương tiện mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với mọi người dân; Cũng như hình ảnh của một nước Việt Nam hoà bình, người dân Việt Nam thân thiện đến với bạn bè khắp 5 châu.Trong dòng chảy của các phương tiện truyền thông hiện đại, trước nhu cầu thông tin xã hội ngày càng cao, các nhà báo, các cây bút VOV cùng với tập thể kỹ thuật viên, phát thanh viên, diễn viên, nghệ sỹ chính là những tác nhân tạo nên danh xưng thân thương với mỗi người dân Việt : Đây là Tiếng nói Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin/bài khác