Chuyện của chợ: Ký ức về chợ xưa

(VOV5) - Chợ xưa, chợ nay, chợ ở thành thị, chợ ven đô, tất cả những nét đặc trưng của chợ đều được tái hiện sinh động qua những âm thanh, hình ảnh, hiện vật trong gian trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Với tên gọi “Chuyện của chợ”, triển lãm về chợ qua từng giai đoạn, từng thời kỳ cuốn hút người xem bằng những nét sinh hoạt đời sống bình dị nhưng cũng thú vị của chợ Hà Nội.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đây là những âm thanh huyên náo, nhộn nhịp tại một góc chợ Hà Nội được tái hiện sinh động trong không gian triển lãm “Chuyện của chợ” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Điểm đặc biệt là triển lãm này sử dụng phương thức đồng hiện âm thanh hiện đại là tiếng nói đa dạng của người dân thủ đô trong mua bán, giao tiếp, qua đó phản ánh về ký ức về chợ xưa, thực trạng chợ nay và mong ước cho tương lai chợ Hà Nội.    

Chuyện của chợ: Ký ức về chợ xưa - ảnh 1
Khách tham quan triển lãm được trực tiếp tương tác với các hiện vật.

Tiểu cảnh góc chợ xưa với những vật dụng quen thuộc như nong, nia, sàng, thúng, mẹt… bày trên lớp rơm rạ được bố trí ở chính giữa nhà trưng bày và cũng là điểm nhấn của triển lãm. Những khách tham quan lớn tuổi khi vừa bước vào đều đứng lặng hồi lâu trước không gian này. Với họ, những vật dụng này như gợi nhớ lại cảnh chợ xưa, khi còn là những cô bé, cậu bé theo mẹ ra chợ. Bà Nguyễn Kim Hạnh hồi tưởng:Chợ ngày xưa ấm cúng, mọi người đi chợ từ tốn, thong dong hơn. Có thể mua một vài món hàng, sau đó là đi ăn bánh đúc, bánh tẻ, ăn mía, ăn quà vặt rồi đến trưa là thong dong đi về, trên vai là là đòn gánh với cái quang, nhưng có những người không mang gì thì trên vai người ta lấy cái bị với cây mía làm đòn gánh. 

Chuyện của chợ: Ký ức về chợ xưa - ảnh 2
Tái hiện quầy bán đồ khô trong chợ.

Không gian tái tạo và sắp đặt trong triển lãm “Chuyện của chợ” như một câu chuyện xuyên suốt theo mạch: “Chợ xưa” với những mành tre cũ kỹ, rơm rạ phơi đầy, những chiếc bu gà, quang gánh, thúng, cái mẹt, cái sàng gợi lại ký ức của người xem; “Chợ nay” với nét chấm phá là gian hàng khô, hàng nước quen thuộc trong một không gian sống động và màu sắc. Còn gian chợ của “Tương lai” là phần gợi thêm nhiều suy ngẫm để khách có thể chia sẻ ý kiến của mình. Ngay trong không gian triển lãm, khách tham quan còn được thử gánh trên vai mình đôi quang mây ngày xưa; được đong thử ngô, thóc bằng đấu thay vì bằng cân… Vừa chỉ dẫn cho cháu gái cách đong đấu ngô, bà Hạnh vừa giải thích: Những người đong thóc, dần sàng để thành gạo mang đi bán là người làm hàng xáo. Những người bán rau, hành, tỏi… gọi là bán hàng la-ghim. Hàng xén bán những thứ như phèn chua, băng phiến, ghim băng… Bây giờ mặt hàng đa dạng, phong phú hơn, phân thành từng ô. Ngày xưa bán mớ, bán ca, bán bát chứ người ta không bán cân như bây giờ. 

Chuyện của chợ: Ký ức về chợ xưa - ảnh 3
Một góc chợ quê được tái hiện lại tại triển lãm "Chuyện của chợ"

Ồn ã, náo nhiệt với tiếng người mua, người bán chính là đặc trưng của chợ. Chợ tồn tại và phát triển cùng nhịp sống thành phố. Nhiều chợ ở Hà Nội đến nay đã chỉ còn là ký ức vì đã trở thành những trung tâm thương mại, nhưng chợ vẫn là một phần ký ức về Hà Nội. Chị Sigrid Wertheim đến từ Italy, quan sát rất kỹ từng hiện vật được trưng bày tại triển lãm và thích thú khi được xem những thước phim tư liệu về sự đổi khác của chợ Hà Nội qua từng thời kỳ:Cá nhân tôi rất thích chợ. Ở chợ ồn ào, có nhiều thứ mùi khác nhau… nó làm cho bạn có thể cảm nhận được cuộc sống thường nhật. Có rất nhiều câu chuyện hay để nói về chợ và nó thật khác so với siêu thị. Bởi vì nói đến siêu thị thì chỉ là những hoạt động buôn bán hàng hóa, đồ ăn … Còn chợ là nơi người ta gặp gỡ nhau, chào hỏi nhau. Tôi thấy rằng chợ là một phần rất quan trọng trong cuộc sống ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội.

Chuyện của chợ: Ký ức về chợ xưa - ảnh 4
Triển lãm thu hút nhiều du khách nước ngoài tới tìm hiểu về chợ của Việt Nam qua các thời kỳ


Nếu như không gian trưng bày của triển lãm là một không gian tĩnh lặng đưa người xem hồi tưởng về những phiên chợ xưa thì không gian của “Chợ quê” lại sôi động, tấp nập với cảnh người mua, kẻ bán. Chợ quê với những quán lá, sạp tre, ghế gỗ, cùng những mặt hàng đặc trưng từ nhiều vùng quê Bắc Bộ tại sân Bảo tàng Phụ nữ như món quà đặc biệt dành tặng các bà nội trợ. Mùi thơm của bánh đúc nóng, bánh đa nướng, những món đặc sản quê hấp dẫn như mời chào khách thăm quan ghé chân thưởng thức. Bà Lê Thị Thu, đến từ Hưng Yên, chia sẻ:Tôi xem cái gì cũng thích. Chỗ bán đồ ăn có nhiều đồ ngon, người bán hàng hòa nhã, vui vẻ. Chợ quê này tái hiện đầy đủ, chi tiết ngày xưa mình đi chợ như thế nào. Có thể nhìn thấy sinh hoạt của mọi người từ xưa đến giờ. Tôi rất thích. Còn ông Bùi Văn Doan, ở phố Hoa Lư, Hà Nội, cho biết:Khi đến với chợ quê này tôi thực sự thấy xúc động. Tôi rất thích kiểu chợ quê như thế này. Để những người như tôi, lớp người lớn tuổi được sống lại thời xưa của mình. Đặc biệt là ý nghĩa của chợ quê này để ủng hộ, giúp đỡ nhưng người phụ nữ nghèo ở nông thôn. Vậy nên khi nghe thông tin này tôi và rất nhiều người bạn của tôi hưởng ứng.

 

Triển lãm “Chuyện của chợ” và phiên “Chợ quê” đã phần nào khẳng định chợ Hà Nội hiển hiện như một phần của lịch sử, văn hóa Hà Nội. Dẫu có ồn ã, náo nhiệt, hay có những lúc họp không đúng chỗ theo qui hoạch đô thị, nhưng những khu chợ dân sinh luôn là nét sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống của người Việt Nam nói chung và người dân thủ đô nói riêng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác