Đội xe kéo tóc dài mưu sinh nơi biên giới

(VOV5)- Họ là những chị em phụ nữ dân tộc Pakô, Vân Kiều, hàng ngày kéo hàng từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) sang cửa khẩu Densavan (tỉnh Savanakhet, Lào) để mưu sinh.

Từ 10 chiếc xe kéo ban đầu hình thành một cách tự phát, đến nay, tổ đội xe kéo đã có gần 100 chiếc với hơn 30 hội viên, hoạt động chuyên nghiệp. Không chỉ cải thiện cuộc sống, các chị còn góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan những ngày này gió nóng thổi rát mặt. Nhưng bất chấp thời tiết khắc nghiệt, hàng chục chị em phụ nữ vẫn miệt mài kéo hàng từ bên này qua bên kia biên giới. Hàng đến, họ thoăn thoắt bốc xếp lên xe một cách thuần thục.

Đội xe kéo tóc dài mưu sinh nơi biên giới - ảnh 1
Đội trưởng Nguyễn Thị Thương đang trao đổi công việc với đội viên đội xe kéo

Theo chân chị Võ Thị Thúy, Hội trưởng Hội phụ nữ thị trấn Lao Bảo, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Thương, Hội trưởng Hội phụ nữ bản Ka Tăng, đồng thời là người sáng lập ra Đội xe kéo nữ. Ngôi nhà 3 tầng khang trang, mọi vật dụng, tiện nghi trong nhà không thiếu thứ gì và rất hiện đại. Chị Thương vui vẻ bật mí: tất cả đều nhờ nghề kéo xe mà có.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề chị Thương kể: Khoảng những năm 2003-2004, làm rẫy không đủ ăn, đúng lúc kinh tế cửa khẩu phát triển, chị rủ cô em dâu đi gánh hàng thuê qua cửa khẩu, mong kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Mỗi gánh hàng, chị được trả 10.000 - 15.000 đồng. Mỗi ngày gánh 10 chuyến, chị có hơn 50.000 đồng. Để vừa đỡ vất vả mà năng suất lao động lại nâng lên, chị cùng cô em dâu tự đóng một chiếc xe tương tự.

Đội xe kéo tóc dài mưu sinh nơi biên giới - ảnh 2
Những chuyến xe chất đầy hàng qua cửa khẩu

Có xe kéo, hàng chở nhiều hơn mà không tốn nhiều sức. Có chuyến, hai chị em kéo cả tạ hàng, thu nhập cao gấp 5-6 lần: “Mình về mình cũng học họ làm một chiếc xe kéo ba gác bằng gỗ. Hồi đó làm ba gác bằng gỗ thôi. Làm 2 chiếc, sau mỗi chị em 2 chiếc thành 4 chiếc, xong dần phát triển thành 10 chiếc, mỗi chị em 5 chiếc. Thấy chị em khác khó khăn, họ cũng giống mình khi trước là chỉ có gùi thôi thì bắt đầu mình kêu chị em vào làm chung.”

Đội xe kéo tóc dài mưu sinh nơi biên giới - ảnh 3

Hàng ngày, với 10 chiếc xe, hai chị em rủ thêm hàng chục chị em khác cùng kéo hàng, mỗi ngày cho thu nhập khoảng 250-300 nghìn đồng. Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều chị em trong bản cũng mạnh dạn tự đầu tư đóng cho mình 1 chiếc xe riêng. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chính quyền địa phương, năm 2005, đội xe kéo tự quản chính thức ra đời. Đến nay tổ đội xe kéo có gần 100 chiếc với khoảng 80 hội viên. Nhờ kéo xe, từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo trong bản chiếm hơn 50% thì nay giảm chỉ còn khoảng 5%. Chị Hồ Thị Nu, thành viên đội xe kéo, chia sẻ nhờ kéo xe, đời sống gia đình chị được cải thiện rõ rệt: “Bữa ni thì đỡ rồi, có cơm ăn, đủ đi chợ, bữa trước đi làm rẫy bán 1 chồng củi, được 5 nghìn rất cực và vất vả. Nay thì ngày nhiều thì 3-4 chuyến, ngày ít thì 1-2 chuyến. Một chuyến mà đầy xe là 300.000 đồng.”

Đội xe kéo tóc dài mưu sinh nơi biên giới - ảnh 4
Ngôi nhà khang trang của chị Hồ Thị Nu, thành viên Đội xe kéo

Cũng giống như gia đình chị Hồ Thị Nu, từ chỗ nhà tranh vách đất, đến nay trong bản, nhiều gia đình chị em đã có tivi, xe máy, tiền tiết kiệm để dành. Con cái các chị có điều kiện được học hành đầy đủ, càng ngày càng có nhiều cháu học lên cao, thi đỗ vào các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học. Quan trọng hơn, nhờ tạo thu nhập nên vị thế trong gia đình của các chị cũng được nâng lên. Chị Võ Thị Thúy, Hội trưởng Hội phụ nữ thị trấn Lao Bảo, cho biết: “Ở đây, nếu để ý ngày xưa chị em rụt rè nhút nhát lắm, các hoạt động cộng đồng rất ít vì các chị em ít tham gia và ngại giao tiếp. Nhưng nay, từ khi tham gia tổ xe kéo thì các chị rất là mạnh dạn. Và nếu ai gặp lần đầu tiên thì sẽ rất ngạc nhiên, các chị có đến từ 2-3 chiếc điện thoại trong người, bởi vì vừa có sim Việt, sim Lào để giao dịch với khách hàng.

Những “bóng hồng phu xe” còn luôn nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương. Các chị trong tổ đội xe kéo chính là “tai mắt” đấu tranh với những trường hợp gian lận thương mại, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. Chị Thương cho biết: “Nếu ai đã vô đội xe kéo của mình rồi thì phải chấp hành đúng luật của cửa khẩu đưa ra, chấp hành quy định, điều lệ của Hội. Thứ nhất là không được đưa người vượt biên trái phép. Thứ hai là không được chuyên chở hàng quốc cấm. Và thứ ba nữa là phải cố gắng làm để thoát nghèo. Nhìn chung rất mừng là từ khi thành lập đến nay, các chị đều nghiêm chỉnh chấp hành.”

Ngoài chuyện mưu sinh, từ năm 2008 đến nay, hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đội nữ xe kéo tích cực tích cực thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” do Chi hội phụ nữ bản Ka Tăng phát động. Cứ mỗi bữa nấu ăn, nhà nhà của bản Ka Tăng lại tiết kiệm bằng một nắm gạo, rồi đến cuối tháng, số gạo này được góp lại giúp đỡ những hộ còn nghèo khó. Bên cạnh đó, các chị còn nhận đỡ đầu nhiều cháu bé. Mỗi tháng, thành viên trong đội trích 20 nghìn đồng để góp vào quỹ. Số tiền này dùng để giúp đỡ các gia cảnh khó khăn, thăm hỏi các chị em bị đau ốm, người thân mất hay mua sách vở để động viên cho con em dân bản đạt kết quả cao trong học tập... Kể về sự hỗ trợ, chia ngọt sẻ bùi của các thành viên trong đội, chị Hồ Thị Hạnh không khỏi xúc động nhớ lại: “Nhà bữa bị cháy, chị em người có nồi cho nồi, có chén cho chén. Chị em phụ nữ cho tiền, cho gạo các thứ, hội phụ nữ cho riêng các chị em trong tổ cũng cho. Mối hàng thì nếu họ có nhiều thì họ chia cho mình, ví dụ họ có 3-4 xe thì họ cho mình 1 xe. “

Chia tay những chị em tổ đội xe kéo bản Ka Tăng, đọng lại trong chúng tôi lòng cảm phục các chị. Dẫu rằng công việc vẫn còn nhiều vất vả, thành quả lao động được đổi bằng những giọt mồ hôi, nhưng trên hết, các chị đã làm được nhiều việc ý nghĩa từ những chuyến xe xuôi ngược ấy. Kéo xe, với các chị bây giờ không chỉ đơn thuần là công việc, là thu nhập mà còn là nơi để chia sẻ, động viên, giúp nhau trong cuộc sống, giữ gìn tổ ấm hạnh phúc gia đình. Quan trọng hơn cả là các chị đã cùng nhau góp phần giữ gìn sự bình yên nơi biên giới.

Phản hồi

Các tin/bài khác