Giá trị bền vững của đồ chơi dân gian truyền thống Tết Trung thu

(VOV5) - Rằm tháng Tám còn được gọi là Tết Trung thu, Tết trông trăng là Tết dành cho trẻ em. Trong mắt trẻ thơ, đêm trăng rằm tháng 8 luôn kỳ diệu, huyền ảo, các em luôn háo hức đón chờ người lớn trao những món quà tặng dễ thương như đèn lồng, đèn ông sao, tiến sĩ giấy… và thích thú khi được thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo hay cùng cha mẹ xuống phố ngắm trăng. Và trong đêm lễ hội, đồ chơi dân gian là một phần không thể thiếu đối với trẻ em ở cả thành thị và nông thôn. 

Giá trị bền vững của đồ chơi dân gian truyền thống Tết Trung thu - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Phố Hàng Mã ở Hà Nội hàng năm vào những ngày cận kề Tết Trung thu, cả dãy phố lung linh sắc màu của các loại đồ chơi dân gian được sản xuất thủ công. Khác với mọi năm, năm nay, nhiều loại đồ chơi truyền thống được cả người bán và mua ưa chuộng hơn cả. Trên các sạp hàng tại phố Hàng Mã, bày bán nhiều loại đồ chơi truyền thống, từ những chiếc mặt nạ giấy bồi hình mặt chú ỉn hiền lành, mặt ông địa ngộ nghĩnh, những con thú như trâu, hổ, cáo, thỏ, sư tử, Tôn Ngộ Không, đến những chiếc đèn kéo quân đủ loại to nhỏ, đèn ông sao rực rỡ sắc màu, đầu sư tử và cả những chiếc đèn lồng các loại cùng khoe sắc... trong các lễ hội rước đêm hội trăng rằm.

Giá trị bền vững của đồ chơi dân gian truyền thống Tết Trung thu - ảnh 2

Cũng giống nhiều ông bố trẻ, anh Nguyễn Kỳ đang chọn mua cho con trai 5 tuổi vài món đồ chơi truyền thống của người Việt. Theo anh, chọn mua đồ chơi không chỉ đáp ứng sở thích mà còn để trẻ con thêm hiểu biết về văn hóa, lịch sử của dân tộc:
 "Là người Việt Nam tôi dùng đồ chơi dân gian Việt Nam và mua những hàng thủ công do người Việt Nam sản xuất là khích lệ tinh thần dân tộc, cũng là giáo dục cho trẻ em biết tới những đồ chơi truyền thống của cha ông. Một là trẻ em phải hiểu được thông điệp của những những chiếc đèn cá chép, đèn ông sao, tiến sĩ giấy và phải cho chúng hiểu được những đồ chơi đó do người Việt sản xuất, hai là có ý nghĩa tiếp nối truyền thống và khẳng định tinh thần yêu nước".

Ngoài chiếc đèn ông sao màu đỏ anh còn mua thêm chiếc trống quân, một loại trống nhỏ trẻ em thường cầm gõ trên tay trong đêm Rằm trung thu . Anh cho biết:
 "Trung thu là rằm mà liên quan tới Tết trông trăng và chị Hằng. Rước đèn ông sao trong đêm rằm để các cháu hiểu được ý nghĩa của ngày rằm vì đây được ví như ngọn đèn soi sáng để các cháu tiếp bước tới tương lai. Còn tiếng trống tạo ra âm thanh rộn rã cho trẻ em trong ngày trung thu. Tiếng trống gợi nhớ tới tiếng trống trận của những nghĩa binh của các cụ ngày xưa  ra quân đánh giặc cứu nước. Có rất nhiều thông điệp từ tiếng trống, nên tôi cho con tôi chơi trống".

Còn chị Thu Huyền đang tìm chọn cho con gái chiếc đèn hình con cá chép. Chị cho biết đồ chơi trẻ em bây giờ rất phong phú, hình thức bắt mắt, màu sắc đẹp nhưng một năm chỉ có một ngày Tết Trung thu nên muốn mua cho con những món đồ chơi đậm văn hóa Việt Nam. "
Tôi mua hai chiếc đèn ông cá và lồng đèn. Lồng đèn là biểu tượng của trung thu vì trẻ có màn rước đèn. Còn đèn con cá cũng là hình ảnh truyền thống. Tôi cũng muốn qua đồ chơi dân gian này để con hiểu được về văn hóa của người Việt, mình có nhiều điểm hay cần phải phát huy, tích lũy chứ không thể để mai một" - chị Huyền chia sẻ.

Giá trị bền vững của đồ chơi dân gian truyền thống Tết Trung thu - ảnh 3

Mặt hàng đồ chơi dân gian truyền thống được các thợ thủ công ở các làng nghề ven Hà Nội sản xuất. Những người thợ thủ công đang căng sức để hoàn thành những đơn hàng đồ chơi dân gian truyền thống cuối cùng trước Tết Trung thu. Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến nổi tiếng trong làng Vân Canh về những mặt hàng đồ chơi như ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao. Năm nay, số lượng sản phẩm đồ chơi được khách hàng đặt mua tăng gấp đôi so với năm ngoái. Chị cho biết: "
Tôi chuẩn bị từ tháng 6 âm lịch cho đến rằm tháng 8 là xong công việc. Đồ chơi dân gian này xa xưa không thể thiếu gồm 1 bộ ông đánh gậy tiến sĩ. Các bậc phụ huynh mong muốn con cháu mình thành đạt nên mua một ông tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy để ước nguyện năm sau con cháu sẽ là học sinh giỏi, ngoan, hướng tới cái thiện, sau này trở thành kỹ sư, bác sĩ".

Giá trị bền vững của đồ chơi dân gian truyền thống Tết Trung thu - ảnh 4

Dù nhu cầu của con trẻ có thay đổi nhưng những sản phẩm thủ công truyền thống mãi là nguồn cội văn hóa dân tộc đi suốt cuộc đời trẻ thơ Việt Nam mỗi dịp trung thu. Theo chị Tuyến:
 "Thực ra đồ chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ tôi. Từ lúc còn nhỏ gia đình làm nghề bản thân tôi cũng đã hiểu được ý nghĩa của đồ chơi dân gian. Chuẩn bị mỗi mùa trung thu ở quê những ông bà bố mẹ lại hỏi tôi là gia đình có làm hay không. Đó cũng là động lực để tôi lưu giữ lại nghề làm đồ chơi dân gian. Thời còn nhỏ tôi, hàng ngày tiếp xúc với giấy màu và tre nứa nhưng khi cầm chiếc đèn đi rước trong đêm trăng cùng các bạn thì thấy rất sung sướng".

Những đồ chơi dân gian cho trẻ em ngày một chiếm ưu thế trên thị trường Tết Trung thu. Điều đó càng cho thấy giá trị của văn hóa truyền thống là một nền tảng để người Việt xây dựng nền văn hóa của mình, góp phần khẳng định văn hóa dân gian là sức sống của dân tộc đúng như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói “Mất dân gian là mất hồn dân tộc”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác