Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập ASEAN

(VOV5) - Chỉ còn vài ngày nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời và theo các Hiệp định đã ký kết trong ASEAN, các nước sẽ công nhận bằng cấp trình độ lẫn nhau.


Lao động có trình độ cao sẽ được di chuyển và làm việc tự do giữa các nước trong khối. Điều này mang đến lợi ích không nhỏ cho người lao động và sinh viên Việt Nam đồng thời cũng đặt giáo dục Việt Nam trước những áp lực lớn về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập ASEAN - ảnh 1
Học viên và giảng viên AIT. (Nguồn: Hội sinh viên AIT)

Nghe âm thanh tại đây:


Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời không chỉ thúc đẩy dòng chuyển dịch tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cho phép các lao động có tay nghề tự do di chuyển trong thị trường lao động rộng lớn của ASEAN với 300 triệu người trong độ tuổi lao động. Trước mắt, lao động trong 8 ngành nghề được tự do di chuyển trong ASEAN thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

 

Đây là cơ hội rất lớn đối với các sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, các ngành nghề được khuyến khích tự do di chuyển lại có yêu cầu cao về chất lượng nhân lực, cụ thể là nhân lực phải được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Trong khi đó, đây lại là điểm mà nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế. Ông Nguyễn Đăng Minh, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Chúng tôi nhìn thấy có một số hạn chế liên quan đến lực lượng lao động trẻ, đó là sự tự tin của các bạn trong việc tiếp tục học tập liên quan đến các kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ”.

 

Còn Linh Chi, sinh viên Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội chia sẻ câu chuyện từ thực tiễn trong những lần tham gia các hoạt động tình nguyện quốc tế với vai trò trưởng nhóm: “Khi đưa các bạn vào làm việc trong một đội, nhóm gồm rất nhiều bạn trẻ đến từ các quốc gia khác nhau thì mình thấy các suy nghĩ của các lao động trẻ Việt Nam rất tốt, nhưng khi trình bày ra thì lại bị một rào cản về ngoại ngữ và chính vì rào cản ngoại ngữ đấy làm các bạn kém tự tin”.

Khảo sát mới đây của Ngân hàng thế giới (WB) đối với lao động tại 7 quốc gia ASEAN cho thấy lao động Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về kỹ năng chuyên môn và thái độ làm việc. Tuy nhiên, nếu xét về kỹ năng giao tiếp, khả năng tiếng Anh cũng như những kỹ năng mềm xử lý những tình huống phát sinh trong công việc thì còn phải nỗ lực rất nhiều. Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, khẳng định: “Về tổng thể, quy mô của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam so với bình quân khu vực thì chúng ta không thua kém các nước khác. Có thể khẳng định rằng giáo dục Việt Nam cũng có tên tuổi, bởi thực tế đã có những chương trình đào tạo, ngành đào tạo của chúng ta đã khẳng định được uy tín trong giới học thuật thế giới ví dụ như ngành y, ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, mô hình giáo dục đại học Việt Nam nặng về cung cấp nội dung kiến thức, nhưng thiếu phần cung cấp năng lực thực hành, năng lực làm việc trong môi trường nghề nghiệp, nhất là trong môi trường hiện nay đang thay đổi rất nhiều”.

Trước yêu cầu cấp bách hội nhập, mở cửa thị trường lao động, giáo dục Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh cải cách, quản lý thị trường lao động, nâng tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi học đại học và cao đẳng, đặc biệt bổ sung lao động có kỹ năng, phù hợp với nhu cầu, mục tiêu phát triển của đất nước. Hệ thống giáo dục đại học đang hoàn thiện theo hướng mở, thúc đẩy phân tầng, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng, miền và địa phương. Bên cạnh đó, đổi mới khung chương trình đào tạo ở bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng thời gian thực hành, tập trung vào những nội dung, kỹ năng người học, doanh nghiệp và xã hội cần. Tiến sĩ Lê Đông Phương khẳng định các cơ quan quản lý nhà nước đã ý thức được từ rất lâu về hội nhập. Ví dụ, chính phủ đã ban hành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho toàn quốc giai đoạn 2011-2020, nhằm hướng đến hệ thống giáo dục đào tạo tương thích với nhu cầu nhân lực trong giai đoạn mới: “Bộ giáo dục đào tạo cũng tích cực trong việc đề xuất cho Chính phủ xây dựng các chiến lược phát triển giáo dục làm sao nâng tầm giáo dục đại học. Quốc hội cũng ban hành luật giáo dục đại học. Từ khoảng 15-20 năm nay, Chính phủ đã có chương trình đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các trường đại học. Trước đây chúng ta có chương trình cử người đi đào tạo nước ngoài và hiện nay là có chương trình hướng đến bồi dưỡng lực lượng cán bộ giảng dạy các trường đại học đạt trình độ quốc tế. Tất cả đều nhằm mục tiêu có thể đảm đương được nhiệm vụ trong tương lai”.

Nâng cao chất lượng đào tạo để xây dựng nguồn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực thực sự là nhu cầu cấp thiết đối với giáo dục Việt Nam. Bởi, nếu không làm được điều này thì chưa nói đến chuyện hội nhập mà các cử nhân hay kỹ sư Việt Nam có thể sẽ khó cạnh tranh được với các đồng nghiệp đến từ các nước ASEAN khác. Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, nhất là trong ASEAN không chỉ là vấn đề trước mắt của mỗi công dân, mà còn là nhiệm vụ của cả xã hội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác