Làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

 (VOV5) - Ngoài những hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế, chính trị, văn hóa... trên chặng đường củng cố mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 20 năm qua còn ghi dấu thành công của sự hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, hoạt động nhân đạo. Nhóm phóng viên Đài TNVN có bài: "Hợp tác trong giáo dục, y tế và nhân đạo góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ".

Làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ - ảnh 1

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh trao giấy phép đầu tư cho Trường Đại học Fulbright tại Việt Nam


Thế hệ trẻ chính là cầu nối để hàn gắn các mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Sự hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển nhanh chóng, gắn với sự hợp tác về kinh tế. Năm 1995, khi số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ chỉ mới 800 người thì thương mại hai nước cũng chỉ ở hơn 400 triệu USD. Đến nay, khi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng lên 35 tỷ USD, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ cũng lên tới 17.000 người, đứng đầu các nước Đông Nam Á và thứ 8 trên toàn cầu. Điều đó cho thấy sau 20 năm bình thường hóa, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó giáo dục có bước phát triển vượt bậc. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh: "Lĩnh vực tôi quan tâm đó là  đẩy mạnh hợp tác giáo dục giữa hai nước, hướng tới việc thành lập trường đại học FullBright tại Việt Nam. Tôi muốn đưa FullBright không chỉ là trường đại học tốt nhất tại Việt Nam mà còn là có chất lượng trên thế giới. Tôi cũng hi vọng tiếp tục tăng cường  mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và y tế- những lĩnh vực mà hai nước đã làm rất tốt trong thời gian qua".

Hiện nay, hơn 1100 người đã tốt nghiệp chương trình Fulbright hiện đang đảm nhiệm những vai trò quan trọng tại tất cả các cấp và trong mọi lĩnh vực tại các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước. Bên cạnh những nỗ lực hợp tác của chính phủ 2 nước, các trường học tại Việt Nam và Hoa Kỳ cũng chủ động trong liên kết, trao đổi hợp tác giáo dục, đào tạo. Điều đáng nói là ngày càng có nhiều chương trình trao đổi giáo dục hay liên kết giữa các trường Việt Nam và Mỹ, kể cả bậc tiểu học. Năm 2013, trường Phổ thông quốc tế Việt Nam (tại Dương Nội, Hà Nội) đưa những học sinh đầu tiên sang Mỹ trong trường trình giao lưu học sinh với trường trung học George Washington. Ông Nguyễn Vinh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Phổ thông quốc tế Việt Nam, cho biết: “Chương trình tạo tiền đề rất tốt cho thế hệ học sinh Việt Nam cũng như học sinh Mỹ có sự hiểu biết, đoàn kết và gắn bó với nhau hơn. Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên khép lại quá khứ, hướng tới tương lai cho các thế hệ trẻ. Đây là một vấn đề mà chúng tôi hướng tới. Khi học sinh Việt Nam hiểu về Mỹ, học sinh Mỹ rất hiểu về con người và đất nước Việt Nam thì các cháu chính là bước nối tốt cho các thế hệ mai sau".


Cùng với giáo dục, lĩnh vực y tế cũng được 2 nước chú trọng tăng cường hợp tác. Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, nhiều lĩnh vực hợp tác mới được mở ra như: đào tạo cán bộ y tế, hợp tác nghiên cứu vắc xin, dịch tễ học, phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống HIV nói riêng. Ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, cho biết trong 5 năm (2014-2018), USAID sẽ dành nguồn vốn 344 triệu USD để triển khai các chương trình hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực:  "Kể từ năm 2000, USAID đã tài trợ khoảng 680 triệu USD cho nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau tại Việt Nam. Với tài trợ từ chương trình PEPFAR, chúng tôi tập trung nhiều hỗ trợ cho những người có HIV và các tổ chức làm việc với những người này. Chúng tôi cũng hỗ trợ nâng cao năng lực về phòng chống các nguy cơ gây nên đại dịch cúm gia cầm. Chúng tôi rất vui mừng rằng dự án với nhiều nỗ lực này đang được triển khai đúng tiến độ để hoàn thành theo kế hoạch".

Với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, 20 năm sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, ngày càng nhiều tổ chức, cũng như các cựu chiến binh Mỹ, những người từng tham chiến Việt Nam đã quay trở lại Việt Nam. Bằng nhiều hình thức, họ đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, thúc đẩy mối quan hệ và hiểu biết giữa nhân dân hai nước; có nhiều dự án đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở những vùng trước đây là chiến trường ác liệt. Có thể kể đến như dự án "Điều tra, kiểm sát và đánh giá tác động của bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam" do Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện. Dự án này được triển khai ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Nghệ An. Từ năm 2012, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam triển khai dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng", kéo dài đến năm 2016. Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, kiêm Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học, cho biết: “Vấn đề ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam là vấn đề lớn và vừa qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả từ phía Mỹ. Hiện phía Việt Nam và phía Mỹ tiếp tục trao đổi, thảo luận để tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, các hoạt động nhân đạo liên quan đến việc hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chiến tranh, bao gồm cả nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng đã và đang được triển khai. Phía Mỹ thông qua các tổ chức nhân đạo đã và đang triển khai một số dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin".


Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đang có một thế hệ những người trẻ tuổi năng động, sáng tạo với tư duy đổi mới, hội nhập, không mang những gánh nặng của quá khứ. Với những nỗ lực của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gắn kết trên tinh thần hợp tác toàn diện.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác