Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa

(VOV5) - Tại triển lãm Hoa văn Đại Việt tại Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ Hà Nội giữa tháng 1 vừa qua, khách tham quan được chiêm ngưỡng những mẫu hoa văn cổ xuất hiện trong nhiều công trình kiến trúc và hiện vật thời phong kiến Việt Nam. Điều đặc biệt là những hoa văn này đều được vẽ lại bằng công nghệ vector do những họa sỹ có tuổi đời còn rất trẻ. 

Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 1
Một số mẫu hoa văn được số hóa

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Xuất phát từ việc tham gia vào thiết kế phục trang của bộ phim cổ trang “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, họa sỹ trẻ Cù Minh Khôi, chủ nhiệm dự án Hoa văn Đại Việt đồ lại hoa văn bằng công nghệ vector hay còn gọi là số hóa các hoa văn này. “Khi mình vẽ lại hoa văn mình phải trải qua quá trình tìm hiểu, chụp ảnh tư liệu và đồ lại nó. Nếu là vẽ tay sẽ khó ở khâu sản xuất cho người làm phim, nên mình sẽ làm việc là đồ lại hoa văn vector, số hóa nó bằng một phần mềm online được, sau đó dùng cho phục trang này luôn, nó có thể sử dụng luôn cho việc sản xuất trang phục, cho lên in áo... Thế thì khi mình làm xong mất khoảng 8 tháng để thực hiện xong quá trình vẽ và đồ hoa văn cho phục trang của bộ phim Phật hoàng Trần Nhân Tông này”.


Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 2
Họa sĩ trẻ Cù Minh Khôi, chủ nhiệm dự án Hoa văn Đại Việt


Từ công việc này, Khôi nhận ra rằng Việt Nam chưa có một thư viện hay qui chuẩn rõ ràng về những hoa văn cổ. Hầu hết những nhà làm sáng tạo nghệ thuật như thiết kế trang phục, vật trang trí... đều phải mua những hoa văn vector của Trung Quốc và Nhật Bản để áp vào những thiết kế văn hóa truyền thống. Khôi quyết định cùng một nhóm các bạn trong nhóm Đại Việt Cổ phong, đều là những người đam mê, yêu thích nghiên cứu những kiến thức lịch sử văn hóa, tạo lập nên dự án số hóa nhiều mẫu hoa văn cổ thông dụng.


Đạo diễn Nguyễn Văn Lượng phim Phật hoàng Trần Nhân Tông chia sẻ về quá trình 6 năm chuẩn bị cho cảnh bấm máy đầu tiên. Điều khiến đoàn làm phim gặp khó khăn nhất chính là về phần trang phục của các diễn viên, chính những hoa văn được số hóa của nhóm Hoa văn Đại Việt đã giúp việc thiết kế trang phục dễ dàng hơn “Từ ý tưởng, phương pháp tiếp biến của những người đi trước, các bạn ấy đã hiện thực hóa nó ra thành một mảng riêng, và những chi tiết ấy góp phần vào việc phổ biến văn hóa, phổ biến chữ cái đầu tiên của đường nét hội họa của dân tộc ta, cha ông ta, và người Việt xưa nay không nắm rõ, nhầm lẫn với Trung Hoa hay các nền văn hóa khác, bây giờ chúng ta đã tách bóc ra được. Ứng dụng cho đoàn làm phim Phật hoàng Trần Nhân Tông và các đoàn làm phim phụ kiện cổ trang sau này sẽ rất có lợi”.


Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 3
Một số mẫu hoa văn thông dụng


Việc số hóa những mẫu hoa văn này không hề đơn giản. Nhóm phải dành  rất nhiều công sức, tiền bạc để tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử và thuê các họa sĩ đồ lại hơn 200 mẫu hoa văn. Để hiện thực hóa dự án này, Nhóm đã quyết định sử dụng hình thức crowd-funding, nghĩa là gây quỹ cộng đồng. Số tiền ban đầu nhóm kêu gọi là 100 triệu đồng trên các trang mạng xã hội. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn là gần 2 tháng, những người yêu văn hóa Việt Nam đã đóng góp số tiền gấp đôi nhóm kêu gọi. 200 hoa văn thông dụng tiêu biểu cho từng thời kỳ phong kiến của Việt Nam được hoàn thành trong gần 1 năm và chia sẻ miễn phí cho cộng đồng. Còn lại 50 hoa văn đặc biệt, hiếm có tại một số công trình, hiện vật được dành tặng những người đã đóng góp cho quỹ của dự án.


Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 4
Một số hiện vật cổ có mẫu hoa văn thông dụng


Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học – Lịch sử, dự báo rằng sẽ có rất nhiều tranh cãi về tính chính xác của các hoa văn vector này, tuy nhiên việc đóng góp cho cộng đồng của nhóm các bạn trẻ này là rất đáng trân trọng và cần được phát huy: “Tôi cho rằng những việc làm này hết sức đáng trân trọng. Nhưng chúng ta không chỉ trân trọng bằng một lời cảm ơn tất cả những tác giả ấy. Tôi rất mong những cơ quan có trách nhiệm của ngành văn hóa, của các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, nói chung của nhà nước, nên quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện để các bạn ấy phát triển, tôi cho rằng trong một chừng mực nào đó, cũng là sự khởi nghiệp của các bạn trẻ, mở ra một hướng đi và chắc chắn có lợi ích thiết thực đối với đời sống”.


Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 5
Nhà sử học Dương Trung Quốc trong buổi lễ khai mạc triển lãm Hoa văn Đại Việt

Là một nhà thiết kế thời trang, Mai Phương Ngân cho rằng những hoa văn nhóm Đại Việt Cổ phong phục dựng có tính ứng dụng rất cao trong khối ngành thiết kế: “Dự án có ý nghĩa, có sự đóng góp trong ngành thiết kế và trong ngành đồ họa, đó là sự đóng góp khá là ý nghĩa. Thông thường ngồi đồ lại hoặc vẽ lại hoa văn như thế này rất mất thời gian và mất công nghiên cứu chứ không phải ai cũng nhìn tranh rồi có thể vẽ lại hoặc đồ lại được, cũng phải có sự nghiên cứu của các bạn ấy”.

Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 6
Buổi khai mạc triển lãm Hoa văn Đại Việt thu hút rất nhiều bạn trẻ tham dự


Từ những đam mê cá nhân cùng với mong mỏi bảo tồn và tôn vinh những hoa văn truyền thống qua các triều đại phong kiến, nhóm các bạn trẻ của nhóm Hoa văn Đại Việt đã làm sống lại những hoa văn cổ đồng thời quảng bá nét đẹp ấy đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.


Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 7
Giới trẻ rất hào hứng với các mẫu hoa văn cổ


Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 8
Giới trẻ quan tâm đến hoa văn cổ

Lưu giữ hoa văn Việt Nam bằng công nghệ số hóa - ảnh 9
Giới trẻ rất quan tâm đến các mẫu hoa văn cổ

Phản hồi

Các tin/bài khác