Người nước ngoài với Tết Việt

(VOV5) - Không khí Xuân đang lan tỏa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hòa trong niềm vui chung, nhiều người nước ngoài đang học tập, sinh sống và công tác tại Việt Nam cũng tận hưởng niềm vui tết cổ truyền. Đối với họ, Tết cổ truyền Việt Nam rất thú vị, bởi chính trong thời điểm này, họ có thể nhìn thấy nhiều góc cạnh khác nhau của Việt Nam như ẩm thực, văn hóa ứng xử, các lễ hội đậm đà bản sắc. Và mỗi người đều đón Tết riêng theo cách của mình.

Người nước ngoài với Tết Việt - ảnh 1
Bạn bè quốc tế đón Tết Việt (Ảnh minh họa)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Cùng với quá trình hội nhập, mở cửa, ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống. Nhiều người đã bén duyên lâu dài với Việt Nam bằng việc tìm thấy một nửa cuộc đời của mình. Và những gia đình đa văn hóa cũng ngày xuất hiện nhiều. Nhiều người nước ngoài đã quen với phong tục của ngày Tết cồ truyền nhưng với họ, thêm 1 lần ăn Tết Việt họ lại có thêm những kỷ niệm đẹp về đất nước giàu truyền thống văn hóa này.

John Marcus, 1 doanh nhân người Mỹ đã có 12 năm gắn bó với Tết cổ truyền của Việt Nam. Đối với John, dù đã nhiều lần được trải nghiệm nhưng mỗi dịp Tết đến lại mang đến những cảm xúc rất đặc biệt. Giống như người Việt, Tết là dịp John Marcus muốn dành thời gian quây quần bên gia đình với người vợ Việt Nam xinh đẹp, khéo léo và 2 đứa con đáng yêu. "Năm mới đối với tôi vô cùng quan trọng vì nó khởi đầu cho những điều tốt đẹp sắp tới. Trong cả 12 năm tôi đều đón năm mới ở Việt Nam. Tôi không thích đi du lịch trong thời điểm năm mới vì ở đó có rất đông người. Vợ tôi là người nấu ăn khá giỏi nên cô ấy sẽ nấu những món ăn khác nhau trong dịp Tết và tôi sẽ ở nhà để thưởng thức nó" - anh chia sẻ.

Nhiều người nước ngoài tâm sự điều thú vị nhất khiến họ cảm nhận Tết ở Việt Nam, đó chính là không khí sum họp với gia đình. Mọi người đi đến nhà thăm hỏi, chúc Tết và cùng ăn tiệc với nhau. Điều này làm cho Tết cổ truyền Việt Nam khác hẳn so với Tết của họ ở phương Tây. Đại sứ Pháp tại Việt Nam ông Jean-Noël Poirier nhận xét: "Trong 10 ngày Tết, 91 triệu người dân Việt Nam gần như có cùng một tâm tư, tình cảm. Ai cũng muốn quay về với gia đình. Tôi nhận thấy sáng Mùng 1 Tết không ai ra ngoài đường, tất cả đều sum họp bên gia đình để thắt chặt sự gắn kết giữa các thành viên. Tôi cho đó là một truyền thống thú vị, mang tính biểu tượng cho tình đoàn kết của người Việt Nam".

Jean-Noël Poirier cho biết ông rất thích quang cảnh vắng vẻ của đường phố Hà Nội ngày mùng 1 Tết. Nhịp sống hối hả ngày thường biến mất, thay vào đó là không khí thoải mái, trong lành, vì vậy năm nào ông cũng phải dạo bộ ngắm cảnh Hà Nội. Chia sẻ kỷ niệm về 1 cái Tết cách đây không xa, ông Jean-Noël Poirier hào hứng: "Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm, cũng là năm đầu tiên làm Đại sứ. Gia đình tôi vẫn ở Pháp, nên chỉ có một mình tại Việt Nam. Tôi đã quyết định đi thăm một gia đình nông dân ở vùng quê. Tôi sống trong một làng nhỏ với gia đình bình thường đó trong vòng 2, 3 ngày, tham gia các sinh hoạt thường ngày của họ và cảm thấy rất thú vị. Tôi được trải nghiệm các kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống, nó khơi dậy trong tôi nhiều cảm xúc mới.".

Là người đã có nhiều thời gian ở Việt Nam và thưởng thức nhiều cái Tết đã qua, Đại biện lâm thời sứ quán Rumani tại Việt Nam Valeriu Arteni lại rất thích thú với những lần đi hội hoa xuân, chơi trò chơi dân gian ở Việt Nam và đặc biệt là được người dân mời ăn Tết. Những món ăn ban đầu thấy lạ nhưng ăn nhiều lại thấy ngon. "Đã nhiều năm tôi nhận lời các bạn Việt Nam đến nhà ăn trong dịp Tết, thưởng thức các món ăn, quả là rất ngon. Nem là ngon nhất. Nhà tôi cũng biết nấu nem, và khi nấu nem chỉ có ăn nem mà thôi, làm rất nhiều nem, làm nước chấm, dưa góp..." - ông cho biết.

Cứ dịp Tết đến, nếu vợ chồng không có dự định đi du lịch, ông Valeriu Arteni vẫn thường dặn vợ ra chợ mua bánh chưng, mứt gừng và nhiều món ăn để tiếp đón bạn bè, người quen. Tự nhận mình là người có tâm hồn ăn uống, ông Valeriu Arteni cho biết dù thưởng thức rất nhiều món ăn Việt Nam nhưng chừng đấy năm ở Việt Nam, ẩm thực Việt đã thực sự chinh phục ông, nhất là những món ăn cổ truyền ngày Tết.

Mặc dù Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập. Nhịp sống hiện đại phần nào làm cho Tết cổ truyền đơn giản bớt phần nào nhưng theo nhiều người nước ngoài nhận định, Tết Nguyên Đán vẫn duy trì nhiều nét đặc trưng tiêu biểu mà chỉ Tết Việt Nam mới có. Tết chứa đựng những giá trị nhân văn mang tính truyền thống cổ truyền, thiêng liêng đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc có hàng ngàn năm tuổi. Và chính điều này níu chân họ ở lại Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác