Tượng đài tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng

(VOV5) - Tri ân sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), năm 2004, Đài Tiếng nói Việt Nam và tỉnh Quảng Nam phát động cuộc vận động xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có 11 người con và cháu là liệt sĩ.


Cuộc vận động đã thu hút các tầng lớp nhân dân chung tay đóng góp xây dựng công trình có ý nghĩa lịch sử này. Sau đó, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã kêu gọi phụ nữ cả nước đóng góp xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định đưa công trình Tượng đài này vào danh sách công trình văn hoá cấp Quốc gia. Sau 7 năm xây dựng, Công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được khánh thành đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2015).


Tượng đài tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng - ảnh 1
Phối cảnh tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng




Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Những ngày đầu tháng 3, ông Lê Tự Thận, người con út của mẹ Thứ từ Đà Nẵng lặn lội vào thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam để ngắm nhìn Tượng đài Mẹ VNAH, lấy nguyên mẫu hình ảnh người mẹ của mình. Ông Thận bảo rằng, công trình tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của hàng vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng làm ông thêm tự hào về người mẹ của mình: “Tượng đài đã xong rất đẹp, tôi cũng cảm ơn Đảng và nhà nước đã xây dựng. Công trình mẹ rất có ý nghĩa để con cháu cả nước hướng về, nhắc nhở con cháu noi gương truyền thống cách mạng, ghi nhớ công lao các mẹ VNAH. con cháu các mẹ VNAH cả nước cũng phấn khởi”. 

Tượng đài tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng - ảnh 2
Hai bên tượng là hình ảnh những người con của mẹ


Đến thời điểm này, gần 70.000 người mẹ trong cả nước được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, trong đó tỉnh Quảng Nam nhiều nhất nước với 11.200 mẹ được công nhận danh hiệu cao quý này. Năm 2004, Đài TNVN mở cuộc vận động đóng góp xây dựng Tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ. Công trình được đặt tại núi Cấm, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm ấy, tại Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng, Đài TNVN tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật kêu gọi các tầng lớp nhân dân chung tay góp sức xây dựng Tượng đài. Tiếp sau đó, tại thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đài TNVN tổ chức các chương trình giao lưu nghệ thuật vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí xây dựng công trình.

Người dân cả nước có nhiều nghĩa cử cao đẹp hướng về công trình mang ý nghĩa to lớn này. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức thành phong trào kêu gọi từng hội viên phụ nữ ủng hộ xây dựng Tượng đài. Bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, đây là công trình thể hiện tấm lòng đền ơn đáp nghĩa: “Các thế hệ phụ nữ VN mãi mãi ghi tạc công ơn của các anh hùng liệt sĩ, Mẹ VNAH. Chúng tôi mong muốn công trình tượng đài Mẹ VNAH-Một công trình kiến trúc nghệ thuật có ý nghĩa to lớn, đồng thời biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, công trình là nơi về nguồn của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam”.

Tượng đài tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng - ảnh 3
Tượng đài đã thu hút đông đảo thế hệ trẻ về nguồn


Từ ý tưởng: "Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", tác giả Đinh Gia Thắng đã thể hiện hình tượng Mẹ VNAH trong toàn khối tượng đài có chiều cao 18,6mét, chiều rộng theo đường cong là 120 mét, bề dày khối tượng chỗ lớn nhất hơn 24 mét với chất liệu bằng đá hoa cương. Bên trong khối tượng là Bảo tàng Mẹ VNAH, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các Mẹ đối với dân tộc. Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước lớn, rộng khoảng 1.000 mét vuông. Không gian kiến trúc và cảnh quan tượng đài Mẹ VNAH nổi bật giá trị nghệ thuật về tâm linh, là nơi để tưởng nhớ và cảm nhận các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trước quảng trường tiền môn là 8 trụ biểu khắc chạm các hình ảnh các bà mẹ ở 3 miền Bắc Trung Nam, những cô gái thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn.  Hoạ sĩ Đinh Gia Thắng, Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả xây dựng Tượng đài Mẹ VNAH nói lời tâm huyết: “Đề tài về mẹ là đề tài chan chứa nhiều cảm xúc đối với tôi. Quá trình làm bức tượng này từ lúc xây dựng phác thảo đến khi chế tác đá mình luôn giữ được mạch cảm xúc. Trong suốt 9 năm trời, lúc nào trong lòng tôi cũng có những âm hưởng, những giai điệu về mẹ. Nhịp mạch cảm xúc đó hiện lên hiện từng nhát khối, hiện lên khuôn mặt mẹ, hiện lên trên gương mặt của những người con của cả nước đang hướng về mẹ, gợi lên hình ảnh không những của mẹ mà còn gợi lên hình ảnh của đất nước”.

Tượng đài tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng - ảnh 4
Họa sĩ Đinh Gia Thắng, tác giả công trình Tượng đài Mẹ VNAH đã 9 năm miệt mài điêu khắc hình ảnh mẹ Việt Nam


Từ ý tưởng ban đầu của Đài TNVN, Tượng đài Mẹ VNAH trở thành một công trình mang tầm vóc quốc gia, giàu ý nghĩa lịch sử, văn hoá, nghệ thuật.  Ông Lê Anh Dũng ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho rằng, các cuộc chiến tranh vệ quốc trên thế giới có nhiều Tượng đài anh hùng nhưng riêng chỉ Việt Nam mới có tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng: “Tượng đài mẹ VNAH để tôn vinh, tri ân các mẹ Việt nam anh hùng, ở trên một cái núi mà có sơn thủy hữu tình, về phong thủy rất đẹp. Về ý nghĩa giáo dục thì tôi nghĩ nó không chỉ cho thế hệ trẻ đâu mà bao nhiêu thế hệ. Cái ý nghĩa nó lớn là nó nuôi dưỡng, tiếp lửa truyền thống cho các thế hệ của baođời và bao thời sau này nữa. Nó là biểu tượng của nhân văn của lòng yêu nước của bà mẹ thương con, yêu nước, thương nòi”.


Tượng đài tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng - ảnh 5
Trước tượng đài là hồ nước thể hiện ý tưởng suối nguồn


Tượng đài Mẹ VNAH được xây dựng tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là tấm lòng, tình cảm và sự tri ân sâu sắc đối với Mẹ VNAH  của người dân cả nước cũng như của cán bộ, phóng viên Đài TNVN, những người khởi xướng cuộc vận động./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác