Vui Tết Trung thu cùng mặt nạ giấy bồi truyền thống

(VOV5) - “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” là tên dự án do họa sĩ Trang Thanh Hiền cùng các sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam khởi xướng, vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Không chỉ hướng dẫn các em nhỏ cách làm mặt nạ giấy bồi truyền thống, dự án còn hướng đến việc khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa của loại hình mặt nạ Việt.

Vui Tết Trung thu cùng mặt nạ giấy bồi truyền thống - ảnh 1
ảnh theo:hanoitv.vn

Nghe âm thanh tại đây:

Dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” thu hút sự tham gia của hơn 300 em nhỏ. Tại đây, các em được học cách bồi mặt nạ, cách sử dụng bút lông, lấy màu và rửa bút... Các em có thể tự do tô màu theo ý thích để tạo nên chiếc mặt nạ cho riêng mình. Mặt nạ chú tễu, mặt nạ ông địa... tưởng như quen thuộc nhưng lại mang màu sắc hoàn toàn khác biệt từ chính đôi tay của các em. Bên cạnh đó, các em còn được học cách phân biệt mặt nạ truyền thống của Việt Nam với mặt nạ của các quốc gia khác; được tìm hiểu về các loại mặt nạ sử dụng trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt. Ngoài việc tạo ra một sân chơi lành mạnh, hướng dẫn các em nhỏ tự tay sáng tạo những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi theo nhóm, dự án còn có một buổi trò chuyện xung quanh chiếc mặt nạ lý thú với các chủ đề phong phú, giúp gợi mở trí tượng tượng cho các em. Bên cạnh đó là hoạt động triển lãm các tác phẩm mặt nạ do nhiều họa sĩ sáng tạo. Toàn bộ các tác phẩm này được bán đấu giá để lấy tiền gây quỹ xây dựng trường, lập tủ sách ở Trường Tiểu học Suối Bau (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Chị Nguyễn Kim Ngọc Diệp, đưa con gái 4 tuổi đến tham gia chương trình, chia sẻ:          “Hôm nay được biết là chương trình có tổ chức vẽ mặt nạ truyền thống của dân tộc, làm bằng chất liệu tự nhiên. Tôi thấy chương trình này rất bổ ích. Đồng thời, qua chương trình này, mọi người hướng tới tổ chức từ thiện. Vì thế nên tôi muốn con tôi từ bé đã tham gia môi trường như thế.”

 

Tại chương trình, họa sĩ Trang Thanh Hiền còn giới thiệu tới phụ huynh và các em nhỏ về truyền thống mặt nạ Trung Thu ở Việt Nam. Trong số các loại hình đồ chơi Trung Thu, mặt nạ giấy bồi là loại hình lâu công nhất. Xa xưa, việc làm mặt nạ hay các đồ chơi dân gian thường được ông bà, bố mẹ làm cho trẻ nhỏ. Sau này, việc làm đó không còn duy trì ở từng gia đình mà được chuyên môn hóa. Các nghệ nhân làm hàng loạt mặt nạ với nhiều khuôn dáng khác nhau rồi đem bán.  Để làm nên một chiếc mặt nạ giấy bồi chơi Trung Thu, có khá nhiều các công đoạn khác nhau, chỉ có các nghệ nhân nắm giữ bí quyết và trao truyền. Thông qua dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu”, họa sĩ Trang Thanh Hiền mong muốn nhận được sự yêu mến, tham gia của các em thiếu nhi cũng như cả cộng đồng:“Đây là chương trình chung tay chia sẻ yêu thương. Khi các bạn nhỏ bên cạnh việc hiểu được truyền thống văn hóa mặt nạ của người Việt thì đồng thời cũng chia sẻ được tình cảm đối với các bạn nhỏ ở Trường Tiểu học Suối Bau, tỉnh Sơn La. Thông qua chương trình này, chúng tôi giúp cho các bé sáng tạo các mặt nạ, sau đó kêu gọi các bé quyên góp những sách vở cũ, sách giáo khoa cũ, những truyện cũ, toàn bộ số này sẽ tặng cho các bạn nhỏ ở Sơn La.”

 

Sau khi kết thúc các hoạt động tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, dự án sẽ tiếp tục triển khai tại một số địa điểm khác để thu hút sự quan tâm của cộng đồng trước dịp Tết Trung Thu. Chị Đỗ Thu Hương, đại diện Ban tổ chức dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu”, cho biết: “Chúng tôi dự kiến tổ chức các sự kiện tiếp theo ở hai địa điểm. Đó là Café Laca ở 24 Lý Quốc Sư và Hà Nội Creative City ở số 1 Lương Yên, Hà Nội. Chương trình ở hai địa điểm này đều có những nét mới so với sự kiện thứ nhất ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ví dụ ở Cafe Laca, ngoài việc các bạn nhỏ được tham gia vẽ mặt nạ giấy bồi thì còn có triển lãm của các họa sĩ ở Gallery 39A và có phần trình diễn vẽ mặt nạ trên người của họa sĩ Đức Phạm. Ở Hà Nội Creative City có triển lãm “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” với gần 100 tác phẩm mặt nạ của các họa sĩ và các em nhỏ đã tham gia hưởng ứng từ sự kiện thứ nhất và thứ hai.”

 

Dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” đã góp phần làm nên một Tết Trung thu đặc sắc cho các em nhỏ. Các em không chỉ hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn hiểu được ý nghĩa về sự chia sẻ, yêu thương.

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác