Giải pháp nào cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

(VOV5) - Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”  vừa qua đã tiếp thu nhiều ý kiến đa dạng, báo cáo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà báo và độc giả quan tâm. Đặc biệt trong đó là việc tìm ra những giải pháp cụ thể làm thế nào để có thể giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt trong ngôn ngữ báo chí, có thể coi là ngôn ngữ của toàn dân.

Giải pháp nào cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt  - ảnh 1
Hội thảo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Nghe âm thanh tại đây:



Theo thực tế hiện nay, việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm qua đã và đang xuất hiện rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Việc dùng từ sai nghĩa, vay mượn tiếng nước ngoài thiếu chính xác, câu què cụt, sai ngữ pháp tiếng Việt. Đặc biệt đối với phương tiện báo mạng, tình trạng rút tít, ghi chú ảnh cẩu thả xảy ra tương đối phổ biến. Do tính phổ thông, tính đại chúng, tính thời sự của báo chí, nên những sai sót trên báo chí có tính lan truyền, ảnh hưởng xấu cũng rất nhanh trong xã hội. Công chúng vốn coi báo chí là mẫu mực trong việc nói và viết nên việc dùng từ sai sẽ rất dễ bị bắt chước theo. Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam đã chỉ ra rằng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt rất cần có nhận thức về trách nhiệm của những người làm báo: "Trước hết là về mặt nhận thức, chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò to lớn của tiếng Việt trên báo chí và các phương tiện truyền thông nói chung. Thứ hai cần có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả hơn nữa giữa Hội nhà báo Việt Nam với Hội ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu, ngôn ngữ đào tạo về báo chí với các cơ quan báo chí hàng đầu có sức ảnh hưởng lớn về tiếng Việt trong công chúng".


Một giải pháp cơ bản để tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng đi vào chuẩn mực chính là trước khi chờ đợi sự ra đời của Luật ngôn ngữ tiếng Việt, cần có một bộ qui chuẩn tiếng Việt bao gồm các qui tắc thống nhất về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, cách phiên âm các từ nước ngoài... Đây là công cụ hữu ích để người làm báo dựa vào, cũng như  giúp chính độc giả kiểm tra tính chính xác của ngôn ngữ trong báo chí. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong bài tham luận “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhìn từ khía cạnh pháp lý” đã nhấn mạnh rằng: "Đề xuất xây dựng bộ qui chuẩn chính thức về bảng chữ cái tiếng Việt, qui tắc chính tả còn thiếu hoặc chưa thống nhất về phát triển ngôn ngữ trong giao tiếp bao gồm cả qui tắc chính tả, từ vựng, ngữ pháp để đảm bảo chuẩn về ngôn ngữ. Và trong hành trình giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học cần tích cực tham gia nghiên cứu định hướng cách sử dụng ngôn ngữ cho công chúng và người làm báo thể hiện được chuẩn mực của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng".


Nhiều giải pháp cụ thể được các đại biểu đóng góp trong hội thảo như cần có các chương trình bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên; cần có những cơ chế chính sách đủ mạnh để khuyến khích người làm báo có sáng tạo về ngôn ngữ; cũng như có nhắc nhở, xử phạt đối với người coi nhẹ, người vi phạm hoặc người làm hỏng tiếng Việt.


Riêng đối với phương tiện phát thanh và truyền hình, do tính chất đặc thù phải sử dụng giọng nói, việc giữ gìn tính trong sáng của tiếng Việt càng cần phải được chú trọng. Đề cập đến sự khác biệt trong giọng nói vùng miền trên phương tiện phát thanh truyền hình trung ương, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi đã khẳng định cần bảo lưu những đặc điểm địa phương, ví dụ giọng Sài Gòn thường nhật hay phương ngữ Nam Bộ nhưng cũng đồng thời chấp nhận sự biến đổi và hướng đến cách phát âm chuẩn mực, hướng đến ngôn ngữ toàn dân theo giọng Hà Nội "Việc sử dụng các giọng địa phương trước hết, giọng Sài Gòn, Huế hay Đà Nẵng trên sóng phát thanh, truyền hình Trung ương là có thể và cần thiết. Tuy nhiên các giọng địa phương cần được chuẩn hóa theo hướng bảo lưu những đặc điểm của giọng địa phương nhưng thứ hai cần thay đổi một số đặc điểm để phù hợp với ngôn ngữ toàn dân"


Có thể nói, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ nên là nguyện vọng, khuyến nghị, mà cần phải đi vào cuộc sống, tiến tới được luật hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông qua cách biểu đạt bằng ngôn ngữ tiếng Việt đã có trách nhiệm góp phần định hướng việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Hàng loạt giải pháp được đưa ra trong Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” chính là những tiền đề, cơ sở nghiên cứu tích cực cho việc gìn giữ tiếng nói của dân tộc một cách hiệu quả và hệ thống.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác