Nhân học ở Việt Nam trong cái nhìn lịch sử

(VOV5) - Cuốn sách Nhân học ở Việt Nam đưa độc giả trở về với lịch sử hơn 100 truyền thống của ngành khoa học nghiên cứu về con người.

Trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, trên nền tảng của chuyên ngành Dân tộc học có bề dày truyền thống nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng chính sách, một ngành khoa học Nhân học ở Việt Nam đã thành hình và đang không ngừng phát triển, thể hiện rõ là một ngành khoa học Nhân học mang bản sắc Việt Nam song cũng chia sẻ nhiều nét tương đồng với các truyền thống Nhân học ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhân học ở Việt Nam trong cái nhìn lịch sử - ảnh 1


PGS.TS. Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đề dẫn cho biết: Đặt nhân học ở Việt Nam trong bối cảnh lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 và trong mối quan hệ tương tác với các truyền thống nhân học trên phạm vi toàn cầu, cuốn sách "Nhân học ở Việt Nam: một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào tạo" (NXB Tri thức xuất bản năm 2016) là một tuyển tập gồm các bài viết của hơn 30 nhà Nhân học Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Pháp: “Có thể dễ dàng tìm thấy những tài liệu về ngành học này ở các quốc gia trên thế giới, trong khi đó ở Việt Nam thật khó để tìm thấy. Tên sách Nhân học ở Việt Nam thể hiện một lập luận quan trọng về sự xuất hiện của ngành này tại Việt Nam”.


PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, cho rằng: Trong  thời gian rất dài các nhà nghiên cứu ít chú trọng đến việc nghiên cứu về lịch sử của ngành dân tộc học và nhân học Việt Nam. Cuốn sách Nhân học ở Việt Nam đưa độc giả trở về với lịch sử hơn 100 truyền thống của ngành khoa học nghiên cứu về con người, để thấy được những đóng góp to lớn và rất riêng của hai nhà nhân học hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đức Từ Chi đại diện cho hai thời kỳ hình thành và phát triển của ngành, cũng như đóng góp của Viện Viễn đông bác cổ Pháp…đối với sự hình thành và phát triển của chuyên ngành Dân tộc học theo truyền thống Dân tộc Pháp và truyền thống Dân tộc học Xô-viết. GS Nguyễn Văn Huyên và GS Nguyễn Đức Từ Chi đều là những người được nhà nước trao giải thưởng cao quý nhất: Giái thưởng Hồ Chí Minh cho các công trình khoa học cùa mình.


PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, cũng là một trong bốn đồng chủ biên cuốn sách cho biết, phần lịch sử nghiên cứu của cuốn sách lựa chọn học giả Nguyễn Văn Huyên với tư cách một nhà nghiên cứu dân tộc học, như một trường hợp đại diện cho thế hệ trước 1975. Trong công trình có 7 bài nghiên cứu dành cho những vấn đề chung và dành cho Nguyễn Văn Huyên, với hơn 100 trang trong số 450 trang của sách: “Hai bài rất quan trọng của Phạm Kiêm Ích và Olivier đã giới thiệu cho chúng ta một cảnh quan về dân tộc học và nhân học nửa đầu thế kỷ 20, với một dàn các nhà dân tộc người Pháp và Việt Nam như Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Khoan, Ngô Quý Sơn, và Nguyễn Thiệu Lâu. Để chúng ta thấy nền tảng của dân tộc học và nhân học không những chỉ có người Pháp thực hành mà có cả 1 đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam. Trong số các nhà khoa học Việt Nam thì Nguyễn Văn Huyên là một nhân tố được đào tạo rất bài bản và ông đã tốt nghiệp đại học ở Pháp, làm luận án tiến sĩ ở Pháp, có nhiều công trình khoa học, giữ vị trí cao nhất trong cơ quan khoa học có uy tín trên thế giới, ở Đông Dương lúc đó là trường Viễn Đông Bác Cổ…”


Theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, thì bài viết của Giáo sư Phạm Kiêm Ích đưa ra một nhận xét rất quan trọng, đấy là việc chuyển đổi từ dân tộc học sang nhân học ở giai đoạn hiện nay là cuộc chuyển đổi lần thứ hai, và cuộc chuyển đổi lần thứ nhất diễn ra vào năm 1937 đến 1940, lúc đó đã hình thành ra một cơ quan là Viện Đông dương nghiên cứu con người, kết hợp giữa trường Viễn đông bác cổ và Viện giải phẫu ở trường Y,  kết hợp giữa lĩnh vực nghiên cứu về xã hội và con người với tư cách hình thể: “Câu chuyện này cho thấy nền tảng của nhân học hiện nay của chúng ta nó đã bắt rễ sâu từ 80 năm trước đây. Điều đó cần phải suy nghĩ, cần phải kế thừa…”

Nhân học ở Việt Nam trong cái nhìn lịch sử - ảnh 2
Đoàn cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện chương trình điền dã tại bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An)./ Ảnh tư liệu: Phạm Vĩnh Hà- Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam


Về đại diện của thế hệ thứ hai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Từ Chi, thì PGS. TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, cũng là một trong bốn đồng chủ biên cuốn sách, cho rằng: “Các công trình nghiên cứu của các tác giả đặt ở đây tập trung vào 2 vấn đề lớn: Một là khẳng định con người Từ Chi, khẳng định sự dẫn dắt của Từ Chi đối với các thế hệ làm dân tộc học phía sau như thế nào. Vì thế ông làm biên tập viên, làm ở tạp chí, nhưng những người tự nhận học trò ông đông vô kể. Hơn ai hết, Từ Chi là người đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu điền dã trong dân tộc học. Khi nói đến Từ Chi phải nói đến nghiên cứu thực địa cực kỳ nghiêm túc.  Những đóng góp của Từ Chi có những công trình được coi là đóng đinh trong diễn trình phát triển lịch sử ngành dân tộc học Việt Nam. Những hoa văn Mường, những cơ cấu làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, những vũ trụ quan Mường, vũ trụ luận Mường, những nghiên cứu về chế độ nhà lang và chế độ ruộng đất Mường vv…”


Thực trạng, vấn đề và triển vọng nghiên cứu của các chuyên ngành của ngành khoa học Nhân học, như Nhân học về giới, Nhân học chữ viết, Nhân học sinh thái, Nhân học tộc người, và các hướng nghiên cứu về sinh kế, di sản văn hóa, … ở Việt Nam, như PGS TS Vương Xuân Tình Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, dồng chủ biên cuốn sách chỉ ra một chuyên ngành trong “nhân học”, đó là “nhân học tộc người”: “Xem xét 3 mối quan hệ quan trọng: tộc người với chủ nghĩa cá nhân, tộc người với dân tộc và nhà nước, và tộc người với trách nhiệm xã hội. Trên thực tế, nghiên cứu dân tộc học của Việt Nam trong suốt những chặng đường vừa qua cũng về cơ bản là đi theo hướng này. Những công trình dân tộc nhân học của các nhà nghiên cứu VN trong những thập kỷ qua, đã tập trung rất nhiều vào vấn đề tộc người và văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng về vấn đề văn hóa tộc người, sự biến đổi của văn hóa tộc người, sự phát triển bền vững của văn hóa tộc người, và văn hóa tộc người với phát triển. Ngoài ra, chúng ta cũng quan tâm sâu sắc tới mối quan hệ của tộc người với quốc gia, dân tộc., thì có rất nhiều những công trình ở Viện dân tộc học cũng như những đồng nghiệp ở ngành dân tộc và nhân học nghiên cứu về vấn đề này. Và nghiên cứu về tộc người và phát triển thì có những nghiên cứu, ứng dụng về di dân, sức khỏe, dân số, môi trường, xóa đói giảm nghèo…

Nhân học ở Việt Nam trong cái nhìn lịch sử - ảnh 3
Lễ công bố quyết định thành lập Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội./Ảnh tư liệu Khoa Nhân học.


Cuốn sách dành một phần quan trọng phân tích thực trạng đào tạo và giảng dạy Nhân học, nhận diện những khó khăn và thách thức, bàn thảo các giải pháp quảng bá, nâng cao chất lượng đào tạo Nhân học theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, cũng như sự chuyển đổi từ Dân tộc học sang Nhân học ở Việt Nam trong mấy thập kỷ đổi mới và hội nhập quốc tế, như Phó Giáo sư Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Đọc cuốn sách này ở phần này qua sự phản ánh của các tác giả thì trong hơn một thập kỷ vừa qua ở Việt Nam chứng kiến một sự phát triển của các chương trình đào tạo ngành nhân học như một ngành học độc lập ở các trường đại học. Cũng trong khoảng thời gian này thì chuyên ngành đào tạo dân tộc học thuộc khoa lịch sử, ngành lịch sử từng bước ngừng tuyển sinh tại các đại học ở Việt Nam. Nổi bật trong đó là hai đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.”


Qua việc nghiên cứu về những con người gắn liền với ngành nhân học Việt Nam, cuốn sách đã chỉ ra họ có những đóng góp, ảnh hưởng, tác động lớn như thế nào đến nhân học đương đại của Việt Nam, cũng như việc đời sau phải làm như thế nào để thực sự tiếp nhận những di sản của quá khứ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác