Áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

(VOV5) - Ra đời từ thế kỷ 17, chiếc áo dài trở thành trang phục truyền thống của người Việt Nam. Chiếc áo dài không chỉ thể hiện văn hóa mặc, văn hóa giao tiếp mà còn chứa  đựng cả  tâm hồn, tính cách của phụ nữ Việt.

Áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt - ảnh 1
Ảnh: internet

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đến giờ, bà Huỳnh Thiện Kim Tuyến, Bí thư đầu tiên của Đoàn trường đại học Văn Khoa, nay là Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in những ngày bà khoác trên mình chiếc áo dài trắng tinh khôi đi vận động học sinh, sinh viên biểu tình, bãi khóa trong phong trào đấu tranh cách mạng của học sinh, sinh viên Sài Gòn những năm 1970. Với vóc dáng nhỏ nhắn, trong bộ trang phục áo dài thướt tha, duyên dáng, bà đã qua được nhiều vòng kiểm soát của cảnh sát để rải truyền đơn và thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường phố Sài Gòn.

Bà Huỳnh Thiện Kim Tuyến nhớ lại: Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là nữ sinh trường Gia Long, lên đại học Văn Khoa tôi đã phát động một phong trào mặc áo dài từ năm 1970 và phong trào mặc áo dài đó có những nét rất hay. Chiếc áo dài chính là thể hiện được bản lĩnh của người con gái Việt Nam. Thời đó có những bài thơ, những bài nhạc để ca ngợi phong trào mặc áo dài tại Đại học Văn Khoa.

Hình ảnh áo dài đã trở thành một trong những nét biểu tượng của phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên giá trị khi được chọn làm đồng phục cho nữ sinh nhiều trường trung học phổ thông, cho nữ công chức một số ngành. Là người thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều du khách trong và ngoài nước, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh luôn chọn áo dài là trang phục đi làm mỗi ngày. Bởi theo bà, trải qua bao giai đoạn lịch sử, chiếc áo dài luôn gắn bó thủy chung với người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài không chỉ tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ mà thông qua áo dài còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Trong những dịp đặc biệt, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chọn đồng phục cho nữ nhân viên là áo dài. Hơn nữa, tại đây, ngoài trưng bày những chứng tích, tội ác và hậu quả của cuộc chiến tranh, bảo tàng còn tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến áo dài như: triển lãm áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh, giao lưu với những nhân chứng mặc áo dài trong chiến tranh. Qua đó, những chiếc áo dài từ không gian của bảo tàng đã đi vào lòng khách tham quan bên cạnh những câu chuyện chiến tranh làm cho họ xúc động.

Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tiếp đón khoảng 700 ngàn lượt khách tham quan mỗi năm, chúng tôi sử dụng áo dài như một đồng phục dành cho hướng dẫn viên của bảo tàng. Nhất là ở bộ phận phục vụ trực tiếp đối với khách. Điều đó đã chinh phục được sự chú ý quan tâm của du khách rất nhiều, ngoài việc tham quan bảo tàng rất nhiều du khách đã mời chúng tôi chụp ảnh lưu niệm với họ như một đại sứ của văn hóa Việt Nam qua tà áo dài.

Áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt - ảnh 2
Ái Nhi, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2005 với trang phục áo dài - Ảnh: Hạo Nhiên/vnexpress.net

Trải qua những thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài đã qua nhiều biến đổi. Trong thập niên từ 1930 đến 1940, áo dài không có nhiều biến đổi trong cách may nhưng màu sắc của các loại vải dùng để may áo tươi sáng hơn. Năm 1939, áo dài được may với cổ áo rộng khoét hình trái tim hay cổ bẻ và thêm cái nơ ở trước cổ. Kiểu may chiết ở eo của chiếc áo bắt đầu từ những năm 1950 và đến những năm 1960, áo dài được thay đổi nhiều như gấu áo cắt ngang thẳng và dài đến gần mắt cá chân, cổ áo khoét tròn.

Đầu những năm 1970, áo dài mini xuất hiện với vạt áo may ngắn và hẹp, có khi đến đầu gối, áo may rộng và không chiết eo nhưng ngực và tay áo ôm hơn, quần khi đó được may rất dài, gấu rộng tới 60 cm. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết hiện nay, các nhà thiết kế áo dài luôn nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo ra những mẫu mốt mới cho trang phục này, không chỉ trên chất vải mà còn trên cả những hoa văn, đường nét: Tất cả mọi người đều có một định vị rất đơn giản rằng áo dài phải mỏng, nhẹ, bay, thướt tha. Nhưng không, áo dài được may với những chất liệu thô, chất liệu bố, thậm chí là những chất liệu tổng hợp thế hệ mới được in, được cắt bằng laser và chuyển tải nhiều kỹ thuật.

Chiếc áo dài được tôn vinh, góp phần tạo nên niềm tự hào cho người Việt ở bất cứ nơi đâu. Chiếc áo dài đã đi vào cuộc sống của từng gia đình, của từng cá nhân. Áo dài đã tôn vẻ đẹp người thiếu nữ với những đường cong quyến rũ, gợi cảm nhưng đầy kín đáo, thanh lịch, sang trọng./

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác