Bảo tàng chứng tích chiến tranh và khát vọng hòa bình

(VOV5)- Ở thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những điểm tham quan văn hoá nghệ thuật, còn có nhiều điểm du lịch tìm hiểu về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Một trong số đó là Bảo tàng chứng tích chiến tranh, một nốt trầm giữa lòng thành phố sôi động.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh và khát vọng hòa bình - ảnh 1

Bảo tàng chứng tích chiến tranh toạ lạc tại số 28 đường Võ Văn Tần, phường 6, là nơi trưng bày chứng tích chiến tranh của Pháp và Mỹ đối với nhân dân Việt nam trong 21 năm, từ 1954 đến 1975. Bảo tàng được thành lập ngày 4/9/1975, lúc đó gọi là Nhà trưng bày tội ác chiến tranh, sau được chính thức đổi tên thành Bảo tàng chứng tích chiến tranh như ngày nay. Năm 2002, Bảo tàng chứng tích chiến tranh được xây mới theo lối kiến trúc đặc trưng làm bảo tàng, đó là toà nhà có hình khối đặc, không gian rộng thuận tiện cho việc trưng bày hiện vật, tránh ánh sáng tự nhiên có thể làm hư hại đến các tài liệu, hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Với sự kết hợp giữa trưng bày các hiện vật và tổ chức các hoạt động đa dạng, Bảo tàng chứng tích chiến tranh ngày càng thu hút đông khách du lịch tới tham quan. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng, cho biết: “Hiện nay, bình quân mỗi ngày Bảo tàng đón chừng 2000 lượt khách tham quan. Khách tham quan chủ yếu là khách quốc tế, khách trong nước thường đến bảo tàng vào những ngày cuối tuần. Vào mùa hè khách tham quan bảo tàng đông hơn”

Bảo tàng chứng tích chiến tranh gồm 2 phần: khu trưng bày ngoài trời và trong nhà. Ngay từ cổng vào là khu trưng bày các loại vũ khí, các phương tiện quân sự của Mỹ gồm các loại máy bay phản lực, máy bay trinh sát, máy bay lên thẳng đổ bộ quân, các loại xe tăng, đạn pháo, bom mìn. Khu trưng bày trong nhà với hơn 15 nghìn hiện vật, hình ảnh cùng hàng nghìn mét phim tư liệu về 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, về chiến tranh biên giới Tây Nam, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Những hình ảnh tư liệu trong chiến tranh, điển hình như các vụ tàn sát dân thường, hình ảnh rải chất độc hóa học ở miền Nam, ném bom rải thảm phá hoại miền Bắc, các hiện vật như mô hình nhà tù “chuồng cọp”,  máy chém, các dụng cụ tra tấn…. thực sự gây ấn tượng, xúc động mạnh cho người xem

Tại Bảo tàng có phòng trưng bày đặc biệt mang tên “ Hồi niệm”. Đây cũng là phòng trưng bày thu hút rất đông khách tham quan, nhất là các vị khách quốc tế. Chị Thu Sương. hướng dẫn viên ở Bảo tàng, cho biết: “Phòng “Hồi niệm” này do 2 tác giả, một là người Anh và một là người Đức thực hiện với mục đích tưởng nhớ tới những người bạn của họ. Có hai bức ảnh làm cho người xem hiểu rõ ý chí, sức mạnh chính nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của người Việt nam. Khi người Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt nam họ sử dụng những phương tiện quân sự rất hiện đại như các loại máy bay chở quân. Còn quân đội Việt nam ở ngoài miền Bắc khi chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi bộ và vũ khí rất thô sơ. Những bức ảnh cho thấy quân đội Việt nam mặc dù trang bị thô sơ, nhưng cuối cùng vẫn giành thắng lợi”.

Bảo tàng còn có phòng trưng bày tranh thiếu nhi ở tầng 2 mang tên “ Bồ câu trắng”. Đây là nơi trưng bày những bức tranh do các em thiếu nhi vẽ với nhiều chủ đề về: tình yêu quê hương, đất nước, yêu ông bà, cha mẹ…Những bức tranh thể hiện ước mơ giản dị của trẻ thơ, được sống trong một đất nước hoà bình, được đi học, được làm những công việc yêu thích. Những bức vẽ sinh động, hồn nhiên của trẻ em, bên cạnh những hình ảnh đau buồn của chiến tranh càng làm cho du khách cảm nhận thêm về đau thương mất mát của chiến tranh và khát vọng hoà bình của người Việt nam. 

Khách đến tham quan Bảo tàng có đến 70% là người nước ngoài. Họ đến đây để tìm hiểu về các cuộc chiến tranh tại Việt Nam, hiểu thêm về những mất mát, sự hy sinh và cả những tổn thất không thể bù đắp với người dân Việt Nam. Cảm nhận chung của du khách là sự cảm thông và xúc động. Hàng chục cuốn sổ ghi cảm tưởng của du khách cũng là hiện vật hết sức quý báu và có ý nghĩa tại Bảo tàng. Trong số hàng nghìn dòng cảm xúc lưu lại tại bảo tàng, một vị khách đến từ Thuỵ sỹ viết: “Tôi đến từ đất nước tươi đẹp chưa bao giờ biết về chiến tranh, xin có ý kiến: Tất cả những nhà chính trị và nhà lãnh đạo đang dự định tiến hành cuộc chiến tranh và những người liên quan đến chiến tranh nên đến tham quan Bảo tàng này. Mong họ nên xem xét lại! Hòa bình, hòa  bình, hòa bình…”

Bảo tàng chứng tích chiến tranh là một trong 10 điểm tham quan tiêu biểu trong chương trình du lịch “ Thành phố Hồ Chí Minh 100 điều thú vị”. Đây cũng là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam được đưa vào hệ thống hơn 60 Bảo tàng vì hoà bình của tổ chức Văn hóa khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc. Bảo tàng chứng tích chiến tranh chính là nơi kêu gọi cho hòa bình thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác