Đền Tranh và câu chuyện về Thủy thần sông Tranh

(VOV5) - Hải Dương là vùng đất giàu truyền thống văn hoá lịch sử với nhiều di tích cùng các lễ hội mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng dân gian của vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Trong đó nổi bật là là di tích đền Tranh, ở huyện Ninh Giang, gắn với câu chuyện về Quan Lớn Tuần Tranh, vị thần sông Tranh. Đến với đền Tranh, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Việt, mà còn được biết về tín ngưỡng thờ Thủy thần của người dân nơi đây.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Đền Tranh còn có tên gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, thuộc thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang. Ngôi đền ngắn liền với sự tích Quan lớn Tuần Tranh, viên quan phủ Ninh Giang xưa. Chuyện kể rằng tại bến sông Tranh, có hai con rắn dữ thường  quấy phá cuộc sống người dân. Một hôm, chúng bắt đi người vợ xinh đẹp của quan. Vị quan này khởi kiện Long Vuong, người cai quản đại dương, sông suối. Rắn bị xử thua phải mang cả dòng họ dời đi nơi khác. Từ đó bến sông sóng yên nước lặng, nhân dân nhớ ơn vị quan phủ mà lập đền thờ, tôn là vị thần bảo vệ khúc sông, giúp dân buôn thuyền, bán bè, qua sông bình an, may mắn.

Đền Tranh và câu chuyện về Thủy thần sông Tranh - ảnh 1
Mái đền quan lớn Tuần Tranh


Đền Tranh được xây dựng trên nền một ngôi miếu cổ có từ thời Hùng Vương, miếu có tên là Tranh Giang Đại Vương cổ miếu, nằm ở bến sông Tranh, sát thị trấn Ninh Giang. Thời Nguyễn (thế kỷ 19) đền được xây dựng hoành tráng, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, với tượng Quan Lớn Tuần Tranh uy nghi. Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên (nay thuộc thị trấn Ninh Giang). Đến giữa thập kỷ 40 của thế kỷ XX, đền Tranh được tôn tạo với quy mô lớn cùng nhiều gian thờ khác nhau. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, đền được chuyển về phía bắc của thị trấn Ninh Giang cách đền cũ khoảng 300m, nay thuộc địa phận thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang. Ông Nguyễn Tất Trọng, Phó ban Quản lý di tích Đền Quan Lớn Tuần Tranh, cho biết: Các năm 1996, 2005, 2006 và 2008, đền Tranh được trùng tu, phục dựng lại gần như ban đầu với cổng tam quan, nhà bia, dãy nhà gỗ hai bên đền.... tạo thêm không gian khang trang, bề thế cho khu di tích: “ Là một ngôi đền cổ được xây dựng với cổng Tam quan, rồi ngôi tiền tế, trung từ và hậu cung. Tất cả công trình được xây dựng bằng gỗ, trạm khắc tinh vi theo phong cách thời Nguyễn (1802 đến 1945) và bên trái của khu di tích là khu nhà khách và hồ đá. Đền này đã di chuyển 3 lần kể từ ngày xây dựng nhưng điều quý nhất là người dân đã bảo tồn, giữ gìn được tất cả các hiện vật quý như tượng quan lớn, tượng tứ trụ”.

Đền Tranh và câu chuyện về Thủy thần sông Tranh - ảnh 2
Gian nhà hai bên chùa mới được phục dựng


Hàng năm, đền Tranh có hai kỳ lễ hội. Kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 10 đến 20 tháng 2 âm lịch, chính hội là ngày 14 tháng 2. Kỳ thứ hai là từ ngày mùng 20 đến 25 tháng 8, chính hội  là ngày 22 tháng 8. Trong dân gian truyền tụng là “đền thiêng lắm, linh ứng lắm, cầu gì được nấy” nên kỳ mở hội hằng năm, di khách trong nước và nước ngoài về trẩy hội rất đông. Ông Nguyễn Tất Trọng, Phó ban Quản lý di tích Đền Quan Lớn Tuần Tranh, cho biết:  “Ngoài hai lễ hội chính, vào tháng 5 âm lịch có một ngày đông du khách thập phương về với đền nhất là ngày “Tiệc quan tháng 5”. Tiệc quan tháng năm trong truyền thuyết là ngày Quan Lớn khao tiệc. Ngoài ra nhắc đến Quan Lớn Tuần Tranh là du khách nhắc đến hoạt động Hát xướng Hầu thánh. Hát xướng hầu Thánh đã có từ lâu đời và 36 giá hầu Thánh thì có 36 bài hát”.


Đền Tranh và câu chuyện về Thủy thần sông Tranh - ảnh 3
Gian nhà chính của đền Tranh


Nét đặc biệt ở các lễ hội của Đền Quan Lớn Tuần Tranh là giao thoa văn hóa với các hoạt động tín ngưỡng của đền Kỳ Cùng, Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, nơi Quan Lớn Tuần Tranh mất. Mỗi kỳ lễ hội ở huyện Ninh Giang hay ở Thành phố lạng Sơn, người dân cùng các đoàn nghệ thuật, đoàn hát xướng hầu Thánh, của hai địa phương đều tham gia. Ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng phòng văn hóa, thông tin huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, cho biết: “ Hai địa phương có quan hệ rất chặt chẽ. Chính sự kết nối này giúp không gian văn hóa được mở rộng và thông qua hoạt động lễ hội, nhân dân có thể hiểu thêm những nét đặc sắc của bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Du khách ở Lạng Sơn về với Ninh Giang, về với các lễ hội ở đây cũng hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của địa phương. Trong các hoạt động hội, chúng tôi luôn tổ chức các trò chơi dân gian gắn với Đền Quan Lớn Tuần Tranh trước đây như: vật dân tộc, chọi gà, thi pháo đất, kéo co…”



Đền Tranh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 2009. Những năm qua, huyện Ninh Giang luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đền Tranh cũng như các lễ hội. Qua đó tuyên truyền, quảng bá những nét đẹp truyền thống của vùng đất Ninh Giang và tỉnh Hải Dương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Phản hồi

Các tin/bài khác