Độc đáo dòng tranh làng Sình

(VOV5) - Hà Nội nổi tiếng với dòng tranh hàng Trống. Vùng Kinh Bắc nức tiếng với dòng tranh dân gian Đông Hồ. Còn ở dải đất miền Trung Thừa Thiên Huế, người dân gắn bó và quen thuộc với dòng tranh dân gian làng Sình, một dòng tranh mang yếu tố tâm linh đặc sắc. Những bức tranh được in mộc bản, mang đậm bản sắc tín ngưỡng đã trở nên gắn bó với người dân đất Cố đô từ bao đời nay. 

Độc đáo dòng tranh làng Sình - ảnh 1
Bộ tranh Bát Âm được sáng tác dựa trên nét cổ xưa của Tranh làng Sình


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Làng Sình hay còn gọi là làng Lại Ân thuộc xã Phú Mậu - huyện Phú Vang, cách thành phố Huế khoảng 9km về phía Đông. Trong số những làng tranh dân gian còn tồn tại đến ngày hôm nay, thì làng Sình là nơi có nghề làm tranh gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian hiện nay.  Khác với dòng tranh Đông Hồ có chủ đề phản ánh mọi mặt đời sống và tinh thần của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ với lối biểu đạt đời thường, thì tranh làng Sình chỉ phục vụ cho tín ngưỡng, thờ cúng. 


Ông Nguyễn Văn Tiên, người dân ở Thừa Thiên Huế, cho biết: "Người dân mua tranh làng Sình là để phục vụ cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân Huế. Do đó, người ta làm những tranh đó để mang về thờ là chính.  Tranh thờ đó được mua về rồi treo lên để thờ thì trong lòng họ mới thấy yên tâm. Bản thân họ thấy mình gần gũi với một thế giới thiêng liêng khác mà giữa hai thế giới đó có một đời sống hòa đồng và một có một sự chan hòa giữa hai thế giới đó".

Về đề tài tranh làng Sình chia làm ba thể loại chính là  tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh con vật. Tranh nhân vật thường là tranh thế mạng hoặc các tranh trang ông, trang bà, trang bếp, đó là những vị thần bổn mạng bảo trợ cho gia chủ. Loại tranh này thường được người dân mua mua về dán trên tường cuối năm mới đốt, còn tất cả tranh khác đều đốt cùng với vàng bạc hàng mã khi cúng xong. Tranh đồ vật là tranh in hình các loại áo quần, khí dụng như cung tên hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí. Tranh con vật là những bức in hình 12 con giáp cúng cho tuổi của mỗi gia chủ. Ngoài ra tranh in hình các loài gia súc trâu, bò, heo, ngựa treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh. Tranh in các linh thú như voi, cọp thì dùng dâng cúng ở miếu, cầu mong cho chúng không giáng họa cho con người. 


Độc đáo dòng tranh làng Sình - ảnh 2
Vẽ tranh cúng Tết


Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, nhà sưu tập tranh dân gian Việt Nam, cho biết: "
Tranh làng Sình bản chất là tranh đồ thế. Người dân trong miền trung có tập tục thờ bổn mạng. Cà người đàn ông và người đàn bà đều có thờ bổn mạng để đảm bảo cho cuộc sống an toàn cho mình. Tranh làng Sình gắn gần với yếu tố bản địa của người Việt. Khi di cư người dân đến một vùng đất mới khắc nghiệt mà khoa học kỹ thuật chưa phát triển thì người ta phải đặt niềm tin ở đối tượng thần. Những điều đó phản ánh trong tranh làng Sình".


Về kỹ thuật và chất liệu, tranh làng Sình cũng giống như đa phần các dòng tranh dân gian xưa, như Đông Hồ, Hàng trống với lối in tranh mộc bản. Bao gồm các công đoạn khá cầu kỳ: khắc bản gỗ, in tranh trên giấy điệp, rồi tô màu. Mỗi công đoạn này lại được hợp thành từ rất nhiều nguồn khác nhau. Màu in thì đa phần dùng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, sau đó quá một quá trình xử lý rất nghiêm ngặt để làm sao khi màu được tô lên tranh không bị phai. Việc lấy những nguyên liệu màu sắc này cũng có nét giống với tranh Đông Hồ, nhưng cũng bao hàm cả những sản vật địa phương, hoặc kinh nghiệm dân gian để có được những sắc thái khác nhau. Cách in màu của tranh làng Sình giống với tranh Hàng Trống là chỉ in một bản khắc nét đen, sau đó màu được tô vào các chi tiết. Chính đặc điểm này, khiến cho màu của tranh làng Sình, phải pha chế nhiều sắc hơn. 



Độc đáo dòng tranh làng Sình - ảnh 3
Không gian trưng bày sáng tác của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước


Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, cho biết: "
Nói về in tranh, làm tranh thì công đoạn khó nhất là qua nhiều công đoạn chế tác màu tự nhiên. Chủ đạo của tranh làng Sình có 5 màu. Trong 5 màu đó là làm 5 công đoạn. Mỗi màu vẽ mỗi một công đoạn. Vẽ xong màu này đợi khô mới vẽ sang màu khác. Hai công đoạn sau là xén giấy và in tranh. Mất 7 công đoạn mới xong một bức tranh".


Bút để vẽ tranh làng Sình là dùng bút chổi, đây là một trong những sản vật điạ phương. Bút được làm từ rễ gốc dứa, sau đó đem phơi và khoanh đầu lột vỏ để chừa phần ruột trong vừa đủ xơ, mềm để có thể ngấm mực phết màu như bút lông. Hiện nay, trong đời sống của người dân xứ Huế, tranh làng Sình vẫn có mặt như một phần không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh của nhiều gia đình.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác