"Gia đình, bạn bè và đất nước" - nhân chứng sống động về một thời lịch sử

(VOV5)- “Gia đình, bạn bè và đất nước” là tên hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris. Cuốn sách tái hiện cuộc đời của bà, một nhân chứng sống đã tham gia, chứng kiến những chuyển biến thăng trầm của lịch sử, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cả khi đã nghỉ hưu.

  

Bà Nguyễn Thị Bình đã chọn tên gọi cho cuốn hồi ký của mình thật bình dị, dễ hiểu: Gia đình, bạn bè và đất nước. Bà Bình bảo, đó chính là những nguồn gốc tạo nên sức mạnh đặc biệt trong bà. Từng trang hồi ký được thể hiện bằng chính ngôn từ giản dị, không triết lý cao siêu mà gần gũi, chân thành như cách bà thường tâm sự với người thân hằng ngày. Bà Bình cho biết đã dành nhiều thời gian để hoàn thành cuốn hồi kỳ này. “Trong quá trình hoạt động không có thời gian để ghi chép. Tôi không có cuốn sổ nào ghi chép các hoạt động của tôi. Ngay cả từ hội nghị Pari, tôi cũng không ghi chép gì. Vì vậy, tôi để thì giờ để nhớ lại những gì mình đã trải qua. Thứ 2, là 85 năm sinh ra và lớn lên và hoạt động, trong thời gian đó có quá nhiều sự kiện. Vì vậy nên nói những gì đây. Có khi viết rồi lại bỏ. Nếu tôi viết tất cả thì phải có 5 đến 7 cuốn như thế này. Tôi viết cuốn sách này mất vài năm. Hoàn thành vào năm 2009 nhưng tôi không biết có nên xuất bản hay không. Vào dịp sinh nhật 85 tuổi tôi nghĩ cho ra mắt là cần thiết rồi vì không biết mình còn sống được bao nhiêu năm nữa.”

 

Trước khi viết, bà Bình đắn đo có nên viết hay không. Trong lúc viết, bà đắn đo viết những gì. Viết xong, bà lại nghĩ liệu có nên xuất bản? Cuối cùng, cuốn hồi ký ra đời, với mục đích để lại những trải nghiệm và những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời sống cùng gia đình, bạn bè và hoạt động cách mạng. Bà nhận mình là người may mắn được sống trong những năm tháng gắn liền với những sự kiện lịch sử của quốc gia trong thế kỷ 20: “Cuốn sách này, qua những trang viết có nhiều xúc động vì nhớ lại cả thời kỳ sống với gia đình, bạn bè và hoạt động, có nhiều điều đáng nhớ lắm. Khi mà viết những kỷ niệm hình ảnh xa xưa, đặc biệt hình ảnh những người thân lại xuất hiện trước mắt tôi. Tôi thấy cuộc đời mình cũng may mắn gắn chặt với những sự kiện lịch sử quan trọng trong suốt thế kỷ 20. Đó là cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tôi may mắn hơn là sống được trong 30 thời kỳ năm sau hòa bình. Có thể nói tôi sống được qua 3 giai đoạn quan trọng trong cuộc sống.”

 
Bà Nguyễn Thị Bình và nhà văn Nguyên Ngọc tại buổi giới thiệu sách

Thay mặt những người thuộc cùng thế hệ, có người còn sống, có người đã khuất, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ những cảm xúc mạnh mẽ, sâu sắc của lớp thanh niên trong thời kỳ đấu tranh cách mạng. Từ những tình cảm mãnh liệt và đầy suy tư của lớp người trong thời đại đó, mà bà gọi là “những con người thần kỳ”, sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, chuyển tinh thần sôi sục vào thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay. Qua cuốn hồi ký, bà Bình cũng muốn nhắn nhủ: tinh thần đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh của mọi chiến thắng, dù ở bất cứ thời đại nào: “Tôi nghĩ bài học lớn nhất của nhân dân Việt Nam  là đoàn kết. Đoàn kết dân tộc vì mục tiêu chung. Đó là phương châm thắng lợi của quá khứ. Phương châm đó cũng là phương châm của sự thành công trong hiện tại và tương lai. Chúng ta có cơ sở tạo nên đại đoàn kết dân tộc. Tức là chúng tôi chung một cội nguồn, chung một mối an nguy và chung một tương lai huy hoàng cho đất nước. Để xây dựng đất nước Việt Nam  hùng mạnh, để chúng ta đủ sức bảo vệ đất nước...chúng ta phải có những con người mới, có nhân cách, lý tưởng và niềm tin. Chúng ta lại thu phục được lương tâm của nhân loại. ...chính đó là những điều tôi muốn gửi gắm qua cuốn hồi ký của mình.”

 

Những lời nói giản dị nhưng sâu lắng toát lên được tinh thần yêu nước tạo nên sức nặng trong từng câu, từng chữ trong cuốn hồi ký. Biên tập viên Nguyễn Phương Loan-NXB Tri Thức  đã tìm được cảm hứng của cuộc sống chỉ qua một câu nói của bà. “Trong cuốn sách này điều đọng lại với tôi, có ý nghĩa nhất đó là câu nói của bà, từ khi bà còn rất trẻ, trước năm 1948. Ở trang 42: Chị hỏi tôi nên làm gì cho kháng chiến. Tôi nói anh chị thấy điều gì có lợi cho kháng chiến thì nên làm, điều gì có hại thì không nên.Chỉ đơn giản vậy thôi mà chị cảm ơn tôi rối rít...Tại sao câu nói này lại gây ấn tượng mạnh với tôi? Chỉ vì câu nói này thôi tôi đã thấy sáng tỏ lên rất nhiều điều. Một người gần 30 tuổi như tôi thấy được điều gì có lợi cho đất nước thì ta nên làm mà điều gì có hại ta nên tránh. Ít nhất câu nói này đã truyền cảm hứng cho tôi”

 

Nhà văn Nguyên Ngọc, người làm việc cùng bà Bình trong suốt thời gian cuốn hồi ký hoàn thiện, cho biết qua hồi ký có thể nhận ra ở bà sự kết hợp đặc biệt giữa bình dân- tinh hoa, giản dị- sang trọng, mềm mại- kiên định. Người có sức trẻ tâm hồn và trí tuệ, do kết hợp kiên định và dám chấp nhận thay đổi, tiếp nhận cái mới. Cuốn hồi ký cũng gây sự tò mò ly kỳ cho người đọc. “Khi cầm cuốn sách này mọi người như có tâm lý như chờ đợi được biệt những chuyện ly kỳ về hội nghị Pari, là hội nghị rất gay go mà theo như mọi người nói đó là cuộc hội đàm dài nhất trong ngoại giao thế giới mà bà Nguyễn Thị Bình là một trong những người chủ chốt ở trong cuộc. Nếu điều đó mà chúng ta chờ đợi ở tác phẩm này thì không được thỏa mãn hoàn toàn. Nhưng theo tôi ở đây cũng có sự ly kỳ đấy là sự ky kỳ khác sâu sắc hơn đó là về con người, con đường, về những nguồn gốc đã tạo nên sức mạnh đặc biệt ở người phụ nữ nhỏ nhắn mà khiêm nhường này để bà có thể đóng một vai trò hiện đại trong lịch sử của đất nước.”

 

Ở tuổi 85, bà Nguyễn Thị Bình vẫn giữ được toàn bộ nhiệt huyết của một người gắn bó cả đời với cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Bà truyền lại cho thế hệ sau những bài học bằng chính cuộc đời và tinh thần cách mạng luôn trẻ, luôn mới, qua cuốn hồi ký Gia đình,  bạn bè và đất nước./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác