Hòn Đất- miền thương nhớ đậm tình đất tình người miền Tây

(VOV5) - Đến Kiên Giang một lần, du khách hẳn không thể quên khu di tích lịch sử Ba Hòn: Hòn Me, Hòn Đất, Hòn Sóc cùng với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác khắp vùng biển Kiên Lương, thuộc huyện Hòn Đất. Hòn Đất là địa danh đã thân quen với hàng triệu người Việt Nam qua tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Đức, đồng thời cũng là vùng đất nổi tiếng với nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam xưa. 

Hòn Đất- miền thương nhớ đậm tình đất tình người miền Tây - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Theo quốc lộ 80 về hướng Rạch Giá - Hà Tiên, qua thị trấn Hòn Đất, rẽ trái khoảng 13km đến Khu di tích lịch sử Hòn Đất, địa danh gắn với tên tuổi nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phan Thị Ràng (Tư Phùng), nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Đức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bà Võ Thị Kiểu Dung, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, cho biết: "Khách đến đây tham quan du lịch rất đông. Đến đây bà con đi thăm mộ chị Sứ nằm trong khuôn viên giữa hai ấp Hòn Đất, giáp với hòn Me. Sau đó du khách thường đi thăm hang Quân y, đặc biệt du khách đi lên thăm đài truyền hình. Lên trên đó nhìn xuống thấy tất cả các Hòn, nhìn bao quát hết cả cánh đồng phía dưới rất là đẹp. Trên đó có các nhà trưng bày chiến tích của người dân đã chiến đấu ở Hang Hòn và du khách còn tìm mua cho mình ít đồ lưu niệm của địa phương về làm quà".


Hòn Đất- miền thương nhớ đậm tình đất tình người miền Tây - ảnh 2
Khu mộ chị Phan Thị Ràng tại khu di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Ảnh: tuoitre.vn)


Điểm nhấn tại núi Hòn Đất là khu tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hệ thống hang. Huyện Hòn Đất còn có khu trưng bày hiện vật chứng tích chiến tranh, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, các hang động ở núi Hòn Me. Ở núi Hòn Quéo, có ngôi chùa Tam bảo kỳ viên tự, bên dưới là khu bãi đá bán sơn thủy…Ông Giang Quang, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất, cho biết: "
Là huyện trước đây bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ có sản xuất thuần nông. Du lịch ở đây có khu bà Hòn, có tiềm năng du lịch rất lớn. huyện đang kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp đầu tư, sẽ làm cáp treo, làm cụm du lịch gắn liền với khu Ba hòn, Kiên Lương- Rạch Giá. Đó là những thế mạnh của Hòn Đất. Khu di tích chị Sứ một ngày có khoảng 1000 lượt người vào thăm viếng".


Hòn Đất là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Hòn Đất mang trong mình những đặc điểm tự nhiên kì thú cùng những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi bước chân đến mảnh đất này. Điểm di tích tôn giáo độc đáo trong hành trình khám phá Hòn Đất chính là chùa Sóc Xoài tại khu phố Sơn Tiến, thị trấn Sóc Sơn. Đây là ngôi chùa được thành lập cuối thế kỉ 18. Chùa Sóc Xoài là ngôi chùa lớn nhất của người Khmer tại Hòn Đất và là 1 công trình kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.


Hòn Đất- miền thương nhớ đậm tình đất tình người miền Tây - ảnh 3
Kênh đào Rạch Giá - Hà Tiên, đoạn chảy qua thị trấn Hòn Đất (Ảnh: wikipedia.org)


Khu  di chỉ văn hóa Óc Eo ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất cũng là điểm đến hấp dẫn cho những ai đam mê nghiên cứu văn hóa. Theo các chuyên gia khảo cổ, Hòn Đất thuộc di chỉ của nền văn hoá Óc Eo niên đại 2000 Trước Công Nguyên, trung tâm văn minh của vương quốc Phù Nam thời đó. Ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh Kiên Giang, cho biết: "
Các hiện vật di chỉ cư trú đặc trưng ở đây là những cột nhà sàn. Điều này phản ánh cư dân Óc Eo họ sống chủ yếu trên nhà sàn, trên vùng đầm lầy của những vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Các hiện vật về di chỉ tôn giáo thì có các hiện vật thể hiện tín ngưỡng tâm linh. Đặc biệt của người Óc eo trong quá trình sinh sống thì họ tín ngưỡng tâm linh mang giá trị phồn thực. Đặc trưng về di chỉ mộ táng, các hiện vật phản ánh tục người chết ở đây là sau khi chết thì hỏa táng. Tro cốt được đặt trong cái vò và có kèm theo các hiện vật như vòng đeo đá quý, có ý nghĩa phản ánh quá trình sinh sống và kỹ thuật chế tác của cư dân Óc Eo phát triển mạnh".


Không phải ngẫu nhiên, huyện Hòn Đất được gọi là xứ ba hòn: Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo, nằm sát nhau trên dải đất liền gần bờ biển. Ngày nay, khu di tích Hòn Đất không chỉ là địa chỉ du lịch hấp dẫn bởi hệ thống hang động, mà còn ẩn chứa niềm tự hào về truyền thống yêu nước và giá trị văn hóa của người dân ở vùng Tây Nam Tổ quốc. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác