Làng cổ Phước Tích nơi ẩn chứa vẻ đẹp Huế

(VOV5)- Làng cổ Phước Tích cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km về phía bắc nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hoà bốn mùa trong xanh. Chỉ cách quốc lộ 1A ồn ào chưa đầy 1km, bước chân vào làng Phước Tích là cả một không gian cổ kính và yên tĩnh. Bước đi trên con đường lát gạch ở Phước Tích sẽ đem lại cho du khách cảm giác yên bình đến lạ kỳ.   


Làng cổ Phước Tích nơi ẩn chứa vẻ đẹp Huế - ảnh 1
Đường làng - Làng cổ Phước Tích

Đến làng Phước Tích, du khách như lạc vào không gian xanh của những khu vườn và  vô số cây cổ thụ nhuốm màu cổ tích. Ngay đầu làng là cây thị cổ thụ trên 500 năm tuổi, gốc cây to hai người ôm không xuể. Cây hoàng lan trên 100 năm tuổi trước ngôi nhà trong làng vẫn nở hoa đúng mùa thơm mát cả vùng quê. Rồi những cây mai, tùng, mít, bồ quân, trần bì, bàng, bẹ… cổ thụ đổ bóng xuống làng đã hàng trăm năm nay vẫn được người dân giữ gìn như tài sản vô giá của cộng đồng dân cư Phước Tích. Bà Bùi Thị Hải Quyên Công ty du lịch Quê Hương, cho biết đến Phước Tích du khách dường như lạc vào một thế giới khác: “Trước tiên khách được đi dạo quanh làng để lắng nghe tiếng gà gáy vào buổi sáng, họ ngửi mùi củi cháy. Đó là điều xa lạ với họ. Họ đi bộ quanh làng thấy những con đường rất đẹp. Họ xem những ngôi nhà cổ để xem kiến trúc. Họ cảm nhận cuộc sống yên bình của người dân. Họ xa rời cái ồn ào của đô thị. Tới lò gốm, ăn ở nhà cổ. Ăn đặc sản dân dã của địa phương do chính những người phụ nữ ở đây nấu".

Những du khách lần đầu đến với làng Phước Tích đều ngạc nhiên khi bắt gặp một ngôi làng Việt cổ, nơi có hàng chục ngôi nhà rường cổ tồn tại còn gần như nguyên vẹn Cả làng hiện vẫn còn hơn 30 ngôi nhà rường tuổi ngoài trăm năm, tập trung nhiều nhất ở xóm Đình với 20 nhà rường. Có nhiều làng ở xứ Huế vốn nổi tiếng với nhà rường như Kim Long, Nguyệt Biều, Lại Thế, Bàn Môn, Nam Phổ Cần, Tế Xuân, Mỹ Lợi... nhưng không đâu mật độ nhà rường cổ dày đặc như ở Phước Tích. Một nét đặc trưng khác ở Phước Tích là cấu trúc nhà vườn được ngăn cách bởi những hàng chè tàu xanh thẳng tắp. Người Phước Tích trồng tàu xanh để ngăn cách giữa các ngôi nhà vườn cổ với nhau nhưng từ nhà này có thể nhìn sang được nhà bên. Ông Lê Trọng Diễn, chủ nhân một ngôi nhà cổ trong làng Phước Tích, cho biết không chỉ kiến trúc độc đáo của ngôi nhà mà những khu vườn cũng là điều hấp dẫn du khách: “Dân Phước Tích rất mến khách và họ muốn quảng bá cho tất cả mọi người những điều mà ở làng khác không có. Không chỉ có gốm mà vườn, cây cối, cách sống của người Phước Tích cũng khác mà người dân muốn quảng bá làng Phước Tích. Đó là ước nguyện của chúng tôi".

Đến Phước Tích du khách còn được xem các nghệ nhân gốm trình diễn các công đoạn để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Nghề gốm ở Phước Tích vẫn được truyền lại cho con cháu và biểu diễn cho du khách xem. Người dân làng Phước Tích  luôn trân trọng gìn giữ những dấu tích các lò gốm xưa. Họ dành riêng một cồn đất gọi là cồn Trèng để cất giữ những mảnh gốm cũ như một Bảo tàng truyền thống của làng. Bà Lương Thị Bê một trong những thợ gốm cao tuổi còn lại của làng cho biết: “Lúc xưa làm đủ các đồ, hồi đó bán đắt lắm. Hàng ra lò ra bán không xuể. Làng giàu có, nhà cửa xây dựng nhiều, con cái học hành đầu cuối. Những năm 1940  người làng Phước Tích đã làm gốm rồi khi đó tôi còn nhỏ nhưng năm 1975 tôi mới làm. Hồi trước nhà rường, nhà cổ cũng do gốm mà ra. Gốm bán đắt lắm".

Đến thăm làng cổ Phước Tích, du khách còn được chiêm ngưỡng tài nghệ khéo léo và thưởng thức những món ăn ngon, các loại bánh được làm từ bàn tay của những người phụ nữ nơi đây. Bà Nguyễn Thị Thùy cho biết phụ nữ  trong làng đã thành lập câu lạc bộ ẩm thực để nấu nướng phục vụ du khách đến tham quan: “Ở đây có món vả trộn, thịt heo ăn mắm tôm, bánh bèo, bánh lọc, các thứ bánh của quê hương. Hội phụ nữ có trên 70 người thì có 16 người tham gia. Mọi người chung tay cùng làm món ăn cho du khách. Có khách tới đặt thì chị em tham gia để làm. Đông người thì mình phân công ra để nấu ăn. Cũng mong muốn tạo được công ăn việc làm cho chị em trong làng".

Để nấu những món ăn truyền thống của làng như món cơm gỏi, khế xâm, các món vả, canh hầm, chị em còn được các bậc cao niên trong làng hướng dẫn và truyền cho bí quyết nấu ngon. Những món ăn do chính tay các bà, các mẹ ở làng cổ Phước Tích chế biến không chỉ khiến người sành ăn tấm tắc vì mang trọn vẹn nét tinh tế của ẩm thực xứ Huế, mà còn gợi nhớ không gian làng quê xa xưa.

Phản hồi

Các tin/bài khác