Nhà giáo nhân dân Lâm Es học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

(VOV5) - Đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng rất tự hào về Nhà giáo nhân dân Lâm Es, người thầy mẫu mực, cả đời chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Ông là nhà giáo đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Nghe âm thanh tại đây:


Nhà giáo Lâm Es sinh năm 1940 ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ông mồ côi cha từ nhỏ, gia đình lại nghèo khó. Họ hàng, anh em bị dịch bệnh, không có điều kiện chữa chạy nên đã mất dần. Mẹ Lâm Es gửi ông lên chùa Đại Tâm học chữ, học kinh Phật. Hoàn cảnh khó khăn nhưng Lâm Es học rất chăm và giỏi. Hết lớp 5, ông giành được học bổng vào trường danh tiếng Trung học đệ nhất cấp Khai Trí ở thị xã Sóc Trăng. Hết lớp 9, Lâm Es quay về chùa Đại Tâm, nối bước thầy của mình, trở thành giáo viên dạy miễn phí cho học sinh nghèo và cũng bắt đầu con đường tự học. Lâm Es cho biết việc dạy học vừa củng cố kiến thức đã có vừa đặt ra những yêu cầu mới để mình tự học. Ông bắt đầu học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp và cũng dạy cho học trò. Chùa Đại Tâm thời ấy là ngôi chùa đầu tiên có các lớp học miễn phí dạy cả tiếng Việt, tiếng Khmer và ngoại ngữ Anh, Pháp. Lâm Es coi chuyện học ở người giỏi hơn để truyền cho người chưa biết là trách nhiệm và niềm vui lớn nhất trong cuộc sống: “Phải học từ nhân dân mà ra, từ ông lão từng trải, từ ông sư có kinh nghiệm rồi dạy làm sao cho mọi người dễ hiểu, dễ nhớ. Tôi dạy từ năm 1971 thực hiện xóa mù chữ, xóa mù chữ Khmer mà vận dụng cả xóa mù chữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp luôn.”

 

Nhà giáo nhân dân Lâm Es học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - ảnh 1


Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền khuyến khích nhân dân học tập, Lâm Es có điều kiện và càng quyết tâm học tiếp. Là thầy giáo trẻ nhưng có uy tín ở địa phương, ông được cử vào công tác ở Sở Giáo dục tỉnh Hậu Giang. Vừa làm, ông vừa hoàn thành bậc học phổ thông, rồi học đại học; đồng thời tập hợp tư liệu, kinh nghiệm giảng dạy để hệ thống thành sách hướng dẫn dạy tiếng Khmer cho các cán bộ trẻ. Từ năm 1992, ông giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Sóc Trăng nhưng vẫn miệt mài với công việc hoàn thiện bộ sách Giáo khoa tiếng Khmer. Công trình được Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa vào giảng dạy cho học sinh Khmer Nam bộ ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Với nhiều nỗ lực, năm 2002, Lâm Es vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2003, ông nghỉ hưu nhưng vẫn cống hiến cho ngành Giáo dục với cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng. Ông Lý Rô Tha, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh đang đề nghị Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho thầy Lâm Es:"Vừa rồi, tỉnh Sóc Trăng cũng bình chọn thầy để Nhà nước xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho thầy vì thầy có Bộ sách đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer và bộ sách cho các em học từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở. Trong thời gian giữ chức vị Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, thầy cũng vận động các Mạnh Thường quân hỗ trợ cho các  cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tiếp sức cho các em học tập đạt kết quả tốt."

Câu chuyện học suốt đời của Nhà giáo nhân dân Lâm Es được ông lý giải thật đơn giản. Đó là vì ông khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đây là động lực của sự phát triển, đưa đất nước tiến tới giàu mạnh. Nhà giáo Lâm Es chia sẻ:“Tôi hy vọng toàn Đảng, toàn dân tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Như tôi có cách học của tôi: học để làm người, học làm công dân. Còn sống, tôi còn tiếp tục học, tiếp tục làm nữa.”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, nhà giáo nhân dân Lâm Es luôn nỗ lực học tập suốt đời, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác