Những cửa ô Hà Nội

(VOV5)- Mọi người dân Việt nam hẳn vẫn nhớ ca từ trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sỹ Văn Cao: “ Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về,  như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh ”. Lời bài hát gợi nhớ hình ảnh năm cửa ô Hà Nội đón mừng đoàn quân tiến về trong ngày giải phóng thủ đô cách đây 60 năm về trước. Cửa ô Hà Nội không chỉ là công trình mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc mà còn in đậm dấu ấn lịch sử của Hà Nội xưa.

Những cửa ô Hà Nội  - ảnh 1
Những ô cửa xanh nhuốm màu xưa cũ, như một nét hoài niệm về một Hà Nội không còn trẻ. Ảnh: Cao Anh Tuấn/Ngoisao.net

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong ca dao cổ về Hà Nội từng viết :“ Xung quanh bao bọc kín thay, đất cao thành luỹ, cửa xây nên tường...”. Theo các tư liệu cũ, cửa ô chính là cửa xẻ qua tường thành đất ngoài cùng bao bọc lấy kinh thành Thăng Long. Thời đó, mỗi cửa ô đều được xây dựng hình vuông, nên người dân gọi là các cửa ô. Trước đây, cửa ô là nơi được canh phòng cẩn mật, ngày mở, đêm đóng và có rào, có lính tuần đi canh phòng nhằm ngăn ngừa đạo chích, báo động hỏa hoạn.  Theo sử sách ghi lại, vào đời vua Lê Hiến Tông (1740 -1786), thì kinh thành Thăng Long có tới 16 cửa ô. Đến đầu thế kỷ 20 chỉ còn thấy nhắc đến tên của 5 cửa ô là: ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác và ô Quan Chưởng.  

Những cửa ô Hà Nội  - ảnh 2



Qua bao biến động của lịch sử, các cuộc chiến tranh liên miên đã xoá đi nhiều cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa. Tuy nhiên, tên các cửa ô cho đến nay vẫn hiện hữu, trở thành tên địa danh, phố phường của thủ đô như: Quận Cầu Giấy, Phường Ô Đống Mác, Phường Ô Cầu Dền, Phường Ô Chợ Dừa…Và Hà Nội ngày nay vẫn còn giữ được một cửa ô duy nhất, đó là Ô Quan Chưởng. Công trình kiến trúc này được các nhà nghiên cứu xác định là cửa ô mở qua tường thành phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Di tích Ô Quan Chưởng ngày nay nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đi từ xa đã có thể thấy đoạn tường và cổng cửa ô rêu phong cổ kính. Trên cổng còn ghi dòng chữ : “ Đông Hà Môn” nghĩa là cửa Đông Hà, nhưng dân gian vẫn gọi đây là Ô Quan Chưởng. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “ Có lẽ đây là nơi duy nhất còn giữ lại được nét kiến trúc và ở đây vẫn còn một tấm bia thời Nhà Nguyễn thế kỷ 19, trên bia có  quy định: việc canh gác phải cẩn mật, nhưng không được gây phiền nhiễu cho dân. Điều này cho thấy cách quản lý, cách hành xử với dân của người xưa. Còn tại sao lại có tên ô Quan Chưởng? có lẽ hồi xưa đây là khu vực được canh phòng cẩn mật, liên qun tới một ông quan chưởng vệ đã được cử ra đây để cai quản, được dân tín nhiệm, nên gọi luôn tên cửa ô là ô Quan Chưởng”

Những cửa ô Hà Nội  - ảnh 3
Ô Quan Chưởng xưa

 Cũng có nguồn sử liệu khẳng định: người dân gọi là Ô Quan Chưởng là để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của viên quan Chưởng Cơ chỉ huy vệ binh đã cùng với khoảng 100 binh lính nhà Nguyễn anh dũng chiến đấu chống quân Pháp khi chúng đánh vào thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) qua cửa ô Đông Hà.  

 Cửa ô Quan Chưởng được thiết kế theo kiểu vọng lâu, một kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nhà Nguyễn. Công trình cổng chính gồm 2 tầng: Tầng dưới có 3 cửa, một cửa nằm chính giữa, cao, rộng và hai cửa phụ nằm ở hai bên. Cả ba cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Tầng trên có vọng lâu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí phía trên nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Ngày xưa, lính tuần thường đứng trên vọng lâu để quan sát xung quanh. Trải qua bao thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó như một trang sử mở giữa lòng Hà Nội, trở thành niềm tự hào của người dân thủ đô. Ông Trương Văn Khánh, một người dân sống ở gần Ô Quang Chưởng, tâm sự: “Người dân khu phố chúng tôi  rất vinh hạnh có được công trình Ô Quan Chưởng vì nó tồn tại từ nhiều thế kỷ nay. Chúng tôi mong di tích này được trùng tu để công trình này còn tồn tại, để khi mà khách du lịch, rồi con cháu sau này đến đây thăm, nhìn thấy nó là thấy được truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của dân tộc mình” 

Những cửa ô Hà Nội  - ảnh 4
Ô Quan Chưởng hôm nay

Công trình Ô Quan Chưởng đã từng được trùng tu, sửa chữa hai lần, đó là vào năm vua Gia Long thứ 3 (1804) và sửa chữa thêm lần nữa vào năm Gia Long thứ 16 (1817). Năm 1994 Ô Quan Chưởng Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử và năm 2010, di tích Ô Quang Chưởng tiếp tục được trùng tu để giữ gìn vẻ nguyên trạng vốn có. Với người dân Hà Nội, di tích Ô Quan Chưởng không chỉ là một cột mốc của thành Thăng Long xưa, mà còn là biểu tượng của tinh thần quật cường chống xâm lược. Cùng với thời gian, các cửa ô Hà Nội vẫn sống mãi trong tâm thức người Việt Nam, trong văn học, nghệ thuật, trong sử sách./.

Phản hồi

Các tin/bài khác