Phường múa rồi nước Hồng Phong – Nơi những người nông dân cũng là nghệ sỹ

(VOV5) - Nghệ thuật múa rối nước là loại hình văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam. Thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, là một trong những nơi nơi nuôi dưỡng loại hình nghệ thuật dân gian này.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Hồng Phong là xã nằm ở phía Tây Nam huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Theo những người cao tuổi nhất của thôn Bồ Dương, rối nước đã có ở đây từ rất lâu và khó ước đoán được thời điểm chính xác. Tuy nhiên qua niên đại xây dựng đình làng cùng những hình ảnh chạm khắc tại đình làng Bồ Dương như: chú tễu, múa cô tiên, chú tễu vuốt râu rồng, đô vật, sóc leo cây... thì có thể dự đoán múa rối nước ở Bồ Dương ra đời khoảng trước thế kỷ 17. Trước cửa đình làng có một chiếc ao nhỏ, là nơi để biểu diễn múa rối nước. Người tạo ra các con rối với đầy đủ mọi cảm xúc này chính là những người thợ mộc ở Bồ Dương. Ông Phạm Văn Tòng, Trưởng phường múa rối nước xã Hồng Phong, cho biết: Sau những năm tháng bị gián đoạn do chiến tranh và do điều kiện kinh tế khó khăn, đến năm 1989, phường rối Hồng Phong được khôi phục: Sau nhiều năm thăng trầm của lịch sử, phường mùa rối nước thành lập rồi lại giải tán do chiến tranh. Tuy nhiên gần 30 năm qua, những người con quê hương tìm lại và phục dựng lại phường múa rối nước Lúc mới gây dựng lại, cơ sở hạ tầng rất khó khăn. Kinh phí thiếu nhưng được sự ủng hộ của Ủy ban xã, các mạnh thường quân, từ đó người trong phường rối đục, tạc lại các con rối, tự bỏ ngày công làm nên các con rối, đồng thời tái hiện các tích, các trò rối ngày xưa của cha ông.


Phường múa rồi nước Hồng Phong – Nơi những người nông dân cũng là nghệ sỹ - ảnh 1
Thủy Đình của làng múa rối nước Hồng Phong

Trong những năm qua, phường rối Hồng Phong đã được tỉnh Hải Dương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư trang thiết bị, xây dựng thủy đình biểu diễn rối nước. Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây tặng Nhà lưu, niệm trưng bày rối nước với mong muốn tăng cường phát triển du lịch ở địa phương. Ông Phạm Văn Tòng cho biết thêm: Lúc đầu phường múa rối có trên 30 người, người già nhất 75 tuổi. Hiện nay phường có 16 người, trong đó nhiều thành viên cao tuổi làm công tác cố vấn, hỗ trợ cho phường. Nhiều năm nay, phường múa rối phát triển mạnh mẽ và được các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm, giúp đỡ.

Phường múa rồi nước Hồng Phong – Nơi những người nông dân cũng là nghệ sỹ - ảnh 2
Những con rối đều do nghệ nhân Hồng Phong làm ra

Điểm đặc sắc của rối nước Hồng Phong là cách điều khiển con rối. Trong khi nhiều phường rối khác điều khiển con rối bằng hệ thống sào hoặc sào kết hợp với dây thì những nghệ nhân ở Hồng Phong điều khiển con rối hoàn toàn bằng hệ thống dây. Sự phức tạp và bí quyết nằm ở cách bố trí hệ thống dây sao cho có thể điều khiển được con rối có những cử động rất phức tạp, sinh động và có thể chạy ra rất xa. Ông Nguyễn Văn Trương, Phó Trưởng phường múa rối nước xã Hồng Phong, chia sẻ: Những con rối đa phần do cac cụ cao tuổi trong phương tự làm, còn những con rối quá tinh xảo chúng tôi mới đặt các nghệ nhân khác. Chúng tôi rất tự hào bởi không phải là những nghệ sỹ chuyên nghiệp, thế nhưng chúng tôi lại làm được những việc mà ngỡ như không làm được. Sáng ra đồng, chân vẫn còn lấm bùn, nhưng đến trưa, đến chiều lại là người nghệ sỹ múa rối nước, biểu diễn cho khách du lịch. Những khác du lịch đến đây rất thích điều này.


Phường múa rồi nước Hồng Phong – Nơi những người nông dân cũng là nghệ sỹ - ảnh 3
Những nhân vật múa rối trưng bày tại nhà trưng bày phường múa rối


Năm 1994, tại Liên hoan Múa rối nước toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, Phường múa rối nước Hồng Phong đã giành Huy chương vàng với tích trò “Tiếng trống Hạ Hồng Châu. Tiếp nối thành công, những nghệ sỹ nông dân của xã Hồng Phong đã mang loại hình văn hóa đặc sắc này đến với Festival Huế 2004 và tham gia nhiều sự kiện văn hóa khắp cả nước. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Phường múa rối Hồng Phong có khoảng 25-30 suất diễn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Ông Vũ Văn Doãn, 79 tuổi, thành viên phường múa rối nước xã Hồng Phong, cho biết: Đến nay chúng tôi đã phục dựng được hết các trò, duy trì và phát triển thêm nhiều trò mới. Chúng tôi tham gia rất nhiệt tình, không kể ngày đêm. Lúc khôi phục nghề, anh em chúng tôi không màng tiền bạc, làm quên ăn. Từ việc lấy gỗ cây sung đến lúc làm con rối, đều tự tay làm, không nề hà điều gì. Chúng tôi làm là để giữ lại tinh hoa của cha ông ngày xưa. Chúng tôi nghĩ nhiều nơi không có trò này, mà địa phương từ xưa đã có, thì phải đồng tâm giữ lại, phục dựng lại nghề cổ truyền của ông cha.


Đến thăm xã Hồng Phong, du khách trong và ngoài nước sẽ có dịp được hòa mình vào không khí tưng bừng, nhộn nhịp của những tiết mục múa rối cổ truyền như ‘Vinh quy bái tổ,’ ‘Cắm cờ hội,’ ‘Tiên mời trầu’ hay  như ‘Đấu vật,’ ‘Múa rắn,’ ‘Chọi trâu’… Hiện nay, ngoài việc tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ du khách, các bậc cao niên ở Hồng Phong đã, đang tổ chức các lớp học về rối nước cho thế hệ trẻ trong làng nhằm giữ lại tinh hoa của môn nghệ thuật này cho thế hệ mai sau.

Phản hồi

Các tin/bài khác