Quần thể chùa Bái Đính - địa điểm du lịch tâm linh tại Ninh Bình

(VOV5) - Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía Tây của khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội hơn 95km về phía Nam. Quần thể chùa Bái Đính là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là quần thể chùa được xác nhận nhiều kỷ lục Việt Nam và khu vực.

Quần thể chùa Bái Đính - địa điểm du lịch tâm linh tại Ninh Bình - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Quần thể chùa Bái Đính bao gồm khu Bái Đính cổ tự (chùa Bái Đính cổ) và Bái Đính tân tự (chùa Bái Đính mới). Trong tên gọi Bái Đính, "Bái" có nghĩa là lễ bái, còn "Đính" nghĩa là đỉnh, Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Phật thánh ở trên cao. Quần thể chùa Bái Đính được xây dựng trên vùng đất phía Tây kinh thành Hoa Lư và kề cận với cố đô Hoa Lư.

Bái Đính cổ tự nằm trên núi Đính, cao 187m, được xây dựng cách đây hơn 1000 năm. Bước qua hơn 300 bậc đá bằng phẳng xếp chồng lên nhau, qua cánh cổng tam quan lưng chừng núi là đến trung tâm chùa Bái Đính cổ. Khu chùa này quay hướng chính Tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, bên phải là hang Sáng thờ Phật và thần Cao Sơn, bên trái là động Tối thờ Mẫu và Tiên. Chùa được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa nằm trong hang động khá phổ biến ở Việt Nam. Chị Đỗ Ngọc Ánh, hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu: "Phía trên cửa hang Sáng có 4 đại tự "Minh Đỉnh Danh Lam" khắc trên đá do vua Lê Thánh Tông ban tặng có nghĩa là “Lưu danh thơm cảnh đẹp” để ca ngợi chốn này. Nơi đây, trần hang động như là những mái chùa kiên cố, che chắn chốn thiêng ngự trị của Phật, của Mẫu. Ban thờ trong hang theo cách bài trí thông thường của ngôi chùa cổ Việt Nam với tượng Tam Thế, tượng Thích Ca, tượng Quan Âm".

Đặc biệt, cuối động Sáng xuất hiện một cửa hang sáng và rộng, đứng từ đây phóng tầm mắt ra xa có thể thấy một vùng thung lũng xanh hiện ra.

Sau khi chiêm bái, thăm Bái Đính cổ tự, du khách đi theo một lối đi nhỏ vòng qua triền núi dài chừng 1 km tới khuôn viên Bái Đính tân tự. Ngôi chùa mới tọa lạc trên triền đồi Ba Rau huyền thoại dưới chân núi Đính, ngọn núi cao nhất hùng vĩ nhất trong vùng. Phía trước chùa được các ngọn núi hùng vĩ núi quây quần ôm lấy tạo như hình chữ Tâm. Vị trí chùa cũng được đặt theo thuyết phong thủy cổ, tiền thủy hậu sơn, phía trước là hồ Đàm Thị và sông Hoàng Long. Gây ấn tượng với nhiều du khách là 500 pho tượng La Hán được đặt dọc hai bên hành lang dẫn từ Tam quan lên Tam thế điện. Hai dãy hành lang này có chiều dài mỗi dãy khoảng 1700m, được xây dựng tượng trưng cho con đường đến với Phật pháp của các vị La Hán. Đây được xác nhận là con đường La Hán dài nhất châu Á. Chị Đỗ Ngọc Ánh giải thích: "Tượng các vị La Hán được làm hoàn toàn bằng loại đá xanh đặc biệt, do chính bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc đá của Ninh Bình chế tác nên. Mỗi tượng cao 2 -2,5m nặng 2- 2,5 tấn. Những vị La Hán được đặt ở hai bên với ý nghĩa luôn luôn gần gũi, dìu dắt và giáo dưỡng chúng sinh. Mỗi tượng bộc lộ một hình dáng, thần thái khác nhau thể hiện triết lý đạo giáo với những hỉ, nộ, ái, ố trong đời sống thường nhật của con người. Dưới mỗi bức tượng đều có tên của vị La Hán để mọi người được biết."

Kiến trúc công trình này được bố trí trải dài từ dưới lên trên, bắt đầu từ Tam quan ngoại, Tam quan nội, rồi đến gác Chuông, điện Quan thế âm Bồ Tát, điện đức Phật Tổ. Khu tháp Chuông nằm phía sau cổng Tam quan ngoại, cao 3 tầng, có hình bát giác. Tháp Chuông này treo quả chuông nặng 36 tấn, được xác nhận là quả chuông đồng lớn nhất Việt Nam. Phía dưới quả chuông đồng có chiếc trống đồng nặng 70 tấn. Người dân địa phương cho rằng tiếng chuông chùa vang xa đến đâu tức là đức Phật phổ độ chúng sinh tới đó.

Hành lang La Hán tiếp tục dẫn lối du khách lên điện Quan Thế Âm, điện Pháp Chủ. Tại hai nơi thờ tự này có tư­ợng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt được đúc bằng đồng, là pho t­ượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam và pho t­ượng Phật Pháp Chủ bằng đồng được xác nhận kỷ lục "Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam". Tọa lạc trên đồi cao là điện Tam thế, là một tòa nhà cao, rộng, đồ sộ, hoành tráng nhất ở khu vực chùa Bái Đính. Anh Vũ Anh Quân, ở Đà Lạt, bất ngờ trước sự bề thế của 3 pho tượng Phật trong Tam thế điện: "Tôi đã thấy các tượng này trên tivi, thấy cao lớn, đồ sộ lắm. Vậy mà đến đây tận mắt nhìn thấy còn hoành tráng hơn mình tưởng tượng. Ba vị Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, tương lai này được dát vàng, trong lại càng uy nghi, lộng lẫy. Công trình này xứng đáng đạt kỷ lục tượng Tam thế lớn nhất Việt Nam".

Hàng năm, cứ vào ngày hội chính mùng 6 tháng Giêng âm lịch, quần thể chùa Bái Đính lại đón hàng vạn du khách gần xa tới đây, trước là để chiêm phái Phật, sau là tham quan cảnh quan hùng vĩ. Phật tử Lại Ngọc Ngà chia sẻ: "Năm nào tôi cũng về đây lễ. Về đất Phật nên đi cả mấy cây số mà cũng không thấy mệt. Ở đây rất linh thiêng. Tôi thường cầu cho gia đình luôn mạnh khỏe, gặp mọi điều an lành. Cứ về đây là thấy khỏe ra hẳn".           

Nằm trong tuyến du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình: Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương... quần thể chùa Bái Đính là một địa danh du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh hấp dẫn. Giữa vùng núi non hùng vĩ, giữa sự linh thiêng nơi đất Phật, mỗi người như được tĩnh tâm lại sau những xô bồ của cuộc mưu sinh, thành tâm hướng Phật, hướng tới những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác