Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một đời nghiên cứu về biển đảo Việt Nam

(VOV5) - Cách đây hơn 40 năm, có một thầy giáo đã bắt đầu một việc làm thầm lặng và có ý nghĩa trong cuộc đời mình, đó là tìm hiểu lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Công việc này đến nay đã góp phần quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông là tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một đời nghiên cứu về biển đảo Việt Nam - ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Nhã với chiếc ghe bầu mô hình mà các đội dân binh được triều đình cử đi quản lý khai thác Hoàng Sa thế kỷ 19. Ảnh: N.A.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Tuy đã cao tuổi, lại bận rộn nhiều việc, nhưng khi nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sĩ Nguyễn Nhã vẫn nói chuyện say sưa, quên cả thời gian. Ông tâm sự: tháng 01/1974, Trung Quốc tiến hành đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khi ấy ông đang làm chủ biên Tập san Sử Địa thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn, tập san chuyên ngành khá uy tín thời bấy giờ. Với trách nhiệm của một người cầm bút, ông đã quyết định ra số chuyên khảo về quần đảo Hoàng Sa để tìm hiểu đâu là sự thật. Hơn nữa, trách nhiệm của một công dân đối với đất nước đã thôi thúc ông phải công khai sự thật. Một năm sau đó, ông đã tổ chức một cuộc triển lãm, kỷ niệm một năm ngày biến cố Hoàng Sa, trưng bày tất cả tài liệu, hình ảnh thể hiện chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.

Không dừng ở đó, từ năm 1975 cho đến nay, ông vẫn không ngừng tìm tòi nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa. Ông đã lặn lội theo dấu tích của những gì liên quan đến quần đảo Hoàng Sa còn sót lại. Ông đã đi qua nhiều vùng đất như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kiên Giang…và ra đến tận đảo Lý Sơn, cù lao Ré trong thư tịch cổ, để tìm dấu vết khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Sự kiên trì của ông đã được bạn bè , đồng nghiệp trong giới nghiên cứu nể phục. Ông Nguyễn Trọng Xuất, Tổng Thư ký ban biên soạn công trình “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” cho biết: Lĩnh vực nghiên cứu của anh là một lĩnh vực rất hay bởi nó phục vụ cho chủ quyền Việt Nam ở biển đảo. Anh Nguyễn Nhã là một thành viên được hội đồng khoa học xã hội thành phố quan tâm và mời cộng tác với rất nhiều công trình. Tôi rất quý cách anh ấy để tâm để sức vào cái anh nghiên cứu. Phải có lòng say mê đối với công trình nghiên cứu mang tính chất hơi khô khan này cũng như Nguyễn Nhã đã có một cái trì trí kiên định và một ý chí mới có thể làm được.


Từ những nghiên cứu của mình, ông Nguyễn Nhã đã đúc kết thành luận án tiến sĩ về đề tài ''Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa''. Luận án Tiến sĩ Lịch sử của ông đã được hội đồng khoa học đánh giá cao. Giá trị khoa học của công trình không chỉ dừng lại ở tính thời sự mà còn có giá trị là những chứng cứ lịch sử góp phần vào việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội khoa học Lịch sử học Việt Nam nhận xét: Các nhà sử học và các nhà khoa học nói chung coi việc nghiên cứu Hoàng Sa là một trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc nên có nhiều công trình nghiên cứu trong đó nổi bật lên là nhà khoa học Nguyễn Nhã với luận án tiến sĩ Hoàng Sa – Trường Sa.


Hơn 40 năm theo đuổi nghiên cứu lịch sử chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, đối với tiến sĩ Nguyễn Nhã, phần lãnh thổ này của đất nước đã là một phần máu thịt của mình. Ông luôn mong muốn phổ biến một cách rộng rãi những nghiên cứu của mình về đề tài này đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế, nhất là cho giới trẻ để mọi người ý thức hơn về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.  Tiến sĩ Nguyễn Nhã chia sẻ: Hiện nay tôi đưa lên mạng Hannguyennguyennha.com mong rằng mọi người khắp nơi, trong đó những thư viện có môn học Á châu hay ngành Á châu học để mọi người biết. Tôi nghĩ thời cơ này là Hoàng Sa là chất men yêu nước có thể mọi người sẽ tỉnh ngộ và giới thanh niên khi có lòng yêu nước mà có kỹ năng yêu nước trong xây dựng thì sẽ tốt hơn.

         

Không chỉ là một trong những người tiên phong nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sĩ Nguyễn Nhã còn đề xướng phong trào “Hướng về biển Đông bằng học thuật”. Ông đang vận động chỉnh sửa hồ sơ tư liệu 500 trang về sự thật chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa để gửi đến các trường học và tặng cuốn sách "Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" cho các thư viện ở trong và ngoài nước. Nói về tiến sĩ Nguyễn Nhã, Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Đối với khoa học, vấn đề lớn nhất là chúng ta hệ thống và chúng ta nâng nó lên thành giá trị. Có thể nói nhà nghiên cứu đã rất tận tụy, tâm huyết, trung thực và cố gắng làm việc khoa học và tôi nghĩ cao nhất đây là một nhà yêu nước Việt Nam.


Những tài liệu quý mà tiến sĩ Nguyễn Nhã sưu tầm, nghiên cứu là sự đúc kết của hơn 40 năm trăn trở với một sự thật Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Đó cũng là một minh chứng về lòng yêu nước của một người con đất Việt./.

 

Phản hồi

TS TRAN VAN BINH , Kiều bào CHLB Đức

Thân chào các anh chị trong BBT,Thân chào TS Nguyễn Nhã,Hiện nay chúng tôi đang tìm và muốn có được cuốn sách "Những bằng chứng về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo HS, TS"... Xem thêm

Các tin/bài khác