Vì A Hao-nghệ nhân bản Mông trên cao nguyên đá Tủa Chùa

(VOV5) - Ông Hao không chỉ là người thầy dạy tiếng, chữ Mông cho nhiều thế hệ người dân, cán bộ, học sinh, mà còn là người dành nhiều tâm huyết sưu tầm, biên soạn văn hoá dân tộc mình để làm tư liệu lưu lại cho con cháu. 

Ở vùng cao nguyên đá Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, mọi người dân coi ông  Vì A Hao là nghệ nhân của bản Mông. Ông Hao không chỉ là người thầy dạy tiếng, chữ Mông cho nhiều thế hệ người dân, cán bộ, học sinh, mà còn là người dành nhiều tâm huyết sưu tầm, biên soạn văn hoá dân tộc mình để làm tư liệu lưu lại cho con cháu. 
Nghe nội dung chi tiết taị đây:

Là người dân tộc Mông Xanh, lại sinh ra và lớn lên ở quê hương Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, từ nhỏ ông Hao đã được học tiếng, chữ Mông. Những tập tục, văn hoá của đồng bào đã ngấm vào ông như một phần máu thịt. Ông Hao chia sẻ: Một phần là tôi rất ham học và mong được học, phần khác là có điều kiện là con cháu của dân tộc Mông, nên tôi đã tiếp thu và nhớ được chữ của mình. Chữ Mông mới ghi được đầy đủ tâm tư tình cảm của người Mông, cho nên tôi rất quý. Từ đó tôi mong muốn con cháu, cũng như mọi người Mông phải biết chữ của mình.

Vì A Hao-nghệ nhân bản Mông trên cao nguyên đá Tủa Chùa - ảnh 1
Một lớp dạy tiếng Mông cho chiến sỹ công an tỉnh Điện Biên. Ảnh: KT

Ngay từ khi học trung học sư phạm, rồi đại học sư phạm, qua các giáo trình nghiên cứu, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và biên soạn tài liệu về văn hoá Mông. Đảm nhận nhiều công việc khác nhau như: Hiệu phó trường Trung học cơ sở xã Sính Phình, Hiệu Phó trường Dân tộc Nội trú huyện, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa, ông Hao càng có điều kiện được bồi bổ thêm vốn chữ viết, tiếng nói, văn hoá của đồng bào. Từ 2001 đến nay, ông là thầy giáo dạy tiếng, chữ Mông cho nhiều khoá học tổ chức cho nhân dân, cán bộ, chiến sỹ, học sinh các địa phương trong tỉnh. Theo ông Hao: Học tiếng, chữ Mông không khó bởi chữ cái theo phiên âm la tinh. Nhưng muốn học được tốt thì đòi hỏi người học phải chăm chỉ học thuộc chữ cái, học thuộc các từ mới: Vừa học vừa thực tế, có thời gian phải đi tiếp xúc với bà con. Với tiếng Mông, học xong là biết viết, biết nói. Viết, đọc, nói thì không khó. Nhưng nghĩa thì phải học từ mới, biết nhiều từ mới mới hiểu được nghĩa của nó.

Vì A Hao-nghệ nhân bản Mông trên cao nguyên đá Tủa Chùa - ảnh 2
Thầy giáo dạy chữ và tiếng Mông ở Hà Giang. Ảnh: KT

 Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên qua thời gian được thầy Vì A Hao hướng dẫn đã có thể sử dụng tiếng, chữ Mông thuần thục. Anh Đỗ Hồng Thái, cán bộ huyện Tủa Chùa, tham gia học lớp tiếng, chữ Mông do ông Vì A Hao giảng dạy trong vòng 6 tháng. Đến giờ, không chỉ hiểu tiếng, viết được chữ Mông, anh còn có thể tự tin giao tiếp được với đồng bào. Anh Thái cho biết: Ông Hao có phương pháp sư phạm, lại có kiến thức về văn hoá, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Mông rất sâu sắc, nên truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ. Với anh Thái, việc học được tiếng Mông rất có ý nghĩa bởi anh phải thường xuyên đến công tác ở các vùng đồng bào dân tộc. Anh Thái tâm sự:  Sau khi được tham gia học lớp tiếng, chữ Mông của thầy Vì A Hao dạy, chúng tôi đã hiểu thêm phần nào về chữ viết, tiếng nói của người Mông để phục vụ cho công tác ở cơ sở. Khi xuống cơ sở, chúng tôi đã vận dụng vào công tác tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn”.

Dù đã hơn 60 tuổi, ông vẫn dành nhiều thời gian gặp gỡ các nghệ nhân sưu tầm tư liệu cổ để biên soạn, ghi chép lại. Nhiều áng thơ ca, phong tục của đồng bào đã được ông biên soạn, đóng quyển cẩn thận. Đây thực sự là kho kiến thức quý báu cho những ai tìm hiểu về dân tộc Mông. Ai muốn học tiếng, chữ Mông đến ông, ông dạy; ai muốn tìm hiểu về phong tục, văn hoá dân tộc Mông đến ông, ông sẵn sàng dành thời gian để trao đổi. Với ông Vì A Hao, đó vừa là niềm vui, vừa là mong muốn có thể đóng góp sức nhỏ gìn giữ giá trị văn hoá của dân tộc cho con cháu mai sau:  Các phong tục tập quán của đồng bào Mông rất nhiều. Trước kia các cụ chỉ truyền lại cho con cháu bằng miệng. Như vậy sẽ bị mai một, không giữ được thì rất là phí. Có chữ Mông thì có thể ghi lại toàn bộ để lưu lại cho con cháu. Với suy nghĩ, tôi cố gắng ghi chép lại thành sách để làm tư liệu cho con cháu lưu giữ.

 Với vốn kiến thức về văn hóa Mông vô cùng phong phú, năm 1996, ông Vì A Hao được Bộ Giáo dục-Đào tạo mời tham gia làm từ điển giáo khoa Mông-Việt. Năm 2006 ông tham gia xây dựng chương trình tiếng, chữ Mông cho cán bộ, viên chức ngành giáo dục của cả nước; tham gia tập huấn về phương pháp giảng dạy chữ, tiếng Mông. Ông cũng được trao tặng nhiều bằng, giấy khen của tỉnh và ngành giáo dục. Nhưng phần thưởng lớn hơn là ông luôn được bà con quý mến, trân trọng gọi là nghệ nhân của bản Mông./.


Phản hồi

Các tin/bài khác