Đánh thức tiềm năng “đang ngủ” trong con

(VOV5) - Tự kỷ là một hội chứng phức tạp cả về tâm thần, tâm lý và vận động nên việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ đem lại cơ hội hồi sinh cho trẻ.


Đánh thức tiềm năng “đang ngủ” trong con - ảnh 1
Giờ học can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương


Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời


Theo bác sĩ cao cấp Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho đến thời điểm này, y học thế giới vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân cụ thể dẫn đến hội chứng tự kỷ mà chỉ mới đưa ra giả thuyết về nguyên nhân chủ yếu của bệnh tự kỷ là sự tổn thương về não bộ, gien, môi trường… Xem xét não của trẻ tự kỷ, các nhà nghiên cứu nhận thấy có một số bất thường ở bán cầu não trái, thùy thái dương, hệ limbic và tiểu não. Nếu gia đình ít cho trẻ tiếp xúc với bên ngoài thì mức độ tự kỷ của trẻ ngày càng nặng hơn. Hiện trên thế giới vẫn chưa thể chữa khỏi chứng bệnh này. Đây là một hội chứng phức tạp cả về tâm thần, tâm lý, vận động nên cần được điều trị ngay từ khi phát hiện bệnh, quá trình can thiệp điều trị khá lâu dài. “Trẻ được phát hiện sớm và can thiệp trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và hòa nhập xã hội. Điều đó có nghĩa là phát hiện sớm sẽ hồi sinh được nhiều cuộc đời trẻ thơ”, bác sĩ Tình nhấn mạnh.   

“Triệu chứng của trẻ tự kỷ thường biểu hiện từ lúc nhỏ và mức độ tăng dần, điển hình nhất vào giai đoạn bé 1-3 tuổi. Do vậy, khi thấy trẻ 6 tháng tuổi mà không hoặc ít phản ứng với âm thanh và tương tác với ánh mắt; 12 tháng không biết bập bẹ; 16 tháng không nói được từ đơn như bà, mẹ… và không có cử chỉ nét mặt, cha mẹ nên đưa con đến Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương hoặc Khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện tỉnh nơi trẻ sinh sống để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời”,  thạc sĩ Thành Ngọc Minh.


Chứng kiến tiết dạy của giáo viên hướng dẫn cha mẹ phương pháp can thiệp chứng tự kỷ cho con tại Bệnh viện Nhi Trung ương mới phần nào hiểu được nỗi cực nhọc gian nan của cả thầy trò nơi đây. Với trẻ tự kỷ, việc tách con rời khỏi mẹ để ngoan ngoãn ngồi vào chỗ học đã là cả vấn đề, có khi chỉ một tiếng động cũng khiến trẻ mất tập trung hoặc chạy vụt ra ngoài. Mặt khác, trẻ tự kỷ có rất nhiều biểu hiện rối loạn trong giao tiếp (qua ánh mắt, cử chỉ…), rối loạn quá trình phát triển ngôn ngữ và rối loạn hành vi mà không cháu nào giống cháu nào, do vậy, các bác sĩ và điều dưỡng ở đây phải vận dụng những liệu pháp riêng cho từng cháu.


Trường hợp cháu Thiện Nhân (ở Ninh Bình), sinh ra khỏe mạnh và phát triển bình thường. Khi con 2-3 tuổi cũng biết ê a và bập bẹ, gia đình cứ nghĩ con chậm nói. Gần 4 tuổi, thấy Thiện Nhân có biểu hiện thờ ơ, ít đáp ứng, không hào hứng chơi đồ chơi, hay bực bội và ăn vạ…, anh Lực (bố cháu Nhân) đưa con đến Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương khám mới biết con mắc chứng tự kỷ. Sau 3 đợt can thiệp kéo dài 7 tuần tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Thiện Nhân được đánh giá có một số tiến bộ như giao tiếp mắt tăng lên, có thể chỉ đúng một số đồ vật và chỉ được các bộ phận cơ thể. “Mỗi lần con khóc, bực bội, ăn vạ… tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Thương con nhưng bất lực vì không biết làm thế nào để có thể hiểu là con đang muốn gì, đau chỗ nào”, anh Lực trải lòng.



Đánh thức tiềm năng “đang ngủ” trong con - ảnh 2
Ths.BSCKII Thành Ngọc Minh



Cha mẹ phải biết can thiệp đúng cách


Chỉ tay vào dụng cụ mà cô giáo đang hướng dẫn trẻ tự kỷ, thạc sĩ, bác sĩ CK II Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đa số trẻ tự kỷ không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tưởng là giống nhau nhưng thực chất chúng hoàn toàn khác nhau về biểu lộ hành vi-cảm xúc, vì vậy chúng tôi xây dựng mô hình can thiệp có tính chất cá thể hóa. Tức là, có trẻ chúng tôi chú trọng tăng cường về mặt giao tiếp, có trẻ cần can thiệp về vận động tinh, vận động thô, điều hòa cảm giác… Ngoài ra, chúng tôi còn có mô hình đào tạo cho cha mẹ can thiệp cho trẻ tự kỷ tại nhà sau mỗi đợt can thiệp tại bệnh viện, cũng giống như đào tạo cho 1 chuyên gia - rất kỳ công và rất mất thời gian. Tuy nhiên, việc giúp con phát triển giao tiếp tốt hay không còn tùy vào mức độ đáp ứng của cha mẹ.


Đến thời điểm này, vấn đề giúp trẻ nói được không đặt lên hàng đầu, mà việc làm thế nào giúp trẻ giao tiếp được mới là quan trọng bởi có tới 50% số trẻ tự kỷ không bao giờ phát triển được ngôn ngữ nói. “Nếu đứa trẻ bị câm điếc không nói được, khi khát nước có thể biết ra ký hiệu, kéo tay cha mẹ đến chỗ lấy nước, nhưng với trẻ tự kỷ không biết biểu hiện điều đó. Mặt khác, ở trẻ tự kỷ thường có những hành vi, vận động khác thường như tăng động, thiếu tập trung, gặp khó khăn về ăn uống, giấc ngủ, tự làm đau mình... Khi gặp những rắc rối ấy, chúng tôi sẽ đồng hành cùng giúp cha mẹ hiểu và biết cách can thiệp đúng để giảm thiểu những hành vi đó”, bác sĩ Ngọc Minh nhấn mạnh.


Trường hợp cháu Tiến Minh (Sơn La), được phát hiện tự kỷ khi hơn 2 tuổi, cha mẹ thay nhau nghỉ phép đưa con xuống một trung tâm ở Hà Nội can thiệp mà không hề biết cha mẹ cũng cần học để biết cách về nhà dạy con. Sau 2 năm ròng rã, thấy con biết hát bi bô, biết gọi tiếng bố ơi, mẹ à, anh Diễn (bố cháu Tiến Minh) cứ nghĩ như thế là thành công. Do không biết cách về nhà can thiệp cho con, hiện Tiến Minh hơn 6 tuổi, học lớp 1 nhưng ngày càng chậm chạp và mất dần ngôn ngữ.


Bác sĩ Minh lưu ý, khi trẻ đến tuổi vị thành niên, vì trẻ bắt đầu thay đổi nội tiết tố, giới tính, bộc lộ những hành vi khó kiểm soát, lúc này trẻ cần được đánh giá toàn diện hơn và có những kế hoạch can thiệp phù hợp.


Chị Mai Anh, Phó chủ nhiệm CLB Gia đình trẻ tự kỷ TP. Hà Nội nhớ lại quãng thời gian vô cùng gian nan cách đây 3 năm, khi Trung Hiếu (con trai chị) 15 tuổi, bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn dù trước đó con trai chị biết tự phục vụ bản thân, rất tự giác giúp mẹ những việc nhà, có năng khiếu hội họa và âm nhạc… “Khi Hiếu bước vào giai đoạn dậy thì, thấy con thay đổi hoàn toàn khiến tôi vô cùng lo sợ bởi cháu có những hành vi bất thường như tìm mọi cách làm tổn thương bản thân mình; hay dùng vật cứng đánh rất mạnh vào cằm, mặt khiến mặt mũi sưng tím; nhiều lúc còn cho tay vào cánh quạt đang quay tóe cả máu. Tôi đã phải vận dụng nhiều biện pháp để giảm bớt những rủi ro cho con”, chị Mai Anh chia sẻ.

Việc nuôi dạy con tự kỷ, giai đoạn nào cũng có những nỗi khó khăn, vất vả gian nan và không ít khổ đau. Chỉ có tình yêu thương vô bờ bến và sự đồng hành suốt đời cùng con, cha mẹ mới có thể cứu và đánh thức những tiềm năng “đang ngủ” trong con.

Phản hồi

Các tin/bài khác