SOM 2 APEC: Các đại biểu đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam

(VOV5) - Trong các ngày diễn ra sự kiện, đoàn Việt Nam tham gia đóng góp tích cực và trình bày những sáng kiến quan trọng, trong đó có đề xuất về bảo đảm phát triển bao trùm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội.

SOM 2 APEC: Các đại biểu đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam - ảnh 1

Các cơ quan Thông tấn báo chí tác nghiệp bên lề hội nghị phỏng vấn đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) họp phiên bế mạc sáng 18/05.

Trong ngày làm việc cuối cùng, các đại biểu tiếp tục trao đổi về quá trình xây dựng tầm nhìn của APEC đến năm 2020 và tương lai sau 2020.

Trong các ngày diễn ra sự kiện, đoàn Việt Nam tham gia đóng góp tích cực và trình bày những sáng kiến quan trọng, trong đó có đề xuất về bảo đảm phát triển bao trùm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội. Những đóng góp và đề xuất của Việt Nam được các đại biểu đánh giá cao.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia, bà Mari Elka Pangestu cho rằng: “Tôi thấy Việt Nam đã làm rất tốt từ việc chuẩn bị đến các đề xuất nội dung tại kỳ APEC lần này. Trong đó tôi rất vui mừng khi được tham gia Đối thoại nhiều bên. Năm nay chúng ta thảo luận tầm nhìn 3 năm tới trong thực hiện các mục tiêu Bogor và xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020. Đây là những nội dung quan trọng và chúng tôi trông chờ rất nhiều vào sự đóng góp của Việt Nam trong chiến lược hành động 3 năm tới và sau đó. Chúng ta đều thấy rằng Việt Nam và Hà Nội nói riêng đang phát triển rất mạnh mẽ. Và tôi cho rằng sự phát triển này chính là minh chứng cho thấy những kết quả thực sự mà APEC có thể và đạt được.”

Các kết quả đạt được tại hội nghị SOM 2 lần này cho thấy quyết tâm của APEC trong việc tiếp tục đưa APEC thành khu vực đầu tầu của kinh tế thế giới. Mục tiêu Bogor của APEC đến năm 2020 cần phải được thực hiện đúng thời hạn và Tầm nhìn của APEC sau 2020 cần phải được rõ ràng, cụ thể hơn, để thích ứng tốt với những biến động khó lường của kinh tế thế giới trước tác động của quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác