An ninh khu vực ASEAN phải gắn liền với sự ổn định của Biển Đông

(VOV5) - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kết thúc chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Lào, Campuchia và Brunei với tuyên bố Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận 4 điểm với 3 quốc gia nói trên trong vấn đề Biển Đông.


Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hà Lan) sắp công bố phán quyết cuối cùng về vụ Philipines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Các chuyên gia chỉ ra rằng mục đích đằng sau chuyến thăm này là ý đồ tìm cách chia rẽ Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tranh chấp Biển Đông.

 

An ninh khu vực ASEAN phải gắn liền với sự ổn định của Biển Đông - ảnh 1
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Chữ Thập ở Biển Đông. Ảnh AP


Với lập luận tranh chấp trên Biển Đông "không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN", thỏa thuận 4 điểm mà Bắc Kinh thông báo nhằm thu hút sự ủng hộ ngoại giao trước khi Tòa Trọng tài ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông.


Bắc Kinh tìm kiếm đồng minh trong ASEAN

Sau khi kết thúc chuyến công du 3 nước, tuyên bố trong 1 cuộc họp báo, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc và 3 nước ASEAN đã thống nhất tranh chấp đảo, bãi đá, bãi cạn ở Biển Đông sẽ “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với toàn bộ ASEAN”. Trung Quốc, Lào, Campuchia và Brunei cũng khẳng định mỗi nước đều có quyền tự chọn cách giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế và các nước khác phải tôn trọng quyền này.


Chuyến thăm Brunei, Lào, Campuchia của Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ kiện do Philippines khởi xướng dự kiến được công bố vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 và nhiều khả năng có lợi cho phía Philippines. Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố chối bỏ thẩm quyền của Tòa án Trọng tài, khăng khăng chỉ giải quyết tranh chấp song phương và tìm kiếm các đồng minh cùng phản đối phán quyết. Bởi vậy, chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á lần này của ông Vương Nghị không nằm ngoài mục đích lôi kéo sự ủng hộ của 3 thành viên ASEAN nói trên trong vấn đề Biển Đông. Một điều đáng chú ý khác là trong các cuộc họp bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên ASEAN (AMM) dự kiến sẽ diễn ra trong hè năm nay, cả Campuchia, Lào và Brunei đều có Ngoại trưởng mới tham dự. Không những vậy, nước chủ nhà của AMM năm nay sẽ là Lào, quốc gia không liên quan trực tiếp tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Do vậy, chẳng phải ngẫu nhiên khi Trung Quốc cử Ngoại trưởng tới các nước này trước thềm AMM. Qua tuyên bố trên cũng như chuyến công du 3 nước vừa qua của Ngoại trưởng Vương Nghị, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh các hành động chia rẽ, ngăn không để ASEAN có được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.


Lo ngại một ASEAN đoàn kết?

Một nhà ngoại giao ASEAN chia sẻ: “Trung Quốc rất lo ngại ASEAN sẽ ra thông cáo chung sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết cuối cùng. Bởi vậy, chuyến thăm của ông Vương Nghị nhằm tìm cách lôi kéo những quốc gia thành viên. Theo các chuyên gia, đây là động thái công khai nhất cho đến nay của Bắc Kinh đối với ASEAN, trong việc chuẩn bị cho phán quyết sắp tới của tòa quốc tế về vụ kiện của Philippines. Trung Quốc đang tiến hành những nỗ lực ngoại giao hậu trường với một số chính phủ ở Đông Nam Á, để thuyết phục họ phản ứng không có lợi cho chính một thành viên ASEAN khác.


Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài Trung Quốc, cả 3 nước Lào, Campuchia, Brunei chưa đưa ra phát ngôn chính thức gì liên quan đến 4 điểm đồng thuận kể trên. Trong khi đó, phát biểu ngày 25/4 tại Indonesia, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông là rất rõ. Lập trường 6 điểm của ASEAN là tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng và thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, nguyên tắc kìm chế, không có các hành động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và yêu cầu thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và ASEAN đã ký năm 2002 và thỏa thuận đẩy mạnh đàm phán sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Đây là lập trường nhất quán và điều quan trọng là các nước thành viên ASEAN cần tuân thủ. Truyền thông chính thức của Thái Lan mới đây cũng đăng tải bài viết “ASEAN cần ngăn chặn Trung Quốc”, nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tất cả các nước trong khu vực. Bởi vậy, các nước ASEAN cần đoàn kết để đối mặt một cách mạnh mẽ, khôn khéo trước những hành động này. 


Một ASEAN hòa bình ổn định, phát triển không thể thiếu sự ổn định ở Biển Đông. Tạo tiếng nói chung và tăng cường sự đoàn kết của ASEAN trước vấn đề phức tạp này chắc chắn không nằm ngoài nội dung chương trình nghị sự của ASEAN, trước mắt là Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 sẽ diễn ra vào tháng 7 tới tại Lào. Đây sẽ là phép thử tính đoàn kết của khối trong bối cảnh một Cộng đồng chung vừa mới ra đời.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác