Bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

(VOV5) - Những cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn là thời điểm đầy thử thách đối với mối quan hệ song phương giữa hai miền liên Triều.

Sau vụ phóng tên lửa được cho là mạnh nhất từ trước tới nay của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ hôm qua (4/12) chính thức khai hỏa cuộc tập trận không quân chung quy mô lớn với hàng trăm máy bay chiến đấu tung hoành trên bầu trời bán đảo Triều Tiên. Bất chấp nỗ lực kêu gọi kiềm chế của cộng đồng quốc tế, động thái của các bên khiến bán đảo Triều Tiên không ngừng tăng nhiệt.

Bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt - ảnh 1

Triều Tiên bắn thử đạn pháo tầm xa từ bệ pháo đa nòng mới - Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cuộc tập trận mang tên “Át chủ bài cảnh giác” (Vigilant Ace) diễn ra đến hết ngày 8/12 tới. Từ trước đến nay, Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là hành động diễn tập xâm lược CHDCND Triều Tiên, trong khi hai nước này khẳng định các cuộc tập trận này chỉ mang tính phòng vệ.

Nhiều yếu tố bất thường

Sẽ chẳng có gì đáng nói bởi từ trước tới nay, kịch bản phóng tên lửa - tập trận chung - cảnh báo - đe dọa đáp trả qua lại giữa các bên, vẫn liên tục được lặp đi lặp lại, nhưng lần này mức độ nguy hiểm của các diễn biến này lại được các chuyên gia phân tích cảnh báo nâng lên một mức.

Trước tiên, nói về quy mô của tập trận chung lần này. Có thể khẳng định đây là cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Tham gia cuộc tập trận có khoảng 12.000 binh sĩ cùng hơn 230 máy bay các loại của hai bên. Điều đặc biệt đáng chú ý tại Vigilant Ace lần này là sự có mặt của đến 6 chiếc chiến đấu cơ tàng hình đỉnh cao F-22. Đây là lần đầu tiên một số lượng lớn máy bay chiến đấu tinh vi hàng đầu của Mỹ có mặt tại Hàn Quốc cùng lúc như vậy. Ngoài ra còn có sự góp mặt của chiến đấu cơ F-35 Lightning II, cũng là một trong những vũ khí không chiến đỉnh cao hàng đầu của Mỹ, chưa kể các loại máy bay ném bom, máy bay do thám và nhiều loại chiến đấu cơ khác.

Bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt - ảnh 2

Các binh sỹ Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận - Ảnh: EPA/TTXVN

Theo các chuyên gia, cho đến nay, dù quân đội CHDCND Triều Tiên được đánh giá là không thể coi thường nhưng hệ thống radar của Bình Nhưỡng dường như “bó tay” trước loại máy bay tàng hình như F-22, F-35 này.

Thứ hai, dù Seoul và Washington cho rằng cuộc tập trận chỉ là hoạt động định kỳ hàng năm được tổ chức nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, nhưng các phi đội máy bay uy lực của Mỹ và Hàn Quốc hoạt động trong một phạm vi rộng lớn đang gây nên mối quan ngại lớn trong cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, trước khi diễn ra cuộc tập trận này, Mỹ cũng tiến hành cuộc diễn tập quân sự sát khu vực biên giới Triều Tiên có sự tham gia cùng lúc của ba tàu sân bay, vốn được ca ngợi là vũ khí bá chủ đại dương.

“Trò chơi” nguy hiểm

Trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nga và Trung Quốc đề nghị các bên kiềm chế, Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân còn Washington và Seoul ngừng tập trận, tuy nhiên các đề nghị này đều bị các bên từ chối. Phản ứng cuộc tập trận, CHDCND Triều Tiên khẳng định đây là một hành động cực kỳ khiêu khích và xứng đáng bị đáp trả mạnh mẽ. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn cho rằng Washington đang “cầu xin chiến tranh bằng cách khởi động một canh bạc hạt nhân cực kỳ nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên”. Đáp lại, Mỹ kêu gọi sơ tán gia đình các quân nhân người Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.

Từ lâu nay, những cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn là thời điểm đầy thử thách đối với mối quan hệ song phương giữa hai miền liên Triều. Một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn hay một cuộc chiến tranh hạt nhân dù không phải là sự lựa chọn và giải pháp ưu tiên của tất cả các bên, song với tình hình hiện nay, rất cần có sự kiềm chế của các bên với trách nhiệm cao nhất. Cùng với đó là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác