Bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng

(VOV5) - Vụ phóng tên lửa diễn ra  trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc thể hiện sự cam kết của Mỹ đối với đồng minh trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng vì chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên. 

Giữa lúc những màn đấu khẩu nảy lửa và những lời đe dọa sắc lạnh giữa Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục không ngừng nghỉ thì CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa vào ngày 16/4, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà lập quốc Kim Nhật Thành.  Tất cả đang tạo nên bầu không khí căng thẳng mà nhiều người lo sợ có thể bùng nổ thành một cuộc chiến hủy diệt.


Bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng - ảnh 1
: Xe quân sự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên tham gia lễ diễu binh nhân 105 ngày sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, ngày 15/4. EPA/ TTXVN


Vụ phóng tên lửa diễn ra ngày 16/4, chỉ vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc thể hiện sự cam kết của Mỹ đối với đồng minh trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng vì chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên. Tên lửa được phóng từ cảng ở bờ biển phía đông, dù thất bại, nhưng đủ đốt nóng bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên. Và vụ việc nếu không có sự kiềm chế của các bên rất có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.


Quan điểm cứng rắn của các bên


Trong một động thái phản ứng ngay lập tức, Hàn Quốc tuyên bố vụ phóng tên lửa diễn ra sau khi CHDCND Triều Tiên trình diễn hàng loạt tên lửa tấn công trong cuộc diễu binh lớn chưa từng thấy ngày 15/4 nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành, là hành động phô trương sức mạnh đe dọa tới toàn thế giới. Đồng thời, Hàn Quốc cảnh báo sẽ có biện pháp trừng trị nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có hành động khiêu khích.


Bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng - ảnh 2
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lễ duyệt binh kỉ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 15/4. AFP/TTXVN

 
Trong khi đó, ngày 17/4, khi đang ở thăm Hàn Quốc, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược" với CHDCND Triều Tiên đã kết thúc sau hơn hai thập kỷ, đồng thời cho biết Mỹ đang để ngỏ các phương án lựa chọn trong việc kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ông Pence thậm chí còn cảnh báo CHDCND Triều Tiên không nên thử quyết tâm hay sức mạnh lực lượng vũ trang Mỹ khi dẫn chứng thế giới đã chứng kiến sức mạnh và quyết tâm của tổng thống mới thông qua những hành động ở Syria và Afghanistan những ngày qua. Lo ngại trước những tuyên bố của Mỹ, Nga cảnh báo Mỹ về việc tấn công đơn phương nhằm vào CHDCND Triều Tiên là con đường rủi ro vàhy vọng Mỹ sẽ không có hành động đơn phương nào như điều xảy ra ở Syria.


Bán đảo Triều Tiên nóng lên từng giờ


Đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa mà bán đảo Triều Tiên đã nhiều lần chứng kiến những mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm. Nhưng lần này những lời đồn đoán về nổ ra xung đột quân sự lại rộ lên mạnh mẽ. Sự lo ngại này là có cơ sở bởi sự thay đổi chính quyền mới ở Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trumph dường như ngày càng có những động thái mạnh mẽ, quyết đoán hơn so với chính quyền người tiền nhiệm. Ngày 7/4, Mỹ bất ngờ phóng 59 tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự Syria. Tiếp đó, hôm 13/4, Mỹ thả siêu bom 16 triệu USD xuống khu vực có mạng lưới đường hầm của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan. Siêu bom này là vũ khí phi hạt nhân có uy lực lớn nhất mà Mỹ từng sử dụng trong chiến đấu.Song song với tuyên bố Mỹ có thể tự xử lý vấn đề CHDCND Triều Tiên một mình mà không cần tới sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước này cũng điều máy bay trinh sát hạt nhân, tàu sân bay áp sát CHDCND Triều Tiên. Đáp trả, CHDCND Triều Tiên có những động thái phô trương sức mạnh, đe dọa tấn công phủ đầu, thậm chí có thông tin nước này đã ra lệnh sơ tán số lượng lớn người dân ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng, nhằm sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực với Mỹ.


Bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng - ảnh 3
Bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 5/4. THX/TTXVN

 
Không khí trên Bán đảo Triều Tiên càng ngạt thở hơn khi Trung Quốc triển khai 150 nghìn binh lính tới biên giới Triều Tiên để chuẩn bị cho tình huống Bình Nhưỡng bị Washington tấn công phủ đầu. Nhật Bản cũng ráo riết lên kế hoạch sơ tán 57.000 công dân Nhật tại Hàn Quốc cũng như tìm giải pháp đối phó làn sóng người tị nạn CHDCND Triều Tiên đến Nhật trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Moscow và Bắc Kinh đã điều các tàu đến Hoa Đông để theo dõi hoạt động của tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ.

 

Bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng - ảnh 4
ảnh (tư liệu): Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 13/7/2016. AFP/TTXVN

 
Giới phân tích quốc tế nhận định rất có thể các diễn biến vừa qua chỉ là cách mà Washington áp dụng để đo phản ứng của Bình Nhưỡng, từ đó xác định phương cách đối phó với CHDCND Triều Tiên trong thời gian tới. Việc CHDCND Triều Tiên phóng liên tiếp, đồng loạt nhiều tên lửa đạn đạo, bất chấp các lệnh trừng phạt, là dấu hiệu cho thấy chương trình phát triển tên lửa của nước này ngày càng tiến bộ. Thậm chí, có nguồn tin nước này còn sở hữu một lượng lớn vũ khí hóa học và các bên cần thận trọng cân nhắc các biện pháp áp dụng với Bình Nhưỡng. Hiện rất khó để đánh giá đúng tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và các bên liên quan đều nên kiềm chế nhằm tránh một cuộc đụng độ quân sự không cần thiết.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác