Bảo đảm tỷ lệ nợ công hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô

(VOV5) - Trong thời gian tới, Việt Nam xác định vẫn phải tiếp tục sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Bảo đảm tỷ lệ nợ công hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô - ảnh 1
Tại Việt Nam, trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng (Ảnh minh họa)

Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép là một trong những giải pháp để giữ an toàn tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu này đã, đang và sẽ được Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện quyết liệt, nhất là trong bối cảnh nợ công của Việt Nam tăng cao. 

Nợ công là một trong những nguồn vốn để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Thời gian qua, tại Việt Nam, trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%).

Góp phần phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, từ bình quân 7%/năm giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015. Trước thực trạng này, Quốc hội chủ trương giảm thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng chi cho bảo đảm xã hội. Vì vậy, phần chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011- 2015. Do đó, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đề ra, Việt Nam chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng: "Vấn đề nợ công là bài toán mà đa số các quốc gia trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đều trải qua, ngay cả các nước phát triển hiện nay vẫn đang phải đối mặt với vấn đề nợ công cao. Muốn phát triển chúng ta phải vay nợ nước ngoài, phát hành trái phiếu để tăng nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cầu cảng, hệ thống giao thông, bệnh viện. Nhiều dự án quan trọng đã được khởi công, khánh thành từ nguồn vốn vay đã tạo ra những thay đổi to lớn, là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước".

Không thể phủ nhận hiệu quả do nợ công mang lại song do bội chi ngân sách Nhà nước, phát hành trái phiếu, đầu tư dẫn đến nợ công của Việt Nam tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Ngoài ra một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh. Thực trạng này đặt ra yêu cầu nợ công phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ý kiến: "Tôi nghĩ kinh tế Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để làm sao giảm được số nợ công và giảm được dịch vụ trả nợ trong thời gian tới. Biện pháp quan trọng nhất là phải đạt được tiến bộ thực tế trong việc thực hiện các ý tưởng cải cách  của Thủ tướng Chính phủ. Và đặc biệt phải thực sự thực hiện được việc tiết kiệm trong toàn bộ nền kinh tế để giảm được bội chi ngân sách và làm giảm được tỷ lệ nợ công tăng lên quá nhanh".

Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa nợ công về mức an toàn

Trong thời gian tới, Việt Nam xác định vẫn phải tiếp tục sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đó, có 3 mục tiêu mà Việt Nam phải đảm bảo là: kiểm soát nợ công trong giới hạn được Quốc hội cho phép, tức tổng nợ công không quá 65% GDP; phải chi đầu tư có hiệu quả và phải bảo đảm tính toán, cân đối ngân sách trong trả nợ vay. Cùng với đó là cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn (nghĩa là phải nằm trong giới hạn vay nợ cho phép, thời gian vay dài hơn, lãi suất thấp hơn). Do đó, Chính phủ Việt Nam sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công. Đề cập nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Rà soát, phê duyệt chặt chẽ danh mục sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí".

Đồng thời quản lý chặt chẽ các khoản vay mới, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ khác như nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ bảo hiểm xã hội, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.  Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: "Việt Nam sẽ tiếp tục các giải pháp phát triển thị trường tài chính, thị trường trái phiếu trong nước và từng bước cơ cấu lại các khoản nợ công. Tăng nhanh các khoản vay trung hạn, dài hạn, hạn chế tối đa việc huy động với thời gian ngắn hạn, lãi suất cao. Kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng cơ bản của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tăng cường công tác quản lý nợ và giám sát nợ".

Song song với các biện pháp trên, Chính phủ Việt Nam sẽ rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cắt giảm, lồng ghép các chính sách, xây dựng lộ trình, quy mô phù hợp đối với từng nhóm chính sách để thực hiện trong giai 2016 -2020. Đối với chi đầu tư phát triển, sẽ phân bổ tập trung, sử dụng có hiệu quả, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm của đất nước.

Về bản chất, nợ công là một trong những nguồn vốn cần thiết để phát triển kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, giải quyết vấn đề nợ công là bài toán không đơn giản song với nỗ lực, quyết tâm, định hướng rõ ràng của Chính phủ, Việt Nam sẽ từng bước đạt mục tiêu giảm dần nợ công, góp phần bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác