Bầu cử Anh và vấn đề Brexit

(VOV5) - Ngày 8/6, cử tri Anh đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội, cuộc bầu cử trước thời hạn quan trọng nhất kể từ sau khi nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Kết quả bầu cử sẽ tác động đáng kể tới tiến trình đàm phán rời liên minh châu Âu của xứ sương mù trong thời gian tới. 

Cuộc cạnh tranh giành ghế tại Quốc hội Anh có sự tham gia của đảng Bảo thủ cầm quyền, Công đảng, đảng Dân chủ Tự do, đảng Dân tộc Scotland, đảng Xanh, đảng Độc lập Anh và đảng Plaid Cymru của Xứ Wales. Tuy nhiên, từ lâu giới chính trị Anh đã ngầm khẳng định đây chỉ là cuộc đua giữa đảng Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Theresa May và Công đảng do Chủ tịch Jenemy Corbyn lãnh đạo.

Bầu cử Anh và vấn đề Brexit - ảnh 1
Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May (phải). Ảnh: Express.co.uk 

Trong cuộc bầu cử Quốc hội này, cử tri Anh chọn 650 đại biểu thuộc các đảng khác nhau.  Người đứng đầu một đảng có nhiều đại biểu Quốc hội nhất sẽ trở thành Thủ tướng Anh để thành lập chính phủ, điều hành đất nước.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt sau khi xứ sương mù vừa chứng kiến 2 vụ khủng bố liên tiếp khiến nhiều người thiệt mạng.

Quan điểm về Brexit của các đảng phái chủ chốt

 Đối với bất kỳ đảng phái nào ở Anh, quan điểm đàm phán với EU về Brexit là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là yếu tố tranh cử không thể thiếu. Điều này càng đặc biệt hơn với Thủ tướng Theresa May bởi Brexit chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định tiến hành bầu cử trước thời hạn 3 năm của nữ Thủ tướng Anh. Theo bà, cuộc tổng tuyển cử sớm là cách duy nhất để đảm bảo ổn định chính trị trong nhiều năm tới khi Anh đang xúc tiến quá trình đàm phán rời EU. Vì vậy, trong suốt quá trình tranh cử, Lãnh đạo đảng Bảo thủ Theresa May nhất quán quan điểm tôn trọng quyết định rời EU của cử tri Anh và nhiệm vụ của Chính phủ là thực hiện yêu cầu đó của cử tri. Bà khẳng định đảng Bảo thủ có khả năng dẫn dắt đàm phán Brexit thành công. Thủ tướng Anh cũng bày tỏ lạc quan về quyết định Brexit khi nhấn mạnh khi rời EU và có được một Brexit êm đẹp, nước Anh có thể trở thành một quốc gia thương mại toàn cầu lớn, mạnh mẽ hơn, công bằng và thịnh vượng hơn, một nước Anh tự tin, thống nhất và an ninh hơn. Tuy nhiên nữ chính khách Anh cũng tuyên bố lập trường cứng rắn trong đàm phán Brexit là "thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi với nước Anh." Bà cho biết sẽ bước ra khỏi bàn đàm phán nếu như EU yêu cầu Anh đóng 100 tỷ bảng do Anh quyết định rời EU. Đối với cử tri Anh, một số ca ngợi bà May đã không đánh đổi việc ra khỏi EU bằng mọi giá, số khác lại lo ngại thái độ cứng rắn của bà sẽ dẫn đến nước Anh bị thua thiệt trong đàm phán cũng như tương lai quan hệ thương mại của London với EU, đặc biệt là giới đầu tư, ngân hàng, tài chính.

Cũng ủng hộ Anh rời EU song Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn có hướng tiếp cận khá mềm mỏng khi ưu tiên đàm phán để Anh được quyền tiếp cận tự do vào thị trường EU. Ông Corbyn đánh giá vai trò quan trọng của EU đối với kinh tế Anh, do vậy không có chuyện "thà không có thỏa thuận với EU", mà Công đảng hướng tới có thỏa thuận thương mại với EU một cách hợp lý nhất. Về công dân EU, Người phát ngôn của Công đảng về Brexit, ông Keir Starmer nhấn mạnh các công dân EU không chỉ đóng góp đáng kể cho xã hội Anh mà họ còn là một phần của xã hội Anh, do đó công dân EU không nên bị sử dụng như "con bài để mặc cả" trong tiến trình Brexit. Ông Staimer cũng cam kết một chính phủ do Công đảng lãnh đạo sẽ ngay lập tức bảo đảm quyền lợi cho tất cả công dân EU đang sinh sống tại Anh, duy trì tư cách pháp lý đầy đủ cho đối tượng này, đồng thời chính phủ này cũng sẽ tìm kiếm các quyền lợi đối ứng cho công dân Anh sinh sống tại các nước EU.

Những thách thức với nước Anh sau bầu cử

Cho dù đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh ngày 8/6 cũng phải đối phó với nỗi lo khủng bố, an ninh và khó khăn về kinh tế. Về an ninh, tình báo Anh xác

định 23.000 phần tử cực đoan thánh chiến đang sinh sống tại nước này nằm trong diện "có thể

thực hiện các vụ tấn công khủng bố". Số liệu trên cùng với những vụ khủng bố liên tiếp vừa qua tại xứ sương mù khiến người dân thực sự lo ngại về việc nước Anh đang ngày càng dễ bị tấn công. Ở chiều ngược lại, số vụ tội phạm chống người Hồi giáo hiện ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay tại London. Chỉ riêng trong ngày 6/6, số vụ tội phạm liên quan đến phân biệt chủng tộc đã tăng 40% so với mức trung bình, đặc biệt số vụ tội phạm chống Hồi giáo tăng gấp 5 lần. Thực tế trên cho thấy, dù đảng nào nắm quyền thành lập Chính phủ, nước Anh vẫn phải duy trì mối quan hệ đồng minh chống khủng bố quan trọng với EU vì lợi ích, an ninh và phát triển của cả hai bên.

Thách thức thứ hai là kinh tế. Những số liệu chính thức gần đây cho thấy nền kinh tế Anh có thể tăng trưởng chậm khi quốc gia này bắt đầu đàm phán các thủ tục rời khỏi EU. Triển vọng đầu tư tại Anh cũng không mấy sáng sủa bởi nhiều doanh nghiệp đang lo lắng trước những bất ổn nảy sinh từ kết quả các cuộc đàm phán thương mại liên quan đến Brexit. Carolyn Fairbairn, người đứng đầu nhóm vận động hành lang doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Anh, cho rằng Chính phủ tiếp theo phải bảo đảm sự ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp yên tâm đầu tư nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Anh…Danh tiếng mà nước Anh có được với tư cách là một nền kinh tế ổn định cần được bảo vệ.

Gần 1 năm sau sự kiện trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016 làm rung chuyển chính trường châu Âu, cử tri Anh ngày 8/6/2017 đã đi bỏ phiếu để tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán rời khỏi EU. Một chiến lược Brexit có thể bảo vệ tối đa lợi ích của nước Anh, kèm theo giải pháp chống khủng bố hiệu quả là những gì cử tri Anh cần. Vì vậy dù Đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này cần phải xây dựng được 1 Chính phủ thực sự mạnh mẽ, đoàn kết để dẫn dắt đất nước trong tiến trình đàm phán rời EU, được khởi động 11 ngày sau bầu cử (19/6).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác