Bầu cử sớm ở Nhật Bản: nước cờ quan trọng của Thủ tướng Shinzo Abe

(VOV5) - Quyết định giải tán Hạ viện được cho là yếu tố thuận lợi giúp Thủ tướng Shinzo Abe thắng cử nhiệm kì mới để tiếp tục lãnh đạo nước Nhật giải quyết các khó khăn hiện tại. 

Hôm nay, 28/9, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua nghị quyết giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20/10 tới.

Quyết định giải tán Hạ viện được cho là yếu tố thuận lợi giúp Thủ tướng Shinzo Abe thắng cử nhiệm kì mới để tiếp tục lãnh đạo nước Nhật giải quyết các khó khăn hiện tại. Tuy nhiên Chính phủ mới sau bầu cử ở Nhật sẽ phải đối diện với việc những thách thức không nhỏ, từ chính trị, kinh tế đến các vấn đề xã hội.

Bầu cử sớm ở Nhật Bản: nước cờ quan trọng của Thủ tướng Shinzo  Abe - ảnh 1 Các nghị sỹ tại phiên bỏ phiếu về một dự luật của Thượng viện ở Tokyo ngày 17/9. Ảnh: Reuter/TTXVN

Lời kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra từ hôm 25/9. Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng quyết định trên của ông sẽ không khiến Chính phủ Nhật Bản sao nhãng việc đối phó với những mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ tăng sức ép nếu Bình Nhưỡng không chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình.

Tận dụng lợi thế 

Phải khẳng định việc giải tán Hạ viện để bầu cử sớm của Thủ tướng Abe là động thái khôn ngoan trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm của Chính phủ đang tăng cao và cục diện các đảng đối lập ở Nhật Bản đang bất ổn. Theo kết quả một cuộc khảo sát do nhật báo thương mại Nikkei công bố cuối tuần qua, nếu cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào thời điểm hiện nay thì có đến 44% tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe, trong khi đó đảng đối lập chính Dân chủ chỉ nhận được 8%. Đây là tỷ lệ ấn tượng của LDP khi mà trước đó 2 tháng, tỷ lệ tín nhiệm của Thủ tướng Abe đã giảm xuống dưới 30% do vụ bê bối liên quan đến cáo buộc ông can thiệp giúp một người bạn thành lập một khoa mới trong trường đại học.

Sở dĩ mức tín nhiệm của Thủ tướng Abe được cải thiện nhanh chóng vì cuộc cải tổ nội các hồi tháng 8 và những phản ứng trước các vụ thử tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản là điểm cộng giúp gia tăng tỉ lệ cho Thủ tướng vào thời điểm này. Theo số liệu mới nhất, GDP của Nhật Bản tăng ở mức 2,5% từ tháng 3 đến tháng 6 vừa qua. Tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với dự đoán của giới phân tích và điều đó có nghĩa là Nhật Bản đã có 6 quí liên tiếp tăng trưởng. Trong khi đó, Đảng Dân chủ đối lập lại đối mặt với những bất ổn do tỷ lệ tín nhiệm thấp và các thành viên rời bỏ hàng ngũ.

Thách thức chờ đợi

Bất luận đảng nào thắng cử, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với một số thách thức lớn. Thứ nhất là sự già hóa dân số. Đây được coi là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các lĩnh vực của Nhật Bản, từ kinh tế đến xã hội. Thủ tướng Abe từng nhắc đến một trong những khủng hoảng quốc gia của Nhật là dân số già hóa và giảm mạnh. Điều này cũng  khiến Nhật thiếu hụt lao động. Báo cáo kinh tế và tài chính tài khóa 2017 được Chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động là một trong những hạn chế chính mà quốc gia này cần phải khắc phục nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng ổn định, đồng thời tạo cơ hội nâng cao năng suất lao động và xóa bỏ tình trạng giảm phát. Theo thống kê, Nhật Bản đang trở thành quốc gia già hóa nhất thế giới, với 28% dân số trên độ tuổi 65.

Bầu cử sớm ở Nhật Bản: nước cờ quan trọng của Thủ tướng Shinzo  Abe - ảnh 2

Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Thách thức thứ hai nợ công không ngừng tăng cao. Tình hình nợ công của Chính phủ Nhật Bản đã tăng kỷ lục và đạt mức hơn 1 triệu tỷ yên (tương đương 9.400 tỷ USD) trong năm tài khóa 2016 kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Điều này cũng phản ánh việc chi tiêu cho an sinh xã hội của Nhật Bản ngày càng tăng lên trong bối cảnh xã hội Nhật ngày càng già đi. Các chuyên gia kinh tế nước này liên tục cảnh báo Nhật Bản cần nhanh chóng rút ngắn quy mô nợ công nếu không sẽ tạo ra khủng hoảng đối với nền kinh tế nước này.

Thứ ba là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm. Kinh tế Nhật Bản trong 6 quý gần đây duy trì sự tăng trưởng liên tục . Đây là kết quả tốt nhất trong gần 10 năm qua. Tuy nhiên tốc độ này kém hơn so với các đối thủ tại khu vực châu Á. Đáng chú ý, Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 27/9 cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã tụt một bậc xuống vị trí thứ 9, trong khi một số nền kinh tế khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên hạng. Việc Nhật Bản bị tụt hạng một phần do khoản nợ công quá lớn, tình trạng giảm phát vẫn kéo dài và thị trường lao động thiếu linh hoạt, bất chấp việc chất lượng cơ sở vật chất và trình độ học vấn của lực lượng lao động tại quốc gia này đều ở mức cao.

Quyết định giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử sớm hơn một năm so với thời hạn là một nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe với mong muốn củng cố sự ổn định của Chính phủ để  hoàn thành các mục tiêu đối nội và đối ngoại mà ông đề ra kể từ khi trở lại nắm quyền. Mặc dù vậy, con đường phía trước còn không ít khó khăn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác