Bóng ma chủ nghĩa dân túy đe dọa Châu Âu

(VOV5) - Chủ nghĩa dân túy ngày càng lan rộng ở châu Âu. Trong những năm gần đây, kết quả bầu cử ở các nghị viện địa phương, tiểu bang, quốc gia ở nhiều nước đã phản ánh sự thành công của các chính đảng dân túy. Đặc biệt, từ cuối năm 2016 đến nay  đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy tại nhiều nước Châu Âu và bóng ma chủ nghĩa dân túy đang thật sự là mối lo chung cho các chính đảng dân chủ, các tổ chức xã hội ở Châu Âu.

Bóng ma chủ nghĩa dân túy đe dọa Châu Âu - ảnh 1
Toàn cảnh một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông Pháp ngày 14/3 (Nguồn: AFP/ TTXVN)


Chủ nghĩa dân túy được định nghĩa như một cuộc đấu tranh chính trị, một phong cách chính trị mà đại diện các khuynh hướng chính trị dùng để công kích và cáo buộc lẫn nhau trong cuộc chiến giành lá phiếu cử tri. Chủ nghĩa dân túy không theo đuổi một hệ thống giá trị nhất định nào để phân biệt với các hệ tư tưởng khác, vì vậy chủ nghĩa dân túy hiện hữu trong mọi khuynh hướng chính trị (tả, hữu, tiến bộ, bảo thủ) dưới dạng các chính đảng phản kháng hay các phong trào xã hội.


Vì sao chủ nghĩa dân túy có xu hướng phát triển?


Toàn cầu hóa kinh tế đã đẩy mạnh sự cách biệt giữa những thành phần hưởng lợi và những thành phần bị thiệt thòi. Thất nghiệp không chỉ đe dọa thợ thuyền, nhân viên, mà cả giới trung lưu cũng lo lắng trước tình trạng xuống cấp xã hội. Sự khủng hoảng kinh tế và xã hội đã là cơ hội giúp cho chủ nghĩa dân túy có thêm cử tri. Thêm vào đó, mô hình Âu châu hứa hẹn tạo được sự cân đối giữa thị trường và an sinh xã hội. song trên thực tế lại không đúng như vậy. Một số địa phương kém phát triển đã không đủ sức cạnh tranh trước cuộc tấn công của tiến trình toàn cầu hóa dẫn đến mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong xã hội. Giới thợ và trung lưu có thái độ bác bỏ Âu châu mạnh nhất.


Sự thành công của chủ nghĩa dân túy trong thời gian qua dựa trên sự bất mãn của cử tri về những quyết sách của đảng cầm quyền hay tình trạng biến chất của tầng lớp tinh hoa chính trị trong xã hội. Điều này có thể thấy rõ qua quan điểm phản đối tiếp nhận người nhập cư, hoài nghi Hồi giáo, bác bỏ hôn nhân giới đồng tính, ở nhiều nước Châu Âu thời gian qua. Cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016 ở Anh với kết quả người dân “xứ sở sương mù” lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit được xem là đỉnh điểm của làn sóng chủ nghĩa dân túy tấn công vào các thành trì châu Âu. Hay trước đó, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã phải từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Thất bại của ông Renzi được coi là cơ hội để những người cổ suy cho tư tưởng dân túy chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống.


Hiệp lực hành động để đối phó


Giới phân tích lo ngại rằng chủ nghĩa dân túy có thể lan rộng hơn nữa ở châu Âu trong năm nay. Mặc dù chủ nghĩa dân tuý đã không giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua ở Hà Lan song sắp tới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người trong 2 năm qua đã mở cửa tiếp nhận hàng loạt người tị nạn, một lần nữa sẽ ra tái tranh cử. Cơ hội để bà Angela Merkel tiếp tục thắng cử là rất mong manh sự trỗi dậy của đảng AfD chống người nhập cư và chống người Hồi giáo. Ngoài ra, bà Angela Merkel còn phải chịu sự chỉ trích mạnh mẽ ngay trong chính đảng của bà.



Trong khi đó tiến trình Brexit còn quá nhiều chông gai. Quá trình kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đang tiến hành những bước đi đầu tiên.  Tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 2 năm, nhưng các bất ổn dường như đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Anh cũng như những hy vọng về việc sớm đàm phán về các hiệp định thương mại song phương với các nước ngoài EU. Đánh giá về chặng đường chông gai phía trước khi Anh tìm cách thiết lập các quan hệ kinh tế và thương mại mới, giới chuyên gia cảnh báo rằng việc rời khỏi EU chỉ là bước đi đầu tiên của hành trình này. Anh sẽ phải thiết lập chính sách thương mại mới mà có thể sẽ mất tới 20 năm.


Bóng ma chủ nghĩa dân túy thật sự đã là mối lo chung cho các chính đảng dân chủ, các tổ chức xã hội và giới truyền thông ở Âu châu hiện nay. Liệu con ma mới này có khả năng “trụ” bao lâu sẽ tùy thuộc vào các biện pháp phục hồi tính chính danh cầm quyền và hiệu năng hành động chính trị của các chính quyền dân chủ tại Âu Châu. Rõ ràng, chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang là một triệu chứng của các thể chế dân chủ phương Tây, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng có thể đóng vai trò quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri. Nếu chính phủ các nước phương Tây không nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà họ đang đối diện thì chủ nghĩa dân túy sẽ còn gây ra nhiều cơn địa chấn mới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác