Bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS tại Syria

(VOV5) - Cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria đang có bước ngoặt khi quân đội Syria tiếp tục giành thắng lợi trên chiến trường. Không chỉ tái chiếm những vị trí địa bàn trọng yếu, đánh dấu sự đảo ngược tình thế lớn nhất trên mặt trận chống IS kể từ khi Nga can thiệp mạnh bằng quân sự vào Syria, một số lãnh đạo chóp bu của nhóm phiến quân ở Syria cũng thiệt mạng. Tất cả những diễn biến này đang kéo cục diện cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này rẽ theo hướng khác. 

Bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS tại Syria  - ảnh 1
Quân đội chính phủ Syria và lực lượng đồng minh giương cao lá cờ Syria sau khi giành được quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra (Ảnh: Reuters)


Sau khi tái chiếm thành phố cổ Palmyra, quân đội Syria chiếm được thị trấn Qariatein, thành trì lớn của nhóm khủng bố IS tại tỉnh Homs, miền Nam Syria. Đây cũng là khu vực được IS sử dụng làm căn cứ chứa hàng tiếp tế cho lực lượng ở Palmyra. Trước đó 1 ngày, quân đội Syria đã tái chiếm hoàn toàn thành phố Palmyra sau khi lực lượng của IS chọn cách rút lui thay vì tiếp tục giao chiến.


Quân đội Syria từng bước giành thế chủ động trên chiến trường


Việc giải phóng thành phố Palmyra là một đòn đánh đau vào khả năng hậu cần và chi viện của IS do nơi đây được coi là một điểm trung chuyển hàng tiếp viện cho lực lượng khủng bố. Thành phố Palmyra được Tổ chức văn hóa, khoa học, giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Việc tái chiếm lại được Palmyra, khu vực vốn bị IS kiểm soát từ tháng 5/2015, đánh dấu một bước tiến lớn trên chiến trường đối với quân đội Syria, kể từ khi họ bắt đầu lật ngược tình thế vì sự can thiệp quân sự của Nga vào tháng 9/2015. Thành phố này được cho là địa bàn then chốt của các kết nối quan trọng nhất giữa vùng sa mạc giàu tài nguyên dầu mỏ ở phía đông và bờ tây đông dân cư của Syria. Nó cũng đóng vai trò như một cửa ngõ đi vào tỉnh Raqqa, đại bản doanh của IS. Chiến thắng tại thành phố cổ Palmyra, được đánh giá là sẽ mở đường cho quân đội Syria tiến về thành trì của nhóm khủng bố ở tỉnh Raqqa cũng như thành phố miền đông Syria Deir ez-Zor. 


Các chuyên gia quân sự phân tích những thành công chống IS của lực lượng quân đội Syria đạt được là nhờ có các cuộc không kích hiệu quả của không quân Nga vào các cứ điểm của IS. Hiện, Nga đã nắm quyền kiểm soát chiến trường Syria và việc lực lượng Nga - Syria phối hợp chặt chẽ với nhau là yếu tố làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Rõ ràng, các nhóm khủng bố khó có thể kháng cự được sức mạnh chung của lực lượng quân đội Nga - Syria. Dưới áp lực các cuộc không kích của Nga, IS đã không còn giành được lợi thế ở Syria. Chẳng những chúng không có khả năng duy trì việc mở rộng lãnh thổ ở quốc gia Trung Đông này mà ngược lại, những phần đất đang bị quân đội Syria dần tái chiếm. Cùng với đà thắng trên chiến trường, thủ lĩnh cấp cao số 2 của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mới đây cũng bị tiêu diệt bởi lực lượng liên quân, đánh dấu một tổn thất nữa trong hãng ngũ lãnh đạo chóp bu của nhóm phiến quân ở Syria.


Thay đổi cục diện trên bàn đàm phán


Rõ ràng, thắng lợi quân sự trên chiến trường đã tăng cường vị thế của chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad trước thềm cuộc đàm phán hòa bình về Syria, dự kiến diễn ra ngày 9/4 tới tại Geneva (Thụy Sĩ). Lâu nay, vấn đề tương lai của Tổng thống Assad luôn là đề tài gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ. Trong khi những diễn biến trên chiến trường là lời khẳng định mạnh mẽ nhất cho lập trường của Moscow về tương lai chính trị của ông Assad thì Mỹ vẫn tiếp tục giữ quan điểm cuộc chiến ở Syria không thể kết thúc bởi vì ông B.Assad chẳng khác nào thỏi nam châm thu hút khủng bố, bạo lực và các chiến binh thánh chiến, những người sẽ tiếp tục chiến đấu nếu ông ấy còn tại vị. Tuy nhiên, trước những diễn biến thay đổi trên thực địa hiện nay, Mỹ đã không còn nêu yêu cầu buộc ông Assad phải ra đi như một điều kiện tiên quyết của quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria. Trong chuyến thăm Nga mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, đã nhất trí quan điểm tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không nên đưa ra thảo luận vào thời điểm hiện nay và thừa nhận tiến trình chính trị tại Syria đang trở nên khả thi hơn. Ông Kerry cho rằng Washington đã tìm thấy sự đồng thuận từ Moscow về vấn đề tương lai của Tổng thống Syria sẽ không nằm trong chương trình nghị sự ở giai đoạn này. Trước thềm vòng đàm phán về hòa bình cho Syria dự kiến trong tháng 4 tới, đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura khẳng định vòng đàm phán lần này sẽ không tập trung lại vào các nguyên tắc đàm phán nữa mà bắt đầu tập trung vào tiến trình chính trị.


Rõ ràng, sự can thiệp của Nga ít nhiều đã làm đảo ngược thế trận, giúp quân đội Syria giành được lợi thế đáng kể trên thực địa. Cuộc hòa đàm ngày 9/4 tới tại Geneva, Thụy Sĩ, với những diễn biến mới trên chính trường gần đây, hy vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt mới, rút ngắn đường tới hòa bình của quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, triển vọng về một nền hòa bình lâu dài cho Syria dường như vẫn còn rất gian nan khi nước này vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Syria hiện vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi có thể loại bỏ được tất cả các nhóm khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác