Bước tiến mới trong quan hệ EU - Cu ba

(VOV5) - Gần 1 tháng sau khi Liên minh châu Âu phát đi tín hiệu muốn thúc đẩy hợp tác với Cuba, ngày 6/3 vừa qua, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tuyên bố đồng ý khởi động các cuộc đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ giữa 2 bên sau 10 năm đình chỉ. Điều này đồng nghĩa với việc trở ngại cuối cùng đối với việc khởi động mới mối quan hệ giữa 2 bên được dỡ bỏ, đặt nền tảng cho những bước tiến lớn hơn trong quan hệ giữa EU và Cuba trong tương lai.

Bước tiến mới trong quan hệ EU - Cu ba  - ảnh 1
Cuba - đất nước xinh đẹp và giàu tiềm năng


Chính phủ Cuba chấp nhận đề nghị khởi động các cuộc đàm phán do Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, đưa ra ngày 10/2. Theo đó, hai bên sẽ tiến hành đối thoại để hướng tới ký kết một hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương, có tên gọi là "Hiệp định Hợp tác và đối thoại chính trị", nhằm mở đường cho quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng hơn. Quyết định nói trên là sự thay đổi có ý nghĩa nhất về ngoại giao kể từ khi EU dỡ bỏ cấm vận Cuba năm 2008.

 

Mở đường cho bình thường hoá quan hệ song phương

 

Đại sứ EU tại Cuba, ông Herman Portocarero, coi việc EU khởi động đàm phán với Cuba là một bước đi mang tính quyết định và cho rằng, một sự hiểu biết lẫn nhau cao hơn sẽ có lợi cho cả hai bên. Đại sứ Portocarero nhấn mạnh EU quan tâm đến việc phải hiện diện trong tiến trình thay đổi kinh tế tại Cuba và với Hiệp định Hợp tác và đối thoại chính trị, EU tìm kiếm một mối quan hệ năng động hơn với quốc đảo này.     

 

Không phải đến bây giờ EU mới muốn hâm nóng lại quan hệ với Cuba. Trên thực tế, quan hệ giữa EU và Cuba bắt đầu được nối lại kể từ năm 2008 sau khi Cuba thả các đối tượng chống đối chính phủ. Tính từ thời điểm đó (năm 2008), EU đã viện trợ phát triển cho Cuba khoảng 80 triệu euro (tương đương khoảng 110 triệu USD). Tháng 11/2012, EU đã nhất trí khởi động tiến trình thương lượng một thỏa thuận song phương với Cuba. Tiếp đó, đầu tháng 2/2014, các quan chức EU tuyên bố liên minh đã sẵn sàng cải thiện quan hệ với Cuba nhằm mở rộng các khuôn khổ hợp tác giữa hai bên.

 

Giáo sư Joaquin Roy, Giám đốc Trung tâm EU ở Miami (Mỹ), cho rằng dù tồn tại quy tắc “Lập trường chung” (thiết lập hàng loạt quy tắc giới hạn mối quan hệ với Cuba)   từ năm 1996 nhưng thực tế, nhiều nước thành viên EU vẫn duy trì chính sách hợp tác thực dụng. Nghĩa là, vẫn có hợp tác về thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển với Cuba. Điều này được minh chứng khi từ năm 2008, khoảng 15 nước châu Âu đã ký các thỏa thuận song phương với quốc gia vùng Caribe.

 

Lợi ích kinh tế là động lực thúc đẩy hợp tác    

 

Theo giới quan sát, những suy tính lợi ích đã khiến EU điều chỉnh chính sách với Cuba trong bối cảnh đất nước này ngày càng chủ động mở cửa và có những thành công nhất định trong quá trình cải cách kinh tế-xã hội. Dẫn chứng gần đây nhất là việc Cuba tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế (BIT 2014) tại Milan (Italy) để quảng bá tiềm năng du lịch với thị trường châu  trong bối cảnh ngày càng nhiều du khách châu Âu đến nghỉ dưỡng tại Cuba. Một hướng đi mới mà chính phủ Cuba đang thực hiện là chuẩn bị mở cửa Khu Phát triển Đặc biệt tại cảng Mariel nhằm thu hút nguồn vốn nước ngoài, sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Các chuyên gia kinh tế nhận định, khu cảng Mariel sẽ trở thành một trong những trục thương mại lớn của khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Cùng với đó, luật đầu tư nước ngoài mới, mang tính cởi mở hơn dự kiến được thông qua vào cuối quý I/2014. Những biện pháp kinh tế mới này được dự đoán sẽ đem lại cho quốc đảo nhiều cơ hội kinh doanh cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans từng thừa nhận Cuba đã có những thay đổi quan trọng và đây là thời điểm để EU cải thiện quan hệ với nước này..Đại sứ EU tại Cuba Herman Portocarero còn đánh giá cao vai trò của Cuba trong vấn đề hội nhập ở khu vực Mỹ la-tinh được tiến hành thông qua Cộng đồng các quốc gia vùng Caribe và Mỹ la-tinh (CELAC).

 

Trong khi đó, xét về trao đổi thương mại, theo thống kê, châu Âu là đối tác lớn thứ 2 của Cuba (sau Venezela). Hàng hóa xuất khẩu của lục địa già sang Cuba lên đến 2 tỷ euro với khoảng 20% lượng hàng hóa nhập khẩu vào Cuba có xuất xứ từ EU. Trong tình hình khủng hoảng nợ công, tình trạng thất nghiệp lan rộng ở EU thì việc tìm được thị trường tiêu thụ hàng hoá là điều rất cần thiết với EU.

 

Việc Cuba đồng ý khởi động các cuộc đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ với EU sẽ giúp Liên minh này không chậm chân hơn so với các cường quốc kinh tế để tận dụng cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, thương mại ở đất nước giàu tiềm năng này. Ngược lại, Cuba cũng có thể hưởng lợi nhiều từ cải thiện quan hệ với EU để nâng cao vị thế quốc tế../.

Phản hồi

Các tin/bài khác