Cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

(VOV5) - Tiếp theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ ban hành tháng 3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 24 về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Việc làm này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp.



Cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Con số Thống kê mới đây trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Busines 2014) của Ngân hàng thế giới về số lần nộp thuế, hồ sơ phải nộp, số giờ phải nộp thuế, Việt Nam đứng thứ 149/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong lĩnh vực Hải quan, Việt Nam đứng thứ 65, với khoảng 21 ngày thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá. So với mức trung bình của các nước ASEAN, thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải cải cách, nhất là 2 chỉ số này liên quan đến chi phí, rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp.


Đáp ứng thông lệ quốc tế


Cuối quý 1 năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết yêu cầu thời gian thực hiện thủ tục hải quan phải rút xuống còn 14 ngày và thủ tục thuế xuống còn 171 giờ vào năm 2015. Đây là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng với thông lệ quốc tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu điều này được thực hiện sẽ tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là giảm thiểu rủi ro về thương mại, pháp lý, giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Khi giảm được chi phí giao dịch cho doanh nghiệp thì rõ ràng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính toán của chuyên gia quốc tế cũng cho thấy nếu cắt giảm được 1 ngày về thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới, Việt Nam có thể giảm được 1% tổng kim ngạch về chi phí xuất nhập khẩu trong 1 năm.


Trong Chỉ thị 24, Thủ tướng yêu cầu giảm thời gian kê khai, nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6; phấn đấu cuối năm 2014 có 95% số doanh nghiệp khai thuế điện tử, 63/63 địa phương triển khai thực hiện nộp thuế điện tử trong năm 2015; cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm). Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: "
Chắc chắn từ nay đến đầu tháng 9/ 2014, Bộ tài chính sẽ giảm một loạt các thủ tục, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ rà soát bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế, giảm thời gian kê khai và nộp thuế cũng như giảm thời gian thông quan của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; phấn đấu giảm thời gian cụ thể là 201 giờ. Thứ hai khắc phục sự khác biệt giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm được khoảng 35 giờ. Thứ ba khắc phục khác biệt sự ghi nhận giữa chi phí kế toán với chi phí tính thuế giảm được khoảng 10 giờ và thứ tư đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử sẽ giảm được khoảng 23 giờ".



Triển khai tích cực


Thực tế cho thấy thời gian qua, Việt Nam tiến hành nhiều cải cách thủ tục hành chính về thuế nhằm giảm bớt thời gian kê khai nộp thuế cho doanh nghiệp, tuy vậy so với các nước trong khu vực thì thời gian kê khai nộp thuế còn cao. Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: "Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội tư vấn thuế để rà soát và các chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt số lần kê khai và giảm thời gian nộp thuế, đồng thời chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục thuế và hải quan. 
Bộ Tài chính trình Chính phủ Nghị quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó tập trung mạnh mẽ vào nội dung cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, phấn đấu giảm 290 giờ kê khai nộp thuế trên tổng số 537 giờ theo tính toán của Ngân hàng Thế giới trong năm 2012 vừa qua. Chúng tôi tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính: một là giảm số lần kê khai nộp thuế; hai là rà soát, bãi bỏ các thủ tục, chỉ tiêu quá rườm rà khi yêu cầu khi doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế và ba là các giải pháp rà soát về pháp luật".


Với quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ và các bộ, ngành, Việt Nam có quyền hy vọng cải thiện vị trí cạnh tranh trong nhóm các nước ASEAN đồng thời cải thiện tích cực môi trường kinh doanh./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác