Căng thẳng bùng phát xung quanh vấn đề Jerusalem

(VOV5) - Tình hình đang đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn nghiêm trọng.

Cơn thịnh nộ trong thế giới Arab và Hồi giáo đang ngày một dâng cao kể từ sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của quốc gia Do Thái Israel. Không chỉ nổ ra ở khu vực Trung Đông, các cuộc biểu tình còn bùng phát ở nhiều quốc gia Hồi giáo. Tình hình đang đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn nghiêm trọng nếu cộng đồng quốc tế không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Căng thẳng bùng phát xung quanh vấn đề Jerusalem - ảnh 1 Cảnh sát Israel khống chế người biểu tình bạo động tại Đông Jerusalem ngày 9/12. -THX/ TTXVN

Bạo lực bùng phát chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump đưa ra quyết định “mạo hiểm” liên quan đến vùng đất thiêng Jerusalem. Tại khu vực Đông Jerusalem, ít nhất đã có 1.400 người Palestine đã bị thương trong các vụ đụng độ với an ninh Israel trong những ngày qua. Cơn bão giận dữ, cho đến thời điểm này, chưa thấy có bất cứ dấu hiệu nào tạm ngưng trong những ngày tới.

Làn sóng biểu tình rộng khắp

Tại Jerusalem, hơi cay, lựu đạn khói liên tục được lực lượng an ninh Israel sử dụng để giải tán đám đông người Palestines không ngừng la hét Jerusalem là thủ đô của họ và phản đối quyết định của Mỹ. Căng thẳng càng gia tăng sau khi một nhân viên an ninh Israel bị đâm hôm 10/12 ở đông Jerusalem, khơi mào cho những động thái đáp trả cứng rắn của nhà nước Do Thái.

Cách Jerusalem khoảng 10km, Bethlehem, thành phố nằm ở Bờ Tây cũng chứng kiến bạo lực leo thang khi hàng nghìn người biểu tình hô vang khẩu hiệu phản đối Mỹ công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô Israel. Cảnh sát Israel bắn hơi cay vào đám đông người biểu tình.

Căng thẳng bùng phát xung quanh vấn đề Jerusalem - ảnh 2

Người biểu tình Palestine ném đá vào binh sĩ Israel tại thành phố Nablus, Khu Bờ Tây ngày 10/12. - Ảnh: THX/ TTXVN

Jerusalem, Bethlehem chỉ là một phần trong bức tranh cuồng nộ của thế giới Arab và Hồi giáo sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các cuộc biểu tình không chỉ diễn ra ở các nước Hồi giáo, những nơi chia sẻ và thông cảm với người Palestine mà còn diễn ra tại các nước đồng minh của Mỹ. Ngày 10/12, khoảng 2.500 người đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Đức để thể hiện sự đoàn kết với Nhà nước Palestine, chống lại quyết định của Washington. Cờ Israel bị đốt khiến chính phủ Đức phải lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không kích động xu hướng bài Do Thái. Tại Liban, các lực lượng an ninh nước này đã phải bắn đạn hơi cay và dùng vòi rồng giải tán người biểu tình gần Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Beirut. Trong khi đó, tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, liên tiếp trong 3 ngày qua, hàng nghìn người đã biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ nhằm biểu thị sự đoàn kết với người dân Palestine. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại ít nhất 10 thành phố khác ở Indonesia, ở Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và các vùng lãnh thổ Palestine.

Nguy cơ Trung Đông rơi vào vòng xoáy bất ổn nghiêm trọng

Không chỉ gây nên làn sóng phản đối dữ dội trong thế giới Arab và Hồi giáo, quyết định của Thủ tướng D.Trump đang gây những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, đồng thời kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo tại Istanbul vào ngày 13/12. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì tuyên bố Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ không được chào đón tới Trung Đông trong chuyến thăm sắp tới và sẽ không có cuộc đối thoại nào diễn ra. Palestine sẽ tìm kiếm một nhà hòa giải đối thoại hòa bình mới thay thế Mỹ và tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc về Jerusalem. 

Trong lúc này, mọi nỗ lực ngoại giao đang tích cực triển khai nhằm hạ nhiệt xung đột Israel-Palestines. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc Thủ tướng Netanyahu ngừng việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có "những bước đi táo bạo" đối với người Palestine để "phá vỡ bế tắc" của cuộc khủng hoảng Israel-Palestine. Tuy nhiên, bước đi táo bạo đó cụ thể là gì thì cho đến lúc này, tất cả các bên vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thích đáng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác