Căng thẳng giữa Anh và EU trong tiến trình Brexit

(VOV5) - Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên đã nhất trí thông qua bộ khung các nguyên tắc, được coi là cẩm nang cho các nhà đàm phán Brexit trong 2 năm diễn ra các cuộc thương thảo.

Tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit tuy mới ở giai đoạn khởi đầu song bất đồng giữa 2 bên một lần nữa đã lộ rõ sau Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ), ngày 30/4. Điều này củng cố nhận định của giới phân tích rằng thủ tục để hoàn tất cuộc ly hôn thế kỷ giữa Anh và EU không hề dễ dàng.

Căng thẳng giữa Anh và EU trong tiến trình Brexit - ảnh 1Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong một động thái thể hiện sự đoàn kết trước thềm tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên đã nhất trí thông qua bộ khung các nguyên tắc, được coi là cẩm nang cho các nhà đàm phán Brexit trong 2 năm diễn ra các cuộc thương thảo. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của EU kể từ khi Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon đưa xứ sở Sương mù ra khỏi ngôi nhà chung.

27 nước thành viên EU thống nhất nguyên tắc đàm phán

EU đã bày tỏ lập trường cứng rắn hơn về chiến lược đàm phán với Anh, dù cuộc đàm phán chính thức về Brexit sẽ chỉ bắt đầu từ tháng 6, sau cuộc bầu cử trước thời hạn ở xứ sở sương mù (8/6).

Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí thông qua nguyên tắc "cứng rắn" trong tiến trình đàm phán với Anh. Theo đó, đàm phán về một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Anh chỉ có thể bắt đầu một khi London đồng lý các điều khoản về các quyền công dân cũng như trả những phí tổn khi rời khỏi EU. Ưu tiên số một của EU là bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho 3 triệu công dân EU sống tại Anh và hơn một triệu người Anh sống tại EU. Về vấn đề này, Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị một danh sách chi tiết và cụ thể các quyền mà EU muốn bảo vệ công dân của mình. Dựa trên danh sách này, EU sẽ yêu cầu Anh cung cấp cơ chế cư trú lâu dài cho công dân EU đối với những người đã có khoảng thời gian cư trú 5 năm tại xứ sương mù. Vấn đề này là một thách thức lớn khi chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đặt mục tiêu theo đuổi chính sách giới hạn nhập cư. Châu Âu cũng yêu cầu Anh tất toán các “hóa đơn” rời khỏi châu Âu phù hợp nhất có thể, theo đó tính đến cả những cam kết về ngân sách đến ngày nước này chính thức chia tay EU với con số không chính thức vào khoảng 50-60 tỷ euro. Tuy nhiên giới chính trị gia Anh cho rằng Chính phủ Anh sẽ không chấp nhận mức đóng góp cao như vậy. Ngoài ra bản kế hoạch đàm phán của EU cũng khuyến nghị ngành công nghiệp tài chính có ảnh hưởng của Anh không còn phải ràng buộc với bất kỳ thỏa thuận thương mại tương lai nào với EU, theo đó buộc phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của khối nếu muốn dễ dàng tiếp cận các thị trường của EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định đây không chỉ là vấn đề chiến thuật mà là cách tiếp cận duy nhất để EU kết thúc đàm phán với Anh. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, nhắc lại quan điểm của EU là sẽ không tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại tương lai với Anh trong giai đoạn một. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Căng thẳng giữa Anh và EU trong tiến trình Brexit - ảnh 2Ảnh tư liệu: Thủ tướng Anh Theresa May tại một sự kiện ở London ngày 28/4. AFP/TTXVN

Trước đó, sau khi nước Anh tuyên bố sẽ triển khai kịch bản Brexit cứng, tức rời khỏi cả thị trường chung Châu Âu và Liên minh Thuế quan, EU cũng đã bày tỏ lập trường cứng rắn hơn về chiến lược đàm phán với Anh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Anh không nên ảo tưởng về tiến trình Brexit và sẽ chỉ mất thời gian đàm phán vì Anh sẽ không có nhiều quyền hơn hay thậm chí không thể ngang bằng so với các nước thành viên khác. Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble tuyên bố sẽ không có gì dễ dàng với nước Anh ở phía trước. Ông nhấn mạnh EU không muốn nước Anh suy yếu nhưng cũng không muốn phần còn lại của Châu Âu suy yếu sau Brexit.

Khó đạt được sự đồng thuận giữa Anh và EU

Phản ứng trước những động thái phát đi từ Brussel, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 30/4 tuyên bố bà kiên quyết giữ vững lập trường về vấn đề Anh đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu rằng thà không đạt được thỏa thuận nào còn hơn chấp nhận một thỏa thuận tồi, gây bất lợi cho nước Anh. Trước đó, bà Theresa May cũng chỉ trích 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã "lập hàng rào" chống lại người Anh. Phát biểu tại một buổi tranh cử tại Leeds, xứ England ngày 27/4, bà May cáo buộc cách tiếp cận này của EU "chỉ gây ra bất ổn và bất trắc, đặt ra nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế Anh với những mức thuế cao, việc làm ít, nợ nhiều hơn". Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, David Davis, cũng thừa nhận các cuộc đàm phán này sẽ là những cuộc đàm phán phức tạp nhất mà nước Anh phải đối mặt từ trước đến nay. Các cuộc đàm phán cứng rắn sẽ diễn ra, trong một số vấn đề thậm chí có thể xảy ra "đối đầu" giữa hai bên.

Brexit mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, việc 27 nước thành viên  của EU quyết tâm theo đuổi nguyên tắc "cứng rắn" trong đàm phán với Anh cho thấy quá trình đàm phán sắp tới không hề dễ dàng. Để tránh tình trạng ra về trắng tay sau các cuộc đàm phán, cách tốt nhất là nhanh chóng xây dựng những thỏa hiệp chung giữa Anh và EU, tuy nhiên hiện nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ giữa hai bên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác