Căng thẳng vùng Vịnh cần nhiều thời gian để hàn gắn

(VOV5) - Gần ba tháng trôi qua, cuộc khủng hoảng quan hệ giữa các nước vùng Vịnh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. 

Căng thẳng vùng Vịnh cần nhiều thời gian để hàn gắn - ảnh 1

Quốc vương Al-Thani. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Kuwait đứng ra làm trung gian hòa giải, cuộc khủng hoảng vẫn chưa tìm ra lối thoát do quan điểm cứng rắn của các bên liên quan tới vấn đề chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, chính sách ngoại giao. Trong khi đó, quyết định của Qatar khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran đang gây lo ngại có thể châm ngòi những tranh cãi mới.

Khủng hoảng bùng phát hồi cuối tháng 5/2017 khi Quốc vương Qatar Hamad Al-Thani  đã cho là có các phát ngôn chính trị mạnh mẽ xung quanh những chủ đề nhạy cảm trong khu vực như Iran, tổ chức Hồi giáo Hamas của Palestine, Israel và Mỹ. Những phát ngôn này khiến các quốc gia trong khu vực, khởi xướng là Arabia Saudi, đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời đưa ra các cáo buộc Doha có quan hệ với Iran, ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực.

Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc, nhấn mạnh Quốc vương Al-Thani không đưa ra những phát ngôn như vậy mà do tin tặc đã tấn công trang mạng của hãng thông tấn QNA, đồng thời kêu gọi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hỗ trợ điều tra. Cơn giận của các quốc gia trong vùng càng bị đẩy lên cao khi nhóm 4 nước Arab gồm Arabia Saudi, Barahn, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đưa ra "tối hậu thư" gồm 13 điểm, trong đó yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố và cực đoan, hạ cấp quan hệ với Iran và chấm dứt sự hiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Tất nhiên, Qatar đã từ chối thực thi, cho rằng động thái trên của các nước Arab vi phạm chủ quyền.

Đâu là nguyên nhân thực sự?

Chưa bao giờ vùng Vịnh lại gặp khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Đằng sau những cáo buộc mà các nước Arab đưa ra có thể thấy nguyên nhân sâu xa lại là ở sự cạnh tranh thế lực trong khu vực. Vai trò ngoại giao ngày càng lớn của Qatar, Doha lại có quan hệ ngày càng thân thiết với Tehran, một cường quốc Hồi giáo trong khu vực. Trong khi Arabia Saudi muốn lập một liên minh các nước Hồi giáo Sunni để đối đầu với nước Iran vốn chiếm đa số người Hồi giáo Shiite, Qatar lại kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran. Tất cả những lý do này là nguyên nhân để Arabia Saudi và các quốc gia trong khu vực phát động cuộc chiến tẩy chay Qatar, dưới cái cớ phát ngôn trên truyền thông của nhà lãnh đạo nước này.

Đầu tháng này, Qatar đã nộp đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện việc láng giềng áp lệnh cấm vận thương mại đối với nước này. Cùng với đó, ngày 26/8, Qatar tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran. Tuyên bố muốn tăng cường quan hệ với Iran của Qatar vào thời điểm này chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng ngoại giao vốn đang bế tắc, bởi một trong 13 điểm yêu sách của các nước Arab đối với Doha là phải hạ cấp quan hệ với Iran. Động thái mới của Qatar không những khó có thể hàn gắn quan hệ của nước này với các thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, mà còn khoét sâu thêm chia rẽ giữa các nước trong khối.

Những rạn nứt khó hàn gắn

Từ chối thực thi bản yêu sách của các nước, chính sách đối với Iran, nhất là động thái khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran, trở thành nguyên nhân gây rạn nứt khó hàn gắn giữa Qatar và các quốc gia Arabb ở vùng Vịnh. Lợi ích then chốt của Tehran tại vùng Vịnh đều nằm ở các mỏ khí đốt tự nhiên của Qatar, thân thiết với Iran cũng bù đắp những tổn thất kinh tế cho Qatar sau khi bị các thành viên trong khu vực cô lập và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Do vậy, việc Qatar đang ngày càng xa rời các nước Arab trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, xích lại gần Iran bởi những lợi ích này là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Các nhà phân tích nhận định căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh đang làm thay đổi các mối quan hệ ở khu vực. Hội đồng hợp tác vùng Vịnh được xây dựng trên cơ sở an ninh chiến lược và lòng tin, nhưng những tranh cãi giữa Qatar với một số nước thành viên thời gian qua đang bị đẩy đi quá xa, cần nhiều thời gian mới có thể hàn gắn lại.

Cho đến thời điểm này, dư luận đang dồn sự chú ý vào các nỗ lực ngoại giao của các bên trong và ngoài khu vực, nhằm tác động đến cuộc khủng hoảng theo chiều hướng tích cực nhất. Chuyến thăm ngoại giao giữa Iran và Arabia Saudi, hai quốc gia được cho là cạnh tranh ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới được trông đợi sẽ đem đến những tín hiệu tốt lành. Song, điều quan trọng nhất vẫn là thiện chí thỏa hiệp và nhượng bộ của các bên trong cuộc khủng hoảng ngoại giao này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác