Châu Âu trước nguy cơ một mùa đông lạnh giá

(VOV5)- Cuộc đàm phán khí đốt ba bên giữa Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) tại Brussel, Bỉ mới đây đã không đạt bất kỳ một thỏa thuận nào, duy nhất chỉ là ấn định cho cuộc gặp tiếp theo vào ngày 29/10 tới. Kết quả này không ngoài dự đoán bởi những khúc mắc giữa các bên còn tồn tại khiến đàm phán khó có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Châu Âu trước nguy cơ một mùa đông lạnh giá - ảnh 1
Một trạm vận chuyển khí đốt từ Nga sang Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc gặp giữa Ủy viên Năng lượng EU Guenther Oettinger, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng cấp Ukraine Yuri Prodan, các bên đã thảo luận về vấn đề giá cả, việc thanh toán nợ khí đốt của Ukraine cho Nga và lượng khí đốt Nga có thể cung cấp cho Ukraine trong mùa Đông này. Giá cả và lượng khí đốt cung cấp đã được thống nhất, song mấu chốt của vấn đề là do phía Ukraine không thanh toán cho Nga số tiền nợ khí đốt đã mua. Kiev muốn dùng số tiền Nga trả trước cho trung chuyển khí đốt để thanh toán nợ, nhưng Moscow không đồng ý, yêu cầu EU phải đứng ra đảm bảo cho khả năng trả nợ của Ukraine do Nga lo ngại chính quyền Ukraine không đủ tiềm lực tài chính để trang trải các khoản nợ này.

Về phần mình, EU lại chưa quyết định được nguồn hỗ trợ cho Kiev, bởi chính trong lúc này EU cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn về tài chính. Bế tắc của cuộc đàm phán 3 bên đã dấy lên lo ngại rằng kịch bản “mùa đông lạnh giá”, từng xảy ra hồi năm 2006 và 2009 khi Nga cắt nguồn khí đốt cung cấp cho EU, có thể sẽ lặp lại.

Quân át chủ bài để tạo sức ép của Nga là khí đốt
Tranh cãi liên quan đến vấn đề khí đốt giữa Nga và Ukraine một lần nữa lại đặt ra nguy cơ về nguồn cung đối với châu Âu khi mùa Đông đang đến gần. Nga hiện đang là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU qua lãnh thổ Ukraine với tổng lượng cung ứng chiếm hơn 30% nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của liên minh này. Nếu trong trường hợp Nga tạm ngừng xuất khẩu khí đốt sang khu vực này, theo ước tính, hàng loạt các nước EU như Macedonia, Phần Lan, Estonia, Serbia, Bosnia và Herzegovina sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì các nước này hiện phụ thuộc tới 60% lượng khí đốt nhập khẩu. Bởi vậy, đàm phán thất bại khiến EU không khỏi bồn chồn lo lắng.

Dù chủ động chấp nhận mức giá thị trường 385USD/1000m3, nhưng cái khó là thời điểm này Ukraine không thể có đủ nguồn lực tài chính để đáp ứng yêu cầu thanh toán nợ của Nga. Trong khi đó, Nga với quân bài khí đốt nắm chắc trong tay lại không dễ gì thỏa hiệp. Trong bối cảnh đang phải chịu sự trừng phạt từ các nước phương Tây, Moscow hoàn toàn hiểu rõ lợi thế của mình trên ván bài năng lượng, củng cố vị thế của mình trong cuộc đối đầu kinh tế với phương Tây. Dù tuyên bố Nga không muốn gây ra bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào trong mùa đông này, nhưng Moscow cũng thẳng thừng cảnh báo nếu phát hiện Ukraine chiết xuất khí đốt trong các đường ống dẫn từ Nga qua Ukraine sang các nước thành viên EU, Nga sẽ lập tức cắt nguồn dẫn này.

Sử dụng quân át chủ bài năng lượng, Moscow nhằm đưa ra lời cảnh báo ngầm về một “mùa đông lạnh giá” mà EU đã từng đối mặt trong quá khứ. Hai vụ tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine năm 2006 và 2009 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Hỗ trợ tài chính Ukraine hay tự chống chọi với mùa đông lạnh giá? EU chắc chắn sẽ phải đưa ra câu trả lời vào ngày 29/10 tới.

Kịch bản khủng hoảng khí đốt có lặp lại?
Thực tế cho thấy, EU khó có sự lựa chọn nào khác là giúp đỡ Ukraine về tài chính để Ukraine và Nga đi đến một thỏa thuận chính thức, nhằm đảo bảo nguồn cung khí đốt ổn định cho chính mình. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã buộc phải kêu gọi các đồng minh phương Tây không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Tuy nhiên, để huy động được 2 tỷ euro (tương đương 2,55 tỷ USD) theo như mức mà chính quyền Kiev đề nghị cho vay bổ sung, là vấn đề EU phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi bản thân khối này cũng đang lao đao trước các khó khăn tài chính nội khối. Vay của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu hay Ủy ban châu Âu, cũng như huy động một công ty châu Âu thay Ukraine làm trung gian mua khí đốt của Nga để bán sang châu Âu, tất cả những phương án này EU vẫn chưa thể đi đến quyết định cuối cùng. Thêm nữa, liệu các nước thành viên trong khối có đạt được sự đồng thuận trong việc việc chấp nhận bỏ tiền ra để hỗ trợ Ukraine hay không là rất khó.

Với "vũ khí" khí đốt lợi hại, Moscow đang đẩy EU vào "thế bí" khi phải đứng giữa hai sự lựa chọn: hỗ trợ Ukraine hay chấp nhận thiếu nguồn cung khí đốt. Thực tế trong bối cảnh quan hệ Nga và EU vẫn còn "lạnh nhạt", việc tìm ra lời giải cho bài toán khí đốt vẫn là mục tiêu còn xa vời. Cuộc chiến khí đốt giờ không chỉ là vấn đề giữa Kiev và Moscow mà còn là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Theo các nhà phân tích, việc không xuất khẩu dầu thô và khí đốt sang Châu Âu cũng khiến ngân sách của Nga thâm hụt, nhưng ngược lại, cái giá mà người tiêu dùng châu Âu phải trả có thể cũng sẽ rất lớn./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác