Châu Âu và nỗ lực củng cố vị thế năm 2017

(VOV5) - Năm 2017, châu Âu nỗ lực củng cố lại đoàn kết nội khối sau quyết định ra đi của Anh, tiếp tục đề ra các nền tảng để khôi phục lại nền kinh tế. 

Châu lục này cũng hiện thực hóa việc xây dựng lực lượng quân đội bằng việc ra mắt chính thức Cấu trúc hợp tác thường trực về quốc phòng (PESCO). Đây được coi là bước tiến mới của quá trình xây dựng ngôi nhà chung châu Âu. 

Châu Âu và nỗ lực củng cố vị thế năm 2017 - ảnh 1 Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. - Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2017 là năm khó khăn và nhiều thử thách đối với châu Âu. Châu lục này tiếp tục phải giải quyết những bất đồng nội khối về phân bổ người di cư, khôi phục lại nền kinh tế, đối phó với làn sóng khủng bố theo kiểu sói đơn độc, củng cố đoàn kết trong đàm phán Brexit. Trong khó khăn đó, những việc châu Âu làm được trong năm 2017 là bước tiến đáng ghi nhận. 

Tăng cường tiềm lực quốc phòng

Sau cú sốc về việc Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit), EU phải tái khởi động lại dự án cũ về một liên minh phòng vệ, tiến tới đích cuối cùng là thành lập khối quân đội chung của châu Âu. Điều này được hiện thực hóa tại phiên họp thượng đỉnh cuối năm (14-15/12), lãnh đạo 25 quốc gia thành viên (trừ Anh, Đan Mạch, Malta) chính thức khai sinh Cấu trúc hợp tác thường trực về quốc phòng (PESCO), hay còn gọi là dự án quốc phòng chung châu Âu. Đây được coi là thỏa thuận lịch sử về việc nhất thể hóa lực lượng quân đội của EU. Liên minh kỳ vọng kế hoạch táo bạo này sẽ đưa EU trở thành một thực thể quân sự và an ninh hàng đầu thế giới, tương xứng với tầm vóc kinh tế và chính trị vốn có.

Châu Âu và nỗ lực củng cố vị thế năm 2017 - ảnh 2 Thị trường chứng khoán châu Âu. - Ảnh: AP/TTXVN

EU sẽ có một khoản ngân sách phòng vệ chung khoảng 5 tỷ euro cho mua sắm vũ khí, kèm theo quỹ khác dành cho các hoạt động quân sự và nghiên cứu. Trong đó, mỗi thành viên phải tăng chi tiêu quân sự ở một mức cụ thể, dành 20% chi phí quốc phòng cho mua sắm khí tài và 2% cho nghiên cứu công nghệ. PESCO cũng hướng tới việc xây dựng một trung tâm chỉ huy về quân y, mạng lưới các trạm vận tải, một trung tâm phản ứng trước các thảm họa và chương trình đào tạo sĩ quan quân đội chung.

Tất nhiên sẽ còn mất nhiều thời gian để có thể kiểm chứng hiệu quả của PESCO nhưng nhìn chung, những vấn đề nêu ra trong PESCO đều cho thấy tính tự chủ cao, vốn rất quan trọng trong bối cảnh Mỹ và NATO từng chỉ trích giới chức EU về việc luôn tìm cách dựa vào Washington trong việc bảo vệ an ninh nội khối.

Củng cố đoàn kết trong EU

Năm 2017 đánh dấu 60 năm ngày thành lập Liên minh châu Âu (EU). Đây là dịp để liên minh củng cố đoàn kết nội khối sau sự ra đi của Anh. 27 nhà lãnh đạo các nước thuộc EU cùng ký “Tuyên bố Rome” cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh. Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất, đoàn kết và tôn trọng các nguyên tắc chung.

Để tăng cường vị thế của EU, cũng trong năm 2017, Sách Trắng về tương lai châu Âu được công bố, trong đó đề ra 5 kịch bản cho hướng đổi mới của EU, tương đương với các mức độ hội nhập khác nhau. Theo kịch bản này, những thành viên muốn hợp tác cùng nhau nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng hay quản trị khu vực Eurozone sẽ không bị cản trở bởi những thành viên vẫn còn đang lưỡng lự.

Một châu Âu mạnh phải gắn với kinh tế mạnh. Trong năm 2017, châu Âu đã ban hành một số chính sách mới để vực dậy kinh tế châu lục. Ngân hàng TW châu Âu (ECB) công bố sẽ tiếp tục mua nợ từ khu vực công và khu vực tư nhân và không tăng lãi suất trong một thời gian dài nhằm tạo điều kiện cho một chính sách tiền tệ mở rộng. Hoạt động cho vay dành cho khối doanh nghiệp trong Khu vực Eurozone cũng đã chạm đỉnh của gần 8 năm qua. ECB cũng đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp lịch sử, cung cấp các khoản cho vay với lãi suất thấp dành cho các ngân hàng và đưa hơn 1.800 tỷ Euro vào thị trường thông qua việc mua trái phiếu.

Đầu tháng 12 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố tầm nhìn về cải tổ Khu vực đồng tiền chung châu Âu, bao gồm việc thành lập một phiên bản Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) của châu Âu nhằm tăng cường tính chủ động trong các chương trình cứu trợ tài chính trong tương lai cũng như hỗ trợ đầu tư. EC còn hối thúc hoàn tất việc thành lập một liên minh ngân hàng ở Eurozone, ý tưởng vốn đã được khởi động cách đây vài năm khi một loạt quốc gia như Ireland, Tây Ban Nha và Hy Lạp nằm trong “tâm bão” khủng hoảng nợ.

Năm 2017, tuy châu Âu vẫn không thu hẹp được bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư cũng như chưa ngăn chặn hiệu quả các vụ tấn công kiểu sói đơn độc song không thể phủ nhận những nỗ lực trong việc khôi phục lại vị thế của châu lục. Điều này được hy vọng là sẽ giúp các quốc gia thành viên châu Âu gắn kết hơn trong tương lai.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác