Chiến lược công nghiệp châu Âu

(VOV5) -Ý tưởng thành lập chiến lược công nghiệp châu Âu do Đức và Pháp khởi xướng.

Ngày 21/3, Hội nghị thượng đỉnh liên minh châu Âu khai mạc tại Brussel (Bỉ). Diễn ra trong 2 ngày, ngoài vấn đề nổi cộm bàn về sự ra đi của nước Anh, dự kiến lãnh đạo các nước thành viên EU còn thảo luận về chiến lược công nghiệp châu Âu. Đây được cho là một nỗ lực nữa của EU trong việc củng cố đoàn kết nội khối, sau khi tiến trình thành lập quân đội chung châu Âu đang đạt được tiến triển. Ý tưởng thành lập chiến lược công nghiệp châu Âu do Đức và Pháp khởi xướng.

Châu Âu là nơi tiến hành công nghiệp hoá sớm nhất thế giới. Từ lâu, các sản phẩm công nghiệp của châu Âu đã nổi tiếng về chất lượng cao. Các ngành công nghiệp được chú trọng phát triển là luyện kim, chế tạo máy, hoá chất, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng...

Chiến lược công nghiệp châu Âu - ảnh 1Ảnh minh họa TTXVN 

Tăng sức cạnh tranh

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất thảo luận chiến lược công nghiệp châu Âu trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo đang tìm cách "đảm bảo việc làm cho tương lai trong những lĩnh vực kinh doanh chiến lược tại châu Âu". Bà Merkel đề cập tới các dự án đổi mới và nghiên cứu chiến lược, trong đó có việc Đức và Pháp thúc đẩy thành lập một hiệp hội sản xuất ắc-quy ô tô nhằm bắt kịp các đối thủ châu Á. Thủ tướng Đức hy vọng cùng với người đồng cấp Pháp sẽ thuyết phục được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về ý tưởng xây dựng một chiến lược công nghiệp châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

Đây không phải là lần đầu tiên Pháp và Đức, 2 quốc gia đầu tàu châu Âu, đề cập ý tưởng Chiến lược công nghiệp châu Âu. Hồi tháng 2, lãnh đạo 2 quốc gia đã nhất trí về chính sách công nghiệp mới của châu Âu nhằm hỗ trợ những công ty trong khu vực cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài. Theo đó, hai nước sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh hơn vào các chương trình sáng tạo, cải cách những nguyên tắc cạnh tranh và lập những cơ chế giúp bảo hộ công nghệ được phát triển trong khu vực.

Pháp và Đức cũng đề xuất trao cho Hội đồng châu Âu, cơ quan đại diện cho chính phủ các nước EU, quyền phủ quyết một số quyết định chống độc quyền của Ủy ban châu Âu trong “những vụ kiện nhất định được xác định rõ”. Cũng trong đề xuất chung, hai nước cho rằng nên sửa đổi các quy định sáp nhập hiện hành nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các công ty châu Âu từ cấp độ châu lục lên toàn cầu. Sáng kiến chung được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu ngày 6/2 vừa qua quyết định cấm Tập đoàn Siemens (Đức) thâu tóm hãng Alstom (Pháp) để tạo ra một tập đoàn đường sắt lớn nhất châu Âu, cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn trên thế giới. 

Cũng nằm trong ý tưởng thúc đẩy phát triển công nghiệp, từ vài năm trước, Ủy ban châu Âu (European Commission – EC) đã đưa ra các ưu tiên đối với chính sách công nghiệp châu Âu và kêu gọi các nước châu Âu nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp trong việc tăng trưởng và tạo ra việc làm. EC cũng tuyên bố việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số là vô cùng cần thiết để tăng năng suất lao động của châu Âu thông qua việc xác định lại mô hình kinh doanh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Đồng thời, EC đã lập ra diễn đàn “Chính sách chiến lược về doanh nghiệp kỹ thuật số” nhằm tập trung vào việc chuyển đổi kỹ thuật số cho ngành Công nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp châu Âu nói riêng.

Trong khi đó, trong báo cáo về chính sách công nghiệp (Industrial policy Communication) năm 2012, Ủy ban châu Âu xác định 6 vấn đề ưu tiên, ba trong số đó liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp 4.0, cụ thể là công nghệ chế tạo tiên tiến (advanced manufacturing); công nghệ then chốt (ví dụ: pin, vật liệu thông minh và quy trình sản xuất tạo hiệu suất cao); và mạng lưới thông minh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Thách thức

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang hiện diện ở khắp mọi nơi, đòi hỏi các nước châu Âu không chỉ đầu tư mạnh về công nghệ mà vẫn rất cần phải đầu tư phát triển công nghiệp. Châu Âu cần có nhiều ngành công nghiệp mới, trang bị hiện đại được xây dựng ở các trung tâm công nghệ cao, nếu không muốn bị chậm chân.

Tuy nhiên, để có được những cái gật đầu của lãnh đạo các quốc gia thành viên về 1 chiến lược công nghiệp châu Âu cũng không đơn giản. Điều này phụ thuộc vào định hướng phát triển công nghiệp của từng quốc gia, phụ thuộc vào thế mạnh công nghiệp của từng vùng, thậm chí đó còn là sự tranh giành ảnh hưởng thị phần, lợi ích quốc gia….

Châu Âu được biết đến là nơi khởi nguồn của các cuộc cách mạng Công nghiệp. Và ý tưởng xây dựng 1 chiến lược công nghiệp châu Âu không phải là ý tưởng tồi nhưng để đi đến sự đoàn kết, thống nhất vể 1 chiến lược thực sự thì có lẽ còn cần thêm nhiều Hội nghị thượng đỉnh nữa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác