Công cuộc đổi mới từng bước đưa Việt Nam phát triển vững chắc

(VOV5)- Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt qua gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tiến những bước dài quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu của công cuộc đổi mới, những bước đi tiếp theo trên con đường này, đã được đề cập tại Hội nghị lần thứ X, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI, diễn ra hồi tuần đầu tháng 1-2015.

Dân tộc Việt Nam đang vững vàng tiếp tục tiến lên phía trước trên con đường đổi mới đã được Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn từ sau Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI, năm 1986. Việc tổng kết 30 đổi mới của đất nước, như lời Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định, là đánh giá bối cảnh quốc tế, trong nước và quá trình phát triển đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam, những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới và phương hướng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và trong xã hội.


Công cuộc đổi mới từng bước đưa Việt Nam phát triển vững chắc - ảnh 1
Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI


Kết quả có ý nghĩa lịch sử quan trọng

Trên bình diện quốc tế, thành tựu gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam mang ý nghĩa quan trọng. Dư luận quốc tế nhiều lần ghi nhận thắng lợi của đổi mới ở Việt Nam góp phần quyết định tương lai của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới, mở ra triển vọng khắc phục các cuộc khủng hoảng, thúc đẩy sự hình thành một trật tự thế giới mới công bằng hơn.Trong khi đó, tại Hội nghị lần thứ X, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam. Nhìn tổng thể, sau 30 năm đổi mới, đất nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Trong 30 năm đổi mới, với mô hình kinh tế tổng quát là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho đến nay, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn sản xuất với thị trường. Việt Nam đã thực hiện có kết quả chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, phát huy ngày càng tốt hơn tiềm năng của các thành phần kinh tế.Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần dần được hình thành, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Việt Nam cũng thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, đời sống của đại bộ phận dân cư được cải thiện rõ rệt. Những thành tựu của công cuộc đổi mới ngày càng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của đổi mới, khích lệ, động viên nhân dân tiếp tục hưởng ứng, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước với những bước tiến cao hơn.

Đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế

Những diễn biến mới của bối cảnh trong nước và quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu đổi mới hơn nữa nhằm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những thành quả quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Tại Hội nghị lần thứ X Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ các vấn đề quan trọng mà Đảng cộng sản Việt Nam, trong vai trò khởi xướng công cuộc đổi mới, phải tiếp tục dẫn dắt toàn quân, toàn dân Việt Nam đi tới thành công, trong đó có việc tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế": Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam cũng cần tiếp tục bám sát thực tiễn, đi sâu nghiên cứu, tổng kết, thảo luận, tạo sự thống nhất cao hơn về một số vấn đề mới và khó trong hệ thống lý luận về đổi mới như: Khái niệm và đặc trưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay; mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế cần xây dựng, hướng tới; tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện Việt Nam.

Một trong những căn nguyên để có được thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước, chính là Đảng cộng sản Việt Nam đã xây dựng được lý thuyết đổi mới khoa học, cách mạng và phù hợp với thực tế phát triển của Việt Nam. Qua gần 30 năm đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nam đã đúc kết những kinh nghiệm quý để dân tộc vững tin tiếp tục cuộc hành trình đưa đất nước tiếp tục phát triển./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác